12/02/2020 11:11 GMT+7

Vì sao Indonesia và các nước châu Phi chưa có người nhiễm corona?

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Giới chuyên gia rất ngạc nhiên khi cho tới giờ Indonesia vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm bệnh do virus corona chủng mới (Covid-19) nào, bất kể từng đón tới 5.000 du khách Trung Quốc mỗi ngày ngay trước dịch. Tương tự là các nước châu Phi.

Vì sao Indonesia và các nước châu Phi chưa có người nhiễm corona? - Ảnh 1.

Các công dân Indonesia chờ được sơ tán tại sân bay quốc tế Thiên Hà ở Vũ Hán, Hồ Bắc Trung Quốc ngày 1-2-2020 - Ảnh: REUTERS

Theo báo New York Times, mỗi năm Indonesia đón tiếp khoảng 2 triệu du khách Trung Quốc, hầu hết họ đều tới đảo Bali.

Lãnh sự Trung Quốc tại Bali tuần trước cho biết khoảng 5.000 du khách Trung Quốc vẫn đang ở Bali, trong đó có 200 người từ Vũ Hán, thành phố tâm dịch.

Cho tới nay, các nước khác ở cùng khu vực Đông Nam Á với Indonesia là Philippines, Singapore, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan đều đã ghi nhận các ca nhiễm Covid-19.

"Tới nay, Indonesia là một nước lớn duy nhất tại châu Á không có ca nhiễm virus corona chủng mới nào", Bộ trưởng An ninh Indonesia, ông Mohammad Mahfud, đã nói như vậy trước báo giới hôm 7-2. "Chủng virus corona mới không tồn tại ở Indonesia", ông tiếp.

Cũng theo ông Mohammad Mahfud, không người nào trong số 285 người đã được sơ tán từ Vũ Hán và hiện đang được cách ly theo dõi trên đảo Natuna của Indonesia có biểu hiện triệu chứng bệnh.

Thật sự không có ca nhiễm nào. Nghe có vẻ bối rối nhưng đó là sự thật. Hi vọng sẽ không có bất cứ ca nhiễm nào và chúng tôi vẫn đang cầu nguyện, nhưng chúng tôi đang trong tình trạng cảnh giác cao nhất"

Bộ trưởng Y tế Terawan Agus Putranto nói ngày 12-2

Cũng giống Indonesia, các nước châu Phi, cho tới ngày 11-2 vẫn chưa xác nhận có ca nhiễm Covid-19 nào mặc dù đã có nhiều ca nghi nhiễm. Trong khi đó, châu Phi cũng là một điểm đến quen thuộc của nhiều người Trung Quốc, mặc dù hầu hết họ tới châu Phi để làm việc, không phải đi du lịch.

Dù vậy tuần trước, trong báo cáo khoa học, 5 nhà nghiên cứu tại trường y tế cộng đồng Harvard T.H. Chan đã khuyến cáo hai nước Indonesia và Campuchia (hiện mới có 1 ca nhiễm) nên nhanh chóng tăng cường theo dõi các trường hợp nghi nhiễm.

Căn cứ trên các phân tích thống kê, dịch bệnh rất có thể đã tới Indonesia rồi, các tác giả báo cáo nghiên cứu kết luận như vậy. 

"Rất nhiều trong số các ca bệnh từ nước khác mang tới đã liên quan tới lịch sử đi lại gần đây tới Vũ Hán, điều này cho thấy lưu lượng đi lại đường không lớn có thể đóng vai trò quan trọng trong nguy cơ lây nhiễm lan sang nước khác bên ngoài Trung Quốc", báo cáo viết.

Trong khi đó Chủ tịch hội chữ thập đỏ Indonesia, ông Jusuf Kalla, nguyên phó tổng thống Indonesia, cũng cho rằng có khả năng dịch bệnh do chủng mới virus corona gây ra đã vào nước này rồi, và người dân Indonesia có thể không nhận ra những triệu chứng bệnh đó là do Covid-19 gây ra.

"Singapore có một hệ thống kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, nhưng ngay cả thế thì virus vẫn thâm nhập được - ông Jusuf Kalla nói - Có thể là đã có những người bị bệnh nhưng tại Indonesia, mọi người chỉ nghĩ đây là một bệnh sốt thông thường hoặc họ nghĩ đó là sốt xuất huyết".

Ông Kalla cũng bày tỏ lo ngại về khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh Covid-19 nếu virus này tấn công tới những khu vực xa xôi hẻo lánh của Indonesia.

Indonesia là nước đông dân thứ 4 thế giới với gần 270 triệu dân sống rải rác trên 6.000 hòn đảo có người ở.

Theo Đài NBC (Mỹ), mặc dù tới nay châu Phi chưa ghi nhận ca nhiễm virus corona chủng mới nào, song giới chức y tế toàn cầu vẫn đang rất lo ngại về khả năng dịch bệnh sẽ lan tới đây khi châu Phi có khoảng 1 triệu người Trung Quốc sinh sống.

Một số nhân viên y tế tại châu lục này cho biết họ chưa sẵn sàng để ứng phó nếu dịch bệnh Covid-19 xảy ra tại đây. Tại một bệnh viện do người Trung Quốc quản lý tại Zambia, một số nhân viên cho biết đã chú ý tới những trường hợp gần đây trở về từ Trung Quốc và có triệu chứng ho song chưa được cách ly phòng ngừa.

Zambia là một trong 13 nước châu Phi được WHO xác định là nơi cần ưu tiên phòng ngừa dịch vì có những hoạt động liên kết đi lại rất nhiều với Trung Quốc. Đầu tuần này một quan chức Zambia thừa nhận lần đầu tiên nước này đang theo dõi một số ca nghi nhiễm virus corona, tuy nhiên các ca này chưa được xác nhận.

Sẻ chia giọt máu cứu người trong dịch corona Sẻ chia giọt máu cứu người trong dịch corona

TTO - Chiều 11-2, ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - chia sẻ và bày tỏ sự kỳ vọng một kết quả tốt đẹp của lời kêu gọi đầu tiên của tổ chức này: kêu gọi hàng triệu người lao động hiến máu cứu người.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên