17/04/2023 20:36 GMT+7

Vì sao chứng khoán vẫn lình xình?

Thị trường chứng khoán đã có một tuần điều chỉnh, mất hơn 30 điểm. Sự điều chỉnh này là bình thường hay tiềm ẩn rủi ro?

Vì sao chứng khoán vẫn lình xình? - Ảnh 1.

Một nhà đầu tư đang quan sát biểu đồ giá chứng chỉ quỹ ETF - Ảnh: TƯỜNG VI

Giá vàng thế giới tiến về đỉnh cao mọi thời đại

Giá vàng thế giới cuối tuần qua có thời điểm là 2.045 USD/ounce, gần mức cao nhất mọi thời đại là 2.063,2 USD/ounce thiết lập vào năm 2020. 

Vàng là một loại tài sản an toàn, khi cầu tăng, giá vàng tăng cao sẽ thu hút một dòng tiền vào. Trong ngắn hạn, dòng tiền đầu cơ có thể rời khỏi thị trường chứng khoán đang biến động để tìm nơi trú ẩn.

Tâm lý thị trường chưa lạc quan

Theo chỉ báo tâm lý thị trường được xây dựng bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), thị trường đang ở mức 29%. HSC cho biết quá trình nghiên cứu chỉ ra rằng khi chỉ báo này vượt 40% thì xác suất thị trường tiếp tục tăng sẽ càng ngày càng nhỏ. 

Hiện tại dòng tiền tập trung ở những cổ phiếu vốn hóa vừa (Mid-cap) trong khi sức chi phối thị trường của nhóm này không bằng nhóm vốn hóa lớn.

Tuy Nhà nước đã ban hành nhiều nghị định, nghị quyết để giúp doanh nghiệp bất động sản tháo gỡ vướng mắc, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất, nhiều công ty chứng khoán ưu đãi lãi vay nhưng nhìn chung mặt bằng lãi suất vẫn cao, nền kinh tế vẫn khó khăn, triển vọng chưa được thể hiện bằng con số thực tế. 

Hơn nữa, chứng khoán đã tăng khá cao kể từ mức đáy xác lập hồi tháng 11-2022, có những cổ phiếu như BID (BIDV), VCB (Vietcombank) tiến gần với đỉnh cũ của 2022, cần một đợt chiết khấu, một mức giá hấp dẫn hơn thì nhà đầu tư mới mạnh dạn giải ngân.

Vì sao chứng khoán vẫn lình xình? - Ảnh 2.

Nguồn: HSC

Giao dịch thận trọng trước những phiên cơ cấu quỹ

Trong tháng 4, trung tâm phân tích của SSI cho hay chỉ số VNDiamond sẽ thực hiện rà soát thay đổi danh mục thành phần, các quỹ ETF của Dragon Capital và Mirae Asset mô phỏng theo chỉ số VNDiamond sẽ phải cơ cấu lại danh mục trong khoảng từ ngày 17 đến 28-4. 

Trong những phiên cơ cấu quỹ, có thể có tình trạng cổ phiếu bị quỹ ETF bán ra sẽ giảm mạnh và ngược lại, nguyên nhân là các quỹ thường giao dịch trong khoảng thời gian ATC (14h30 - 14h45), giá trị của các lệnh khá lớn nên gây ra tình trạng mất cân bằng cung cầu.

Hiện tại, định kỳ một vài tháng trong năm, các quỹ ETF (là quỹ hoán đổi danh mục, mô phỏng sự biến động của các chỉ số tham chiếu như chỉ số chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu hoặc một loại tài sản, hàng hóa nào đó. Các quỹ ETF được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán tương tự như cổ phiếu) sẽ xem xét lại danh mục đầu tư của mình.

Với số liệu ước tính ngày 24-3, dự báo EIB có thể bị loại khỏi chỉ số; FPT, ACB và MSB có thể bị giảm tỉ trọng đáng kể và GMD, NLG, CTG có thể được nâng tỉ trọng.

Hiệu ứng "Sell in May and Go Away"

Từ lâu, lĩnh vực tài chính thế giới đã lan truyền khái niệm "Sell in May and Go Away" (tạm dịch "Bán vào tháng 5 và bỏ đi") - dựa trên lịch sử hoạt động kém hiệu quả của cổ phiếu trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10.

Theo Investopedia, mẫu hình lịch sử đã được phổ biến bởi Stock Trader's Almanac kể từ năm 1950 cho thấy đầu tư vào cổ phiếu được đại diện bởi Chỉ số công nghiệp Dow Jones từ tháng 11 đến tháng 4 và chuyển sang thu nhập cố định trong 6 tháng còn lại sẽ "tạo ra lợi nhuận đáng tin cậy với rủi ro giảm". 

Mặc dù có khá ít công trình nghiên cứu chứng minh hiệu ứng này tồn tại ở thị trường chứng khoán Việt Nam và thị trường chỉ mới tồn tại hơn 20 năm thì không có mẫu đủ lớn để chạy mô hình, nhưng đây là một khái niệm rất quen thuộc của giới tài chính.

Ông Nguyễn Anh Cường - trưởng phòng tư vấn đầu tư tại chứng khoán SSI - nêu 5 điều cần chú ý của thị trường hiện tại:

1. Ngưỡng hỗ trợ của chỉ số VnIndex đang là 1.050 điểm nên bất cứ khi nào chỉ số vận động trên ngưỡng này thì xu hướng tăng ngắn hạn vẫn chưa kết thúc.

2. Khối ngoại Fubon đang không nộp thêm tiền trong hơn 1 tuần qua, nên dòng tiền vào các cổ phiếu cũng bị suy yếu đi. Tâm lý thị trường vẫn bị phụ thuộc vào sự kiện Fubon mua ròng, vì nhóm quỹ chủ động lướt sóng cũng không kém gì nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.

3. Đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài nên tâm lý cũng khá thận trọng cho việc mua mới.

4. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ ra ước tính trong tháng 4 và đầu tháng 5, sẽ công bố gần hết các báo cáo tài chính chính thức. Theo dự phóng của SSI Research thì nhóm thép, cụ thể là HPG, vẫn có thể lỗ. Đây là tin tiêu cực làm cho HPG không hút được tiền vài phiên qua.

Nhóm chứng khoán cũng tương tự khi quý 1 vẫn thấp điểm thanh khoản nhưng kế hoạch của SSI, SHS, BSI rất tích cực, cho thấy quý 2 vẫn có nhiều kỳ vọng, nhiều cơ hội lớn.

Nhóm ngân hàng vẫn là trụ nâng đỡ chính trong lợi nhuận, khi kế hoạch vẫn duy trì mức tăng trưởng, khoản lãi dự thu cao.

5. Thông tin đang lan truyền là chỉ số P/E của toàn thị trường có thể lên trên 15, thị trường kém hấp dẫn khi báo cáo tài chính quý 1 công bố. Nhưng thị trường chứng khoán thường phản ánh trước tình hình nền kinh tế 6 tháng tới, nên lúc P/E cao cũng là lúc chính sách quay đầu để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Doanh thu nghìn tỉ của quỹ ngoại đến từ đâu?Doanh thu nghìn tỉ của quỹ ngoại đến từ đâu?

Trong vòng 10 năm qua, số lượng quỹ đầu tư tại Việt Nam, bao gồm quỹ trong nước và quỹ ngoại đã tăng gấp gần 3 lần, từ 23 quỹ (năm 2011) lên 62 quỹ (tháng 9-2021).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên