30/05/2023 18:25 GMT+7

Vì sao bỏ đề xuất lãnh đạo tín nhiệm thấp phải từ chức trong thời hạn 10 ngày?

Về đối tượng không lấy phiếu tín nhiệm, bà Nguyễn Thị Thanh nêu rõ chỉ duy nhất người bị bệnh hiểm nghèo, không điều hành từ 6 tháng trở lên không lấy phiếu.

Vì sao bỏ đề xuất lãnh đạo tín nhiệm thấp phải từ chức trong thời hạn 10 ngày? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thanh - Ảnh: PHẠM THẮNG

Chỉ duy nhất không lấy phiếu tín nhiệm với người bị bệnh hiểm nghèo

Chiều 30-5, nêu ý kiến thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho hay nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội tổ chức hai lần lấy phiếu tín nhiệm.

Sau tổng kết, rà soát, tới khóa XIV thực hiện theo nghị quyết 85, chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần giữa nhiệm kỳ.

Theo bà Thanh, qua nghiên cứu quy định 96, ban soạn thảo đưa ra quy định tại dự thảo nghị quyết chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần vào năm giữa nhiệm kỳ.

Về đối tượng không lấy phiếu tín nhiệm, bà Thanh nêu rõ chỉ duy nhất người bị bệnh hiểm nghèo, không điều hành từ 6 tháng trở lên thì không lấy phiếu.

"Đây cũng là đối tượng bổ sung mới so với quy định 96. Ban đầu ban soạn thảo thiết kế thời hạn là 3 tháng nhưng quá trình lấy ý kiến cho rằng như vậy là quá ngắn và 6 tháng trở lên là phù hợp.

Vì thế, ban soạn thảo tiếp thu và đưa quy định này vào dự thảo nghị quyết", bà Thanh lý giải.

Bà Thanh nói thêm lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là hai “nấc” khác nhau. Cụ thể, bỏ phiếu tín nhiệm là hệ quả của lấy phiếu tín nhiệm với trường hợp tín nhiệm thấp từ 50% trở lên đến dưới 2/3 tín nhiệm thấp.

Nếu họ không từ chức sẽ bỏ phiếu tín nhiệm. Do đó việc bỏ phiếu tín nhiệm, theo bà, thực chất là miễn nhiệm.

Trước ý kiến e ngại kết quả lấy phiếu tín nhiệm thấp, nhưng tới khi bỏ phiếu lại tín nhiệm cao, bà Thanh nói thực tiễn tổng kết ba nhiệm kỳ qua, kể cả từ HĐND cấp xã đến Quốc hội chưa xảy ra trường hợp nào như vậy.

Về thời gian từ chức bao lâu, bà Thanh nêu rõ dự thảo nghị quyết quy định người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì xin từ chức.

Nếu không xin từ chức sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

"Quy định này đã đủ mạnh để thể hiện nếu không từ chức sẽ thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm ở ngay kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất. Việc bỏ phiếu không phải chỉ chủ thể là Quốc hội hay HĐND mà còn cấp ủy chỉ đạo nên không thể có chuyện để lâu.

Ghi như vậy còn đảm bảo phù hợp với vùng miền. Với việc từ chức cũng cần để cho họ có thời gian suy nghĩ, nếu nghĩ ngay thì từ chức luôn, còn nếu lấn cấn thì suy nghĩ thêm", bà Thanh nêu rõ.

Bà cũng thông tin tại dự thảo cũ quy định 10 ngày cho việc từ chức nhưng sau đó theo góp ý ghi như vậy sẽ cứng quá, khó thực hiện nên đã bỏ.

Vì sao bỏ đề xuất lãnh đạo tín nhiệm thấp phải từ chức trong thời hạn 10 ngày? - Ảnh 3.

Đại biểu Vương Thị Hương - Ảnh: TIẾN LONG

Đề xuất phiếu tín nhiệm chỉ có 2 mức

Trước đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đề nghị nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong nhiệm kỳ.

Lần 1 thực hiện sau 2 năm được bầu, bổ nhiệm. Lần thứ 2 sau 4 năm, tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm để xem xét lần cuối chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ mới.

Ông cũng cho rằng "quy định 3 mức, nói thế nào thì cũng hơi e dè" nên đề nghị phiếu tín nhiệm chỉ có 2 mức là tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp.

Đồng thời, tín nhiệm thấp trên 50% thì xem xét bỏ phiếu tín nhiệm. Khi số phiếu không tín nhiệm trên 50% hoặc trên 75% thì cho từ chức, đồng thời loại khỏi quy hoạch nhiệm kỳ khóa tới.

Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) cho rằng dự thảo nghị quyết cần chỉnh lý theo hướng trong trường hợp cho người được lấy phiếu tín nhiệm có thể xin từ chức thì cần xác định thời hạn để họ thực hiện quyền này.

Nếu qua thời hạn đó họ không từ chức, Quốc hội, HĐND mới tiến hành các trình tự của việc bỏ phiếu tín nhiệm.

Mặt khác, người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” sẽ tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Vấn đề đặt ra, ở vòng bỏ phiếu tín nhiệm, người đó có dưới quá nửa (tức dưới 50%) tổng số đại biểu đánh giá “không tín nhiệm” sẽ xử lý như thế nào.

“Thực tế ranh giới giữa "nửa" và "quá nửa" 50 - 51% mong manh, có khi chỉ cần một phiếu thôi cũng đã thay đổi tình hình, trong khi quy định chỉ cần ít nhất 2/3 số lượng đại biểu tham gia thì phiên lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm có hiệu lực”, đại biểu nói.

Không lấy phiếu tín nhiệm với lãnh đạo nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo là nhân vănKhông lấy phiếu tín nhiệm với lãnh đạo nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo là nhân văn

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng việc không lấy phiếu tín nhiệm với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo, không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên là có cơ sở thực tiễn, thể hiện tính nhân văn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên