18/03/2018 18:00 GMT+7

Vị giám đốc CIA sắp làm Ngoại trưởng Mỹ khôn khéo cỡ nào?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Chiếc ghế Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã cho phép ông Mike Pompeo gần gũi Tổng thống Donald Trump hơn bất cứ ai khác.

Vị giám đốc CIA sắp làm Ngoại trưởng Mỹ khôn khéo cỡ nào? - Ảnh 1.

Sớm nhất đến hết tháng 4 ông Pompeo mới có thể chính thức ngồi vào ghế Ngoại trưởng sau các buổi điều trần và phê chuẩn của Thượng viện Mỹ - Ảnh: REUTERS

Sau màn sa thải ngoại trưởng Rex Tillerson trên Twitter, Tổng thống Trump đã chọn ông Mike Pompeo, Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) làm Ngoại trưởng thứ 70 của nước Mỹ.

Quyết định ngày 13-3 vừa qua vẫn cần sự phê chuẩn của Thượng viện. Chưa có kế hoạch nào liên quan tới việc này được đưa ra, điều đó đồng nghĩa Mỹ sẽ không có Ngoại trưởng trong một thời gian chưa xác định.

14 tháng ngồi ghế giám đốc CIA đủ để ông Pompeo, vị nghị sĩ có 3 nhiệm kỳ liên tiếp, xây dựng mối quan hệ thân cận với Tổng thống Trump. 

Ông Pompeo báo cáo với Tổng thống các thông tin tình báo mỗi ngày cũng như những suy nghĩ của ông về bất cứ vấn đề chính trị hoặc an ninh quốc gia nào có thể nổi bật trong tuần đó.

Hẳng ngày vị giám đốc CIA cũng trực tiếp đưa cho Tổng thống bản Presidential Daily Brief, tức báo cáo tình báo được xếp vào dạng tối mật nhất chỉ dành riêng cho Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Mỹ. 

Điều đó có nghĩa giám đốc CIA là một trong những người ông Trump có thể thảo luận các vấn đề hệ trọng của quốc gia. Sự gần gũi như thế là điều ông Rex Tillerson chưa bao giờ có được.

"Chúng tôi rất hợp rơ nhau, luôn có cùng suy nghĩ", Tổng thống Trump nói những lời có cánh về ông Pompeo hôm 13-3, "Chúng ta đang tiến gần hơn tới việc có được một nội các và nhiều thứ khác y như tôi muốn".

Vị giám đốc CIA sắp làm Ngoại trưởng Mỹ khôn khéo cỡ nào? - Ảnh 2.

Ngoại trưởng được chỉ định Mike Pompeo đủ khôn ngoan để biết khi nào ca ngợi Tổng thống Trump và khi nào nên im lặng - Ảnh: REUTERS

Được và mất

Ông Pompeo có cùng suy nghĩ với Tổng thống Trump và bảo vệ ông trong nhiều vấn đề. Đôi khi sự trung thành đó khiến ông ta bị chỉ trích rằng ông đang làm việc cho Nhà Trắng chứ không phải thực hiện chức trách của một người đứng đầu cơ quan tình báo.

Tin tốt lành là nếu ông Pompeo được phê chuẩn trở thành Ngoại trưởng Mỹ, công việc tại Bộ Ngoại giao có thể trở nên trôi chảy hơn, cuộc đối đầu giữa Nhà Trắng và Foggy Bottom (nơi đặt trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ) có thể kết thúc. 

Ông Pompeo, người có nhiều mối quan hệ ở Đồi Capitol (Quốc hội Mỹ) và các cơ quan trong chính phủ, được xếp vào tầng lớp tinh hoa ở Washington, trái ngược với ông Tillerson vốn được xem như kẻ ngoại đạo và không có nền tảng chính trị.

"Sự bất hòa giữa ông Tillerson và ông Trump khiến nhiều nhà ngoại giao ở Foggy Bottom tự hỏi liệu những ý kiến của họ có được đưa vào các cuộc thảo luận ở Nhà Trắng hay không? Mối quan hệ gần gũi giữa ông Pompeo và ông Trump là một thứ tài sản", nhà ngoại giao kỳ cựu Peter Van Buren viết trên Reuters.

Nhưng tin xấu là Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Mike Pompeo sẽ có quan điểm diều hâu hơn trước. Ngoại trưởng được chỉ định đã từng bảo vệ các biện pháp tra tấn tù nhân trong quá khứ, ủng hộ việc tiếp tục duy trì nhà tù trên vịnh Guantanamo, chỉ trích chính quyền tiền nhiệm trong cuộc chiến chống khủng bố, và tất nhiên ca ngợi lập trường hủy bỏ Thỏa thuận hạt nhân Iran của đương kim tổng thống.

"Những người này không phải là kẻ tra tấn, họ là những người yêu nước. Chương trình được vận hành theo quy định của pháp luật, của hiến pháp Mỹ", ông Pompeo nhấn mạnh trong một cuộc tranh luận tại quốc hội năm 2014. Người đàn ông đại diện cho bang Kansas với tư cách hạ nghị sĩ, đã lên tiếng bảo vệ chương trình tra tấn tù nhân của Mỹ dưới thời ông George W. Bush đã từng làm rúng động thế giới.

Người được Tổng thống Trump chọn thay thế ông Pompeo, bà Gina Haspel dường như cũng nhúng chàm với các vụ tra tấn tù nhân, ít nhất là 2 vụ ở Thái Lan rồi cố tình xóa đi các đoạn video này, theo trang Vox.

14 tháng ở CIA, ông Pompeo không giấu chuyện ông là "người của Tổng thống Trump", điều đó có thể sẽ sớm tái diễn ở Bộ Ngoại giao Mỹ. Mối quan hệ giữa ông Pompeo với các nhóm bảo thủ sẽ được phản ánh qua các vị trí do ông đề cử tại Foggy Bottom.

Những nhà ngoại giao dày dạn chắc chắn sẽ xung đột với ông Pompeo, những người rất ghét bị gạt phăng ý kiến và phải nhất nhất tuân theo sếp mới vì lẽ "ở CIA họ nói thế này...".

Mọi sự hẳn nhiên không thể đổ hết lỗi cho ông Rex Tillerson.

"Ngay cả một nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm cũng không thể kiểm soát được tổng thống Trump và gây ảnh hưởng trong một Nhà Trắng hỗn loạn - nơi mà các quyết sách ngoại giao được tuyên bố ngắn gọn bằng một dòng trạng thái trên Twitter", trang VOX của Mỹ viết.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên