07/07/2021 09:09 GMT+7

Nguy cơ bùng phát mạnh nợ xấu

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Các chuyên gia, đại diện Ngân hàng Nhà nước cảnh báo nợ xấu sẽ có nguy cơ bùng phát trở lại do đại dịch COVID-19. Một trong những khuyến nghị được đưa ra là cần sớm luật hóa công tác xử lý "cục máu đông" nợ xấu.

Nguy cơ bùng phát mạnh nợ xấu - Ảnh 1.

Một tòa nhà là tài sản đảm bảo được ngân hàng rao bán - Ảnh: Quang Định

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, ông Nguyễn Tuấn Anh - vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) - cho biết các đợt bùng phát dịch COVID-19, nhất là trong nửa đầu năm 2021, đã gây tác động đến khả năng trả nợ của khách hàng, tạo áp lực nợ xấu lên hoạt động tín dụng ngân hàng (NH).

Liên tiếp rao bán nợ, bán tài sản đảm bảo

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, tính đến cuối tháng 5, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 256.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 337.000 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn hơn 677.000 khách hàng với dư nợ gần 1,28 triệu tỉ đồng.

Thực tế, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trên website của hầu hết NH đều thông báo bán nợ, bán tài sản đảm bảo. Không ít khoản nợ đã phát sinh từ cách đây cả chục năm, khiến nợ lãi gấp 2 - 3 lần nợ gốc.

Đơn cử, BIDV thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP kiến trúc và xây dựng Archplus với tổng dư nợ tính đến giữa tháng 4 là 498 tỉ đồng, trong đó nợ gốc là 257 tỉ đồng, nợ lãi hơn 173,8 tỉ đồng, phí phạt quá hạn là 67,2 tỉ đồng. Hay VPBank thông báo bán tài sản đảm bảo gồm ôtô, nhà đất... để thu hồi khoản nợ của khách hàng.

Ông Lê Đăng Khoa - phó tổng giám đốc SHB - đánh giá nợ xấu có khả năng tăng cao từ các khoản vay phát sinh hai năm trở lại đây do COVID-19. Song "cục máu đông" này cũng gồm không ít những khoản vay có nghĩa vụ trả nợ từ 10 năm trước nhưng khách hàng vin vào lý do COVID-19 để chây ỳ, không trả nợ cho NH.

Theo đại diện Techcombank, với xử lý nợ xấu, Techcombank dựa trên am hiểu khách hàng, phân loại đúng khách hàng và có giải pháp phù hợp. Với khách khó khăn tạm thời do dịch bệnh, NH sẽ hỗ trợ để vượt qua. Với khách khó khăn lâu dài, bị ảnh hưởng nặng nề, NH đồng hành để tìm các giải pháp giảm thiểu thiệt hại, xử lý sớm để hạn chế chi phí và lãi phát sinh.

Tuy nhiên, với các khách hàng cố tình không trả nợ, chây ỳ nhiều năm nay, NH tiếp tục áp dụng nghị quyết 42 để xử lý tài sản và thu hồi nợ. Quá trình xử lý nợ tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn của địa phương và Chính phủ về phòng chống dịch.

"NH là tổ chức lớn và hoạt động chịu sự quản lý rất chặt chẽ bởi pháp luật. Chúng tôi luôn đề cao tinh thần tuân thủ pháp luật, ủng hộ chính sách của Nhà nước. Trong quá trình xử lý nợ, chúng tôi cam kết tuân thủ pháp luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình" - đại diện Techcombank thông tin.

Cần luật hóa công tác xử lý nợ

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến kéo dài và phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến an toàn hệ thống tín dụng, các NH cũng như các chuyên gia kinh tế kiến nghị NH Nhà nước cần tiếp tục đưa ra những chính sách hỗ trợ xử lý nợ xấu. 

Ông Nguyễn Quốc Hùng, tổng thư ký Hiệp hội NH, đề xuất: cần có chính sách cho phép NH được khoanh nợ các khoản vay thuộc đối tượng áp dụng tại thông tư 01 và thông tư 03 như là chính sách áp dụng tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn đối với những khoản nợ rủi ro do dịch bệnh gây nên hiện nay.

Một điểm đáng băn khoăn mà các NH đưa ra là tình trạng một số khách hàng tận dụng sự phát triển của mạng xã hội để đưa thông tin một chiều, sai sự thật về công tác xử lý thu hồi nợ xấu của NH nhằm gây sức ép, gây tổn thương thương hiệu NH.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia NH Nguyễn Trí Hiếu nhận xét xử lý nợ xấu tại VN vô cùng gian nan do thủ tục bán tài sản đảm bảo và chuyển quyền sở hữu bất động sản là tài sản thế chấp rất khó. 

"Người ta cứ nghĩ NH là 'cỗ máy in tiền'. Nhưng 80-90% tiền ở NH là huy động từ dân, nên tiền trong NH là tiền của dân. Vì vậy, nếu có những khách hàng vay vốn mà chây ỳ thì nên xem đó là hành vi chiếm dụng tài sản của người dân, gây thiệt hại cho nền kinh tế và xã hội" - ông Hiếu nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị cần luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu. Bởi nghị quyết 42 chỉ là thí điểm, chỉ khoảng 1 năm nữa (8/2022) sẽ kết thúc. Trên thực tế, nợ xấu luôn tồn tại song song với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng. Nên về dài hạn, lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ cần nâng lên thành luật, có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành NH và các cơ quan nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.

337.000 tỉ đồng

Là số tiền được cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 256.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tính đến cuối tháng 5-2021.

(Nguồn: NHNN)

3,5 triệu tỉ đồng cho vay với lãi suất mới

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, các tổ chức tín dụng cam kết đảm bảo đủ nguồn tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu phát triển kinh doanh, tiếp tục cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch, với doanh số lũy kế từ 23-1-2020 đến nay đạt trên 3,5 triệu tỉ đồng cho hơn 480.000 khách hàng.

Nhiều NH cũng chia sẻ khó khăn với khách vay. Như đại diện Techcombank cho biết đã hỗ trợ tối đa các biện pháp chia sẻ khó khăn với các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với gói hỗ trợ tới 41,2 nghìn tỉ đồng, gồm tái cơ cấu, miễn giảm lãi và giãn nợ cho hơn 3.200 khách hàng.

Ông Nguyễn Trí Hiếu (người Việt đầu tiên thành lập NH tại Mỹ): Tham khảo kinh nghiệm xử lý nợ xấu tại Mỹ

Để xử lý nợ xấu hiệu quả, quy định thủ tục cần được đơn giản hơn. Như tại Mỹ, khi khách chậm trả nợ đến ngày thứ 9 thì NH sẽ gửi thông báo yêu cầu trả nợ. Sau 30 ngày mà khách vẫn không trả đúng hạn, NH sẽ tịch thu tài sản đảm bảo, thanh lý tài sản thế chấp của khoản vay để bán đấu giá.

Quy định, thủ tục cho phép NH ở Mỹ bán đấu giá tài sản đảm bảo rất khác với ở VN. Một công ty sẽ được giao quyền bán đấu giá tài sản đảm bảo, và tất cả mọi người, gồm cả NH, đều có thể tham gia cuộc đấu giá với mức giá khởi đầu là giá trị khoản nợ gốc, lãi và cộng thêm 1 USD.

Người nào đấu giá cao nhất thì trả tiền thanh toán khoản nợ cho NH và nhận tài sản đảm bảo. Nếu không có người đấu giá cao hơn NH thì NH đương nhiên có quyền thu hồi và thanh lý tài sản đó chứ không phải tiếp tục trải qua cuộc đấu giá lần thứ 3, thậm chí lần thứ 40 như ở VN.

Bên cạnh thanh lý tài sản đảm bảo, NH các nước, nhất là ở Mỹ, rao bán món nợ trên thị trường. Nợ xấu thường có tỉ lệ chiết khấu từ 10 - 90% tùy theo khả năng thu hồi.

Ngân hàng bán nợ xấu tiêu dùng Ngân hàng bán nợ xấu tiêu dùng

TTO - Không chỉ rao bán các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo, đã có ngân hàng rao bán các khoản nợ xấu cho vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm với giá chỉ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng…

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên