Chữa cho bệnh nhân COVID-19 trong đơn vị hồi sức tích cực ở Payerne, Thụy Sĩ - Ảnh: REUTERS
Theo bác sĩ Matthieu Schmidt thuộc Bệnh viện Pitié- Salpêtrière tại Paris, "tất cả các khoa hồi sức cấp cứu tại Pháp đều ghi nhận một tỉ lệ rất cao các đối tượng bệnh nhân thừa cân hay béo phì. 3/4 bệnh nhân của chúng tôi là nam giới".
Tại Mỹ, bác sĩ phẫu thuật Hani Sbitany thuộc hệ thống Bệnh viện Mount Sinai tại New York cũng chia sẻ nhận định này trên nhật báo The New York Times: "Tôi làm việc tại khoa cấp cứu và điều đáng ghi nhận là 80% bệnh nhân nhập viện là nam giới".
Tại London (Anh), giáo sư Derek Hill cho biết ông quan sát thấy "có nhiều bệnh nhân nam hơn nữ" bị các biến chứng nặng do virus SARS-CoV-2 gây ra và "những bệnh nhân thừa cân hoặc có vấn đề về sức khỏe từ trước thường có nguy cơ bị nặng hơn".
Những số liệu thống chính thức tại Anh về bệnh nhân COVID-19 được điều trị tích cực cũng khẳng định điều này: 73% là nam và 73,4% là người thừa cân hoặc béo phì.
Ngày 3-4, tổ chức nghiên cứu độc lập của Anh là ICNARC đưa ra nhận định rằng các bệnh nhân bị thừa cân ít có khả năng hồi phục dù được chăm sóc tích cực: chỉ có 42,4% bệnh nhân béo phì, với chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30, là hồi phục so với 56,4% đối với những người có cân nặng trung bình hoặc nhẹ cân (BMI dưới 25).
Mặt khác, giới tính nam dường như cũng là một yếu tố có tiên lượng xấu. Theo số liệu thống kê trên khoảng 2.200 bệnh nhân được chăm sóc tích cực, chỉ có 47,8% bệnh nhân nam qua khỏi trong khi con số đó đối với bệnh nhân nữ là 55,4%.
Một bệnh nhân nam giới thừa cân trong phòng điều trị tích cực ở Anh - Ảnh: AFP
Nhưng lý do là vì sao? Chuyên gia Jean-François Delfraissy - chủ tịch Hội đồng khoa học tư vấn cho chính phủ Pháp về dịch COVID-19, đã giải đáp trên đài phát thanh France Info như sau: "Đây là một thực tế đã được khẳng định. Nhưng lúc này đây tôi không thể giải thích rõ ràng hơn. Tôi khá dè dặt với con virus này vì tôi chỉ mới biết nó 3 tháng rưỡi nay thôi và trong đầu tôi vẫn còn hàng loạt câu hỏi về nó".
Còn theo giáo sư Pierre Delobel, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Đại học Toulouse, một lý giải có lẽ thỏa đáng nhất là khả năng miễn dịch tự nhiên của phụ nữ trước độc lực của các chủng virus luôn mạnh hơn nam giới, nhất là khi họ chưa đến thời kỳ mãn kinh.
Còn đối với trường hợp người thừa cân, béo phì, lời giải nhất thời hiện nay là do họ thường có các bệnh lý đi kèm như tiểu đường hay cao huyết áp, là hai yếu tố gây nặng thêm khi nhiễm COVID-19, kèm theo đó là cả tuổi tác, khi có thêm các bệnh tim mạch hay bị tai biến mạch máu não. Đây là thực tế được xác nhận tại cả Trung Quốc và Ý.
Chuyên gia Delfraissy cũng bày tỏ tâm trạng lo lắng khi ở Mỹ có nhiều ca nặng do nguyên nhân béo phì.
Đáng lưu ý là đứng trước căn bệnh hoàn toàn mới này, y học vẫn đang dò dẫm từng bước một và cũng có những nhận định đôi khi mâu thuẫn với khuyến cáo y tế.
Giáo sư Delfraissy tiết lộ một chi tiết gây ngạc nhiên như sau: "Có một điều rất lạ là thuốc lá. Thực tế cho thấy đại đa số những ca nặng do nhiễm COVID-19 đều không rơi vào những người hút thuốc lá, như thể là thuốc lá đã giúp bảo vệ cơ thể chống lại con virus này nhờ chất nicotine".
Bác sĩ hồi sức cấp cứu Thibaud Soumagne thuộc Bệnh viện Đại học Besançon, miền đông nước Pháp, cũng cho biết ông quan sát thấy "có rất ít hoặc gần như là không có người nghiện thuốc lá nào" tại khoa hồi sức của ông, tương tự như ghi nhận trong nhiều y văn về đại dịch này.
Song những chuyên gia nghiên cứu về tác hại của thuốc lá thì phân vân trước nhận định trên, đồng thời nhấn mạnh rằng người hút thuốc một khi đã xuất hiện những triệu chứng nặng thì sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn do hệ hô hấp và tim mạch của họ đã yếu đi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận