21/08/2022 18:43 GMT+7

Vì sao có thể ghi tên tất cả thành viên hộ gia đình trên ‘sổ đỏ’?

QUANG THẾ - THÀNH CHUNG
QUANG THẾ - THÀNH CHUNG

TTO - PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường - cho hay việc ghi tên đầy đủ các thành viên hộ gia đình trên "sổ đỏ" nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, có lợi cho người dân.

Vì sao có thể ghi tên tất cả thành viên hộ gia đình trên ‘sổ đỏ’? - Ảnh 1.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường - Ảnh: V.H.

Dự thảo Luật đất đai sửa đổi, quy định "trường hợp có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu thì cấp một giấy chứng nhận ghi đầy đủ tên thành viên trên giấy chứng nhận và trao cho người đại diện".

Một số bạn đọc đã đặt vấn đề: Việc ghi tên tất cả các thành viên trong gia đình có nảy sinh bất cập, phức tạp về sau?

Quy định có lợi cho người dân

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường - cho biết việc ghi tên đầy đủ nhằm bảo vệ quyền lợi của tất cả các thành viên trong gia đình.

"Việc ghi tên tất cả các thành viên trong gia đình khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được Bộ Tài nguyên và môi trường đưa vào thông tư 33 năm 2017 hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2013", ông Thọ cho biết.

Theo ông Thọ, quy định này không phải là mới, chỉ chuyển từ thông tư lên luật. Việc quy định như vậy nhằm thực hiện, đảm bảo quyền của tất cả thành viên trong gia đình

"Quy định ghi tên tất cả các thành viên trong gia đình trong sổ đỏ chỉ có lợi cho người dân chứ không hề phức tạp về sau cũng như thời điểm đầu đi làm thủ tục, kê khai thông tin", ông Thọ nói thêm.

Ai sẽ được ghi tên vào "sổ đỏ"?

GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, cho hay khi chọn lọc ghi tên ai vào "sổ đỏ" sẽ chính xác hóa được quyền tài sản thực sự với thửa đất đó. 

Quy định này cũng nhằm không để người có quyền tài sản với thửa đất bị gạt ra rìa hay người không có quyền tài sản lại tự nhiên đứng vào nhóm được ghi trên "sổ đỏ".

"Ở đây quyền tài sản của người liên quan đến thửa đất sẽ được chính xác hóa bằng tên cụ thể trên chính sổ đỏ đó", ông Võ nói.

Tuy nhiên, ông Võ cho rằng dù có lợi nhưng cũng có khó khăn đó là phát sinh thêm thủ tục hành chính, bởi nếu không phát sinh thêm sẽ không thể chứng minh được tài sản đó thuộc về ai.

Theo ông Võ, việc ghi tên từng thành viên hộ gia đình đã được thực hiện theo thông tư 33/2017 nhưng ở nhiều địa phương không hiểu hết dẫn đến nhập nhằng giữa hộ gia đình theo khái niệm sổ hộ khẩu với hộ gia đình trên "sổ đỏ" (bao gồm những người cùng gia đình có quyền tài sản với thửa đất).

Chẳng hạn, lẽ ra chỉ ghi tên vợ chồng người có quyền tài sản với thửa đất thì có địa phương lại ghi tất cả người của hộ gia đình trong sổ hộ khẩu vào. Từ đó, tạo ra những phức tạp, vướng mắc.

Do vậy, ông Đặng Hùng Võ đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể để làm rõ thế nào là quyền tài sản, quyền tài sản chung và khi ghi vào "sổ đỏ" phải ghi thế nào cho chính xác.

Luật sư Trương Thanh Đức, giám đốc Công ty luật ANVI, cho hay nếu như đất Nhà nước giao cho hộ gia đình nông nghiệp, nông dân, ngư nghiệp thì tất cả các thành viên đều có quyền được đứng tên trên sổ đỏ.

Nhưng đối với đất hình thành từ nguồn gốc khác thì những thành viên trong hộ gia đình phải xác định ai được ghi tên trên "sổ đỏ". 

Chẳng hạn, nếu bố mẹ thấy con cái có đóng góp vào xây nhà, mua đất thì việc con cái cùng đứng tên là hợp lý, hoặc con cái nhỏ thì không có quyền đứng chung vào "sổ đỏ" của gia đình.

Luật sư cũng đề nghị cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể cho các trường hợp người dân cần điều chỉnh, thay đổi thông tin người có quyền tài sản đối với "sổ đỏ" đã được cấp trước đó. 

Dự thảo Luật đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến quy định về nguyên tắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) cho hộ gia đình:

Trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì cấp một giấy chứng nhận ghi tên đại diện hộ gia đình trên giấy chứng nhận và trao cho người đại diện hộ gia đình. Trường hợp các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu thì cấp một giấy chứng nhận ghi đầy đủ tên thành viên trên giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.

Việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên giấy chứng nhận do các thành viên này tự thỏa thuận bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

Tin sáng 21-8: Sổ đỏ có thể ghi tên tất cả thành viên hộ gia đình; Tiểu bậy, xả rác sẽ bị phạt Tin sáng 21-8: Sổ đỏ có thể ghi tên tất cả thành viên hộ gia đình; Tiểu bậy, xả rác sẽ bị phạt

TTO - Thủ tướng làm việc với ngành y tế; Sổ đỏ có thể ghi tên tất cả thành viên hộ gia đình, điểm rất mới trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi; Nghị định 45 hiệu lực từ 25-8 quy định xả rác, tiểu bậy sẽ bị phạt... là các tin đáng chú ý sáng nay.

QUANG THẾ - THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên