
Một công trình xây dựng lớn tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng - Ảnh: B.D.
Không chỉ nhiều công ty cung cấp bê tông tươi thông báo tạm ngưng hoạt động, các dự án đầu tư công lẫn công trình tư nhân đối diện nguy cơ bê trễ tiến độ.
Nhà thầu tiến không được, lùi không xong vì giá cát tăng vọt
9h sáng tại một công trình xây dựng nhà ở tư nhân tại quận Liên Chiểu chỉ có vài công nhân thi công các hạng mục nhỏ. Ngôi nhà vào giai đoạn hoàn thiện, nhưng chủ nhà và nhà thầu đau đầu vì giá cát tăng quá nhanh.
"Chúng tôi ký hợp đồng thi công nhà trong thời gian 4 tháng sẽ bàn giao, nhưng khoảng 20 ngày qua giá cát bất ngờ bật tăng. Giá cao nhưng tìm nguồn mua cũng rất khó, giá chốt trong hợp đồng của năm trước nên giờ càng làm thì càng lỗ, không làm thì bị phạt vì trễ tiến độ" - ông H.H.L., giám đốc một công ty xây dựng ở quận Thanh Khê (Đà Nẵng) nói với sự lo lắng.
Theo ông L., nếu so với lúc công ty ký hợp đồng thi công nhà thì giá cát đã tăng hơn 200.000 đồng/m³. Không chỉ cát, giá gạch xây cũng tăng mạnh khiến tình trạng chung của các nhà thầu là phải tìm cách trì hoãn tiến độ để chờ giá vật liệu hạ, hoặc chấp nhận lỗ để hoàn thành công trình.
Ông Bùi Hoàng Quốc, một chủ thầu xây dựng tại quận Ngũ Hành Sơn, nói rằng ông nhận công trình nhà ở tư nhân cách đây 5 tháng và bắt đầu thi công được gần một tháng. Giá cát tăng như vũ bão đúng thời điểm công trình đang đổ bê tông tươi, xây tường bao khiến nhà thầu hạch toán gần như lỗ chắc.
"Hợp đồng chốt giá thi công thô tôi đã ký với chủ nhà rồi. Nguyên tắc thì lời ăn, lỗ chịu nhưng không nghĩ giá cát cao như bây giờ. Như ngày hôm nay (28-5) cát đổ tại công trình đã lên 800.000 đồng/m³, nên chi phí đội lên. Tôi cũng tìm cách giải thích để chủ đầu tư bù chi phí nhưng chưa được đồng ý" - ông Quốc nói.
Giá mỗi m3 cát ở mỏ 190.000 nhưng thị trường 800.000 đồng?
Vài ngày qua, giá cát tăng quá cao nhận được sự quan tâm đặc biệt ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Nguyên do là bởi nguồn cát cung cấp cho ngành xây dựng hai tỉnh chủ yếu lấy từ các mỏ ở dọc hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn ở huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên…
Trong văn bản mới nhất từ phía Đà Nẵng nêu giá cát tại bãi tập kết xã Đại An, huyện Đại Lộc múc lên xe là 190.000 đồng/m³, giá này thấp và vị trí gần Đà Nẵng nhất.
Tuy nhiên đây là mức giá công bố vật liệu được cập nhật từ tháng 4 và đầu tháng 5. Thực tế giá cát xây dựng đang tăng vùn vụt từng ngày, mà nguyên do chính là đa phần các mỏ cát lớn ở Quảng Nam hết hạn khai thác nhưng chưa được gia hạn.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp Đà Nẵng, Ban Quản lý dự án và giải phóng mặt bằng quận Sơn Trà, hiện giá cát trên thị trường những ngày qua ở ngưỡng 650.000 - 800.000 đồng/m³. Dù giá cao nhưng không có nguồn cung cấp.
Sáng 28-5, có mặt ở các điểm cung cấp vật liệu lớn tại Đà Nẵng, khi hỏi về giá cát thì chủ các đại lý đều cho biết đang bán ở mức 800.000 đồng/m³ cho cả cát da tô lẫn cát xây.
Nếu công trình nằm ở trong hẻm, đường vào đổ vật liệu khó khăn thì giá sẽ loanh quanh mốc 850.000 - 910.000 đồng/m³.
Quảng Nam, Đà Nẵng quyết liệt vào cuộc hạ nhiệt giá cát
Trước việc giá cát bị đẩy cao, tại cuộc họp ngày 25-5 ông Lê Văn Dũng, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, yêu cầu các cơ quan vào cuộc làm rõ việc có hay không doanh nghiệp khai thác cát ghim hàng, thổi giá, chỉ bán cho doanh nghiệp sân sau để tạo thế độc quyền.
Ông Dũng cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương thúc đẩy thủ tục để cho mở lại các mỏ cát đang tạm ngưng khai thác trong tháng 5 và tháng 6, sớm mở các mỏ đã có kết quả đấu giá cấp phép thăm dò.
Hiện toàn Quảng Nam đang có 44 khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản, 34 trường hợp trúng đấu giá cấp phép thăm dò.
Trong khi đó, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng vừa có văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng. Tham mưu giải pháp cụ thể để ổn định tình hình khan hiếm cát xây dựng dẫn đến việc tăng giá vật liệu trong thời gian gần đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận