06/09/2018 14:45 GMT+7

Vì sao ông Tập Cận Bình không dự 70 năm Quốc khánh Triều Tiên?

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Sau nhiều đồn đoán, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không xuất hiện tại lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên ngày 9-9.

Vì sao ông Tập Cận Bình không dự 70 năm Quốc khánh Triều Tiên? - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi tiếp Tổng thống Botswana tại Bắc Kinh ngày 31-8 - Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung - Triều đan xen các lợi ích địa chính trị - kinh tế phức tạp, sự vắng mặt của người đứng đầu Trung Quốc tại Triều Tiên được xem là lựa chọn khôn ngoan.

Cử nhân vật số 3 đi Bình Nhưỡng

Theo Tân Hoa xã, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư - nhân vật quyền lực thứ 3 trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, với tư cách đặc phái viên của ông Tập, sẽ dẫn đầu đoàn Trung Quốc đến Bình Nhưỡng từ ngày 8-9.

Ông Lật sẽ là quan chức Trung Quốc cấp cao nhất thăm Triều Tiên kể từ năm 2012, thời điểm ông Tập lên cầm quyền. 

Thông tin mới nhất về chuyến đi của ông Lật cho thấy Bắc Kinh mong muốn Bình Nhưỡng nỗ lực hơn nữa nhằm tháo gỡ các mối căng thẳng quốc tế cũng như quan hệ song phương sau nửa thập kỷ cơm không lành, canh không ngọt.

Mọi sự thay đổi nhanh chóng kể từ đầu năm 2018, sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố hoàn thành mục tiêu chế tạo vũ khí hạt nhân.

Quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên đặc biệt có nhiều dấu hiệu cải thiện, sau khi ông Kim Jong Un tới thăm Trung Quốc 3 lần chỉ trong năm nay. 

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng đã thăm Triều Tiên hồi tháng 5, đánh dấu sự kiện lần đầu tiên người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc thăm Bình Nhưỡng kể từ năm 2007.

Các hoạt động kinh tế tại khu vực biên giới Trung - Triều bắt đầu khởi sắc, sau hơn một năm đìu hiu vì Bắc Kinh thực thi lệnh trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Mọi chỉ dấu đều cho thấy quan hệ Trung - Triều đang ngày càng ấm hơn, cả về chính trị lẫn kinh tế. Nhưng vì sao ông Tập lại trì hoãn việc đến Bình Nhưỡng trong dịp quan trọng này?

Vì sao ông Tập Cận Bình không dự 70 năm Quốc khánh Triều Tiên? - Ảnh 2.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un - Ảnh: KCNA/Reuters

Câu trả lời nằm ở Mỹ. Sau thời gian ngắn không nhắc gì đến trách nhiệm của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu khơi lại. 

Điều này chỉ xảy ra sau khi các cuộc tiếp xúc Mỹ - Triều đều đang lâm vào bế tắc, bất chấp những tín hiệu lạc quan ban đầu ở cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump và ông Kim hồi tháng 6 tại Singapore.

Trung Quốc thận trọng, chờ thời điểm thích hợp

Sự nôn nóng giải quyết nhanh chóng vấn đề Triều Tiên của Mỹ dường như đang vấp phải hòn đá tảng Trung Quốc. Ông Trump muốn dùng thương mại để ép Bắc Kinh tiếp tục thực thi các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.

Chiêu bài này có vẻ chưa có tác dụng khi Trung Quốc ăn miếng trả miếng với Mỹ trong cuộc chiến thương mại, trong lúc quan hệ Trung - Triều lại ngày càng nồng ấm.

Dẫu vậy, mối quan hệ vừa mới khởi sắc lại chưa đủ mạnh để Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận thêm các đợt áp thuế trừng phạt của Mỹ. 

Nhưng ở khía cạnh khác, Trung Quốc cũng không sẵn sàng để Mỹ tự biên tự diễn trong cuộc chơi với Triều Tiên. Nói như một nhà quan sát quốc tế, vấn đề Triều Tiên và thương mại đang trở thành con bài của cả Mỹ và Trung Quốc.

Rõ ràng so về lợi ích kinh tế, Triều Tiên không thể trở thành thị trường thay thế Mỹ của doanh nghiệp Trung Quốc. Nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không ngồi im để các lợi ích địa chính trị bị mất vào tay Mỹ. 

Triều Tiên và thương mại sẽ là con dao hai lưỡi đối với Mỹ và Trung Quốc, nếu sự tự tin của hai bên trở nên thái quá.

Nếu ông Tập thăm Bình Nhưỡng, đây sẽ là tín hiệu cực kỳ lạc quan cho quan hệ Trung - Triều nhưng tiêu cực cho Mỹ - Trung, trực tiếp là doanh nghiệp Trung Quốc.

Cử một quan chức cấp cao trong quốc hội được xem là vừa đủ để khẳng định mối quan hệ với Triều Tiên mà vẫn không kích động tức giận từ Mỹ. 

Có lẽ ông Tập sẽ sang Triều Tiên trong tương lai gần, khi Bắc Kinh đủ sức "chơi tay đôi" với Mỹ trong thương mại và cực kỳ tự tin vào các con bài nắm được.

Hoài nghi bao trùm Triều Tiên Hoài nghi bao trùm Triều Tiên

TTO - Quá trình đàm phán tháo gỡ khúc mắc giữa Triều Tiên và các nước liên quan đang gặp bất lợi, sau khi tình báo Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng tiếp tục chương trình tên lửa.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên