Kinh tế khó khăn dẫn đến thu nhập người lao động sụt giảm, ngoài ra còn có tình trạng các hội nhóm rủ nhau, hướng dẫn nhau bùng nợ. Nợ xấu sẽ bào mòn lợi nhuận công ty tài chính.
Nhiều công ty tài chính lỗ hoặc lãi "bốc hơi" mạnh
Trong báo cáo gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty Tài chính Mirae Asset Việt Nam cho biết đã lỗ tới 963 tỉ đồng năm 2023, trong khi có lãi 127 tỉ đồng năm 2022.
Lỗ lớn khiến tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp về -55,2%. Tính đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Mirae Asset 1.744 tỉ đồng.
Mirae Asset là công ty tài chính có vốn ngoại từ tập đoàn Hàn Quốc, chính thức đi vào hoạt động tại Việt Nam từ năm 2011.
Một công ty tài chính có vốn từ Hàn Quốc cũng lỗ lớn là Shinhan Việt Nam. Cụ thể năm 2023, doanh nghiệp này báo lỗ hơn 462 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 312 tỉ đồng.
Lỗ lớn khiến vốn sở hữu của Shinhan Finance "hao hụt" từ 2.912 tỉ đồng về còn hơn 2.449 tỉ đồng sau một năm.
Công ty cổ phần kinh doanh F88 cũng đã công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với mức lỗ sau thuế hơn 528 tỉ đồng. Trong khi năm trước nữa, F88 ghi nhận lãi kỷ lục với 208 tỉ đồng.
Chưa đến mức thua lỗ, nhưng Công ty tài chính MB Shinsei (Mcredit) cũng ghi nhận tình hình kém khả quan khi lãi "rơi" từ mức 960 tỉ đồng năm 2022 còn 240 tỉ đồng năm 2023, tức giảm tới 75%.
Năm trước lãi lớn, tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu của Mcredit lên gần 41%, nhưng đến năm 2023 giảm về còn 8,2%. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2023 đạt 3.008 tỉ đồng, tăng 6% sau một năm.
Công ty mua bán nợ cũng chật vật
Sự khó khăn trong mảng cho vay tiêu dùng không ngoại lệ với Home Credit Việt Nam. Công ty tài chính này ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 375 tỉ đồng năm 2023, giảm 68% so với mức gần 1.200 tỉ đồng năm liền trước.
Trong thông báo hồi tháng 2 vừa qua, Tập đoàn Home Credit công bố việc Home Credit Việt Nam về tay ngân hàng lớn của Thái Lan.
Đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Home Credit Việt Nam đạt 6.753 tỉ đồng. Trong khi thỏa thuận chuyển nhượng thương vụ được tiết lộ trị giá khoảng 800 triệu euro (hơn 20.700 tỉ đồng).
Một số công ty tài chính cũng cho biết tình trạng khách hàng từ chối trả nợ tăng lên rất nhiều. Ngoài lý do khách quan là kinh tế khó khăn dẫn đến thu nhập của người lao động sụt giảm còn có tình trạng rủ nhau, hướng dẫn nhau "bùng nợ" trên mạng xã hội.
Khó khăn chung, một số công ty mua bán nợ cũng "ì ạch" trong kết quả kinh doanh. Theo báo cáo của Công ty cổ phần mua bán nợ và quản lý tài sản HDBank, lãi sau thuế năm 2023 chỉ đạt 12,2 tỉ đồng, giảm 69% so với 2022.
Tương tự, Công ty cổ phần mua bán nợ Thế hệ mới cũng báo lãi sau thuế giảm 50%, còn 4,6 tỉ đồng năm 2023.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Nguyễn Quốc Hùng, phó chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho biết thời điểm này là giai đoạn khó khăn nhất của các công ty tài chính sau khi "ngấm đòn" từ dịch COVID-19 cùng các hệ lụy của nó, nhất là khó khăn từ thu nợ.
Theo ông Hùng, mức lãi suất vay tiêu dùng phổ biến tại ngân hàng, các công ty tài chính áp dụng từ 20 - 50%/năm.
Nhưng cũng phải nói thêm, với lĩnh vực vay tiêu dùng, nhân sự, chi phí quản lý đi kèm hàng triệu khoản vay nhỏ nhỏ rất tốn kém. Chưa kể, tỉ lệ không trả nợ cũng lớn, do vậy họ cũng cần dự phòng rủi ro cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận