13/06/2018 11:59 GMT+7

Vì sao người Nga ít kỳ vọng vào đội tuyển World Cup 2018?

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Giữa bộn bề âu lo, phong độ của tuyển Nga chẳng khác gì "thêm dầu vào lửa" cho cảm xúc tiêu cực của CĐV bóng đá nước chủ nhà World Cup 2018. Nếu không phải là chủ nhà, liệu thầy trò HLV Stanislav Cherchesov có giành được vé dự World Cup 2018?

Vì sao người Nga ít kỳ vọng vào đội tuyển World Cup 2018? - Ảnh 1.

Tuyển Nga không có một gương mặt nổi bật nào vào lúc này - Ảnh: SI

“Việc chúng tôi không đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ không phải là vấn đề của chúng tôi mà là vấn đề của người hâm mộ

Cầu thủ ANDREI ARSHVIN

Đội Nga tệ nhất lịch sử

Trong vài ngày đầu tiên ở Matxcơva và Saint Petersburg, tôi thực hiện một khảo sát dựa trên 30 người làm các ngành nghề khác nhau. Câu hỏi rất đơn giản: "Bạn nghĩ tuyển Nga sẽ vào tới đâu ở World Cup 2018?".

Hơn 2/3 trả lời ngập ngừng: "Có lẽ sẽ vượt qua vòng bảng"; sáu người cho biết họ chẳng kỳ vọng gì mấy và chỉ có ba CĐV là mạnh miệng tin tuyển Nga sẽ vào đến tứ kết.

Hỏi kỹ hơn nhóm hi vọng Nga vượt qua vòng bảng, họ đưa ra một lý do - tuyển Nga nằm trong bảng đấu quá thuận lợi. Thật vậy, Uruguay, Ai Cập và Saudi Arabia - không đội bóng nào được đánh giá là "đại gia" của bảng A.

Uruguay từng vào đến bán kết World Cup 2010 và vô địch Copa 2011. Nhưng trong năm năm trở lại đây, họ gây thất vọng nhiều hơn. "Thế hệ vàng" của Luis Suarez, Edinson Cavani, Diego Godin... đã qua thời đỉnh cao.

Saudi Arabia hiển nhiên là đội bóng yếu nhất bảng. Còn Ai Cập là một ẩn số. Đội bóng châu Phi này thật ra cũng bị đánh giá thua xa Nga về kinh nghiệm. Nhưng Mohamed Salah "cân" cả tuyển Nga.

Theo định giá của Transfermarkt, 23 cái tên được HLV Cherchesov triệu tập chỉ có tổng giá trị vỏn vẹn 167 triệu euro, trong khi một mình Salah đã là 150 triệu euro.

May mắn cho tuyển Nga ở chỗ là tiền đạo của Liverpool đang chấn thương nặng và khả năng anh kịp trở lại trước thềm World Cup vẫn còn bỏ ngỏ.

Nhưng kể cả khi không có Salah, Ai Cập vẫn có một số cái tên được đánh giá cao hơn mặt bằng chung đội Nga. Đó là Mohamed Elneny - tiền vệ đang khoác áo Arsenal hay Ramadan Sobhi (Stoke City), Ahmed Hegazy (West Brom)…

Có đến năm tuyển thủ Ai Cập được ra sân thường xuyên ở các đội Premier League mùa rồi. Còn tuyển Nga thì sao?

21/23 cái tên dưới tay HLV Cherchesov hiện thi đấu trong nước. Và chỉ duy nhất Denis Cheryshev chơi bóng cho một CLB nổi tiếng châu Âu - Villarreal.

Hầu hết các tuyển thủ Nga đều chơi bóng ở giải quốc nội nên HLV Cherchesov, người không có kinh nghiệm huấn luyện ở nước ngoài, dễ dàng theo dõi tình hình phong độ, sự phù hợp trong lối chơi chung của các cầu thủ để xây dựng một đội bóng ưng ý .

Nhưng sẽ rất khó chờ đợi một đột biến nào đó với các cầu thủ suốt sự nghiệp chỉ quanh quẩn ở Giải vô địch Nga.

Đã qua lâu rồi cái thời của những Andrei Arshavin, Alexandr Kerzakov hay Roman Pavlyuchenko. Một tuyển Nga không có cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài cũng là một tuyển Nga vắng siêu sao. Chưa bao giờ trong lịch sử đội hình "gấu Nga" nghèo nàn đến thế này. 

Ngôi sao số 1 đội bóng lại là thủ môn đội trưởng Igor Akinfeev. Nếu xét về tổng giá trị đội hình, tuyển Nga xếp thứ 18/32 đội, tức họ thuộc nhóm nửa dưới và khó lòng vượt qua vòng bảng.

Bóng đá Nga thoái trào

Sự cổ vũ của các CĐV, sự quen thuộc trên những sân bóng quê nhà là yếu tố để kỳ vọng vào tuyển Nga. Nhưng CĐV Nga có thực sự cuồng nhiệt đến vậy? 

Trong phần khảo sát dựa trên 30 CĐV, tôi hỏi thêm một câu nữa: "Các bạn có đến sân cổ vũ không?". Gần như toàn bộ trả lời không, chỉ 1/3 bảo rằng họ sẽ đến các khu Fan Fest hoặc quán rượu để xem trận đấu.

"Thật ra, người Nga không quá mê bóng đá đâu. Sự sa sút của đội tuyển lẫn các CLB trong nước trên đấu trường Champions League đã khiến tình yêu bóng đá của người Nga gần như nguội lạnh " - Arsen, một chủ khách sạn ở Nga, cho biết. 

Còn Sorokko Copokko, một nhân viên ban tổ chức World Cup, gọi đội hình tuyển Nga hiện tại là "quá tệ so với lịch sử".

Tuy nhiên, ít kỳ vọng đồng nghĩa với ít sức ép. Ở Euro 2012, Nga được kỳ vọng rất nhiều bởi từng vào đến bán kết Euro 2008. Nhưng rồi họ không thể vượt qua vòng bảng và phải hứng chịu vô số chỉ trích từ CĐV. 

Andrei Arshavin, ngôi sao số 1 và cũng là đội trưởng của Nga khi đó, bực bội lên tiếng: "Việc chúng tôi không đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ không phải là vấn đề của chúng tôi mà là vấn đề của người hâm mộ".

Arshavin chia tay đội tuyển rồi kế đó lần lượt là Pavlyuchenko, Kerzhakov khiến tuyển Nga trở thành một đội bóng nhạt nhòa, mất bản sắc. 

Thiếu cầu thủ tấn công tài hoa, các HLV của Nga từ Fabio Capello, Leonid Slutsky hay Cherchesov chỉ có thể xây dựng đội bóng dựa trên lối chơi phòng ngự nhàm chán. Và bóng đá Nga ngày càng mất đi CĐV.

LĐBĐ Nga (RFU) phải chịu trách nhiệm lớn cho sự thoái trào đó. Để chuẩn bị cho World Cup 2018, RFU ban đầu được bơm tiền rất nhiều. Họ mời về HLV Fabio Capello - một chiến lược gia tên tuổi với mức lương 11 triệu USD/năm ở tuyển Nga (cao gấp 3-4 lần so với HLV các đội Brazil, Đức, Anh, Pháp...). 

Cuối năm 2014, tất cả ngã ngửa khi RFU nợ lương ông Capello nhiều tháng trời. Năm 2015, họ chia tay ông Capello sau khi lâm vào cảnh phá sản.

Trước Capello, HLV của tuyển Nga lần lượt là Dick Advocaat và Guus Hiddink - đều là những chiến lược gia lừng danh thế giới. Sau Capello, người Nga đành tạm hài lòng với Leonid Slutsky và Stanislav Cherchesov - những HLV cả sự nghiệp chỉ gắn bó với các CLB trong nước. 

Ở Euro 2016, HLV Slutsky thậm chí còn làm việc không lương. Tiền nào của nấy, Nga xếp chót bảng B trên đất Pháp với vỏn vẹn 1 điểm, kém hơn cả 2 đội lần đầu được dự giải là Xứ Wales và Slovakia .

Một đội bóng với những cầu thủ, HLV và mức độ đầu tư chỉ như thế, điều mà thầy trò HLV Cherchesov trông mong nhất là các CĐV đừng quá kỳ vọng vào họ.

83b96219

HLV Cherchesov (phải) - Ảnh: Goal.com

HLV Cherchesov tệ thứ nhì lịch sử

Người Nga chê bai Slutsky nhưng rồi người thay thế ông sau Euro 2016 là HLV Cherchesov còn tệ hơn rất nhiều. Thống kê cho thấy thành tích 19 trận của tuyển Nga dưới thời ông Cherchesov là 5 thắng, 5 hòa và 9 thua, tức tỉ lệ thắng chỉ ở mức 26,31%.

Đây là mức thấp thứ nhì trong lịch sử bóng đá Nga sau khi Liên Xô tan rã.

Trong cả thảy 12 HLV từng nắm quyền chính thức dẫn dắt tuyển Nga, Anatoliy Byshovets (1998) tệ nhất với 6 trận toàn thua trước khi bị sa thải (tỉ lệ thắng 0%).

Người đặt tỉ lệ chiến thắng cao nhất cho đội tuyển Nga chính là Guus Hiddink với 56,41%.

___________

Kỳ tới: Người Việt ở Nga mùa World Cup

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên