26/10/2018 15:20 GMT+7

Vì đâu con có 'thế giới ngầm'?

NGUYỄN HỮU NHÂN  (ĐỒNG THÁP)
NGUYỄN HỮU NHÂN (ĐỒNG THÁP)

TTO - Những học sinh sống trong 'thế giới ngầm' không khó phát hiện, thầy cô thông qua bạn bè các em trong lớp có thể nhận biết ngay. Nhưng còn cha mẹ các em?

Vì đâu con có thế giới ngầm? - Ảnh 1.

Hiếm có bậc sinh thành nào chấp nhận rằng con đang lớn, đã lớn đủ để có sự đối thoại từ hai phía, nên nhiều phụ huynh khi được thầy cô mời đến trường bàn cách phối hợp giáo dục đã bày tỏ sự nghi ngờ về sự đánh giá học sinh của nhà trường. Những thế giới ngầm được sinh ra và tồn tại từ lý do này.

Cha mẹ biết những gì về con?

Cứ tính xem, thời gian con em ở trường luôn dài hơn ở nhà cùng cha mẹ. Bạn bè của con, cha mẹ khó biết có những ai. Con thích gì, cha mẹ không biết. Lâu dần, cha mẹ cùng con cái không có sự chia sẻ.

Các em chỉ có thể tự tìm bạn cho mình thông qua mạng xã hội, "dạy khôn" cho nhau mà không cần, hay đúng ra không thể xác định được đúng sai. Cũng có lúc các em nghi ngờ, nhưng vì bạn bè đã trải nghiệm nên cứ làm theo.

Học sinh của tôi có em thổ lộ rằng cứ mỗi sáng thức dậy đếm chưa đủ trăm like là hết muốn sống luôn (!?). Vượt quá trăm like là không cần ăn sáng cũng no, mà đó là học sinh tỉnh nhỏ xa xôi nhé!

Có lần đi tiệc cưới, tôi hết cả hồn khi cậu học sinh năm cuối cấp cứ tì tì làm đến lon bia thứ 10 khiến cả bàn ngạc nhiên. Khi sự việc tới tai, chị phụ huynh lắc đầu: con trai mình ngoan lắm, chỉ biết uống nước ngọt mà thôi.

Thời gian sau đó, gặp lại bạn bè, chị thổ lộ không hiểu vì sao con hư thế, dang dở cả cuộc đời. Chị tự trách đã không tin lời thầy khi được cảnh báo con đang tập tành lối sống buông thả.

Một phụ huynh khác khi phát hiện con gái có hình xăm trên người đã như phát điên vì truyền thống gia giáo của gia đình. Cô con gái mới vừa vào THPT, ở nhà luôn vâng dạ, nhỏ nhẹ với mọi người, ít giao du với bạn bè hay hàng xóm.

Khi cô chủ nhiệm thông báo việc học của con có sa sút, cha mẹ cấp tốc đưa con đi học thêm mấy nơi danh tiếng. Khi mẹ quay xe về, cô con gái điện cho bạn đến cùng đi chơi. Và trước giờ tan học, cô có mặt để mẹ rước về.

Thản nhiên trước sự lo lắng, giận hờn của mẹ về hình xăm, cô con gái nhẹ nhàng: mẹ lạc hậu quá, bạn con đứa nào cũng xăm. Chị nói với tôi nếu chị đến gặp cô chủ nhiệm khi được thông báo con có biểu hiện sai thì đâu đến nỗi.

Chân tình thì hiểu được trẻ

Những học sinh sống trong "thế giới ngầm" không khó phát hiện. Thầy cô thông qua bạn bè các em trong lớp có thể nhận biết ngay.

Có em bên ngoài rất ngoan, nhưng trên mạng lại thể hiện là người ngoài xã hội. Dù có ngụy trang đến mấy, nhưng các em không thể xa rời điện thoại. Thậm chí phải trả lời tin nhắn hay gửi comment trước các thông tin bạn bè gửi đến dù đang trong giờ học. Khi thầy cô bắt gặp, câu trả lời thường là: em xem bao lâu nữa hết giờ!

Đôi lúc, các em có hành vi hay lời nói xa lạ với lứa tuổi một học sinh, những câu nói ấy, hành vi ấy chỉ có trên mạng xã hội. Một học sinh nữ của tôi ngày thường chăm chỉ, ngoan, học giỏi, bất ngờ đưa lên Facebook một câu xanh rờn về nội dung ôn kiểm tra của thầy: "Tưởng gì. Lão này hâm. Nội dung vậy mà gọi là ôn tập!". Rất nhiều like cho câu nói đó.

Tôi biết là nhờ vào sự tiết lộ của bạn em. Tất nhiên em không dại gì sử dụng tên thật của mình. Tôi buồn lắm. Lẽ nào học sinh tôi có hai nhân cách ở tuổi mới 15?

Tìm đến gia đình mới biết cha lao động phổ thông, hay rượu chè, không bao giờ tâm tình chia sẻ với con, lại hay đánh vợ. Mẹ cam chịu hoàn cảnh, kiếm được tiền là lo cho con không thua kém ai. Em đăng ký học suốt ngày, chỉ về nhà khi đến giờ ngủ. Thì ra học tốt là cái vỏ bọc an toàn cho em.

Thiếu sự quan tâm, chăm sóc, chia sẻ cùng nhau, thiếu sự tin tưởng, lắng nghe, phối hợp cùng nhà trường trong giáo dục con cái, các em sẽ sống với thế giới ngầm của mình. Những bữa cơm gia đình, những buổi làm việc nhà cùng nhau sẽ gắn kết các thành viên với nhau.

Bình tĩnh, đối thoại, chấp nhận phản biện của con cái để cùng tìm ra giải pháp hợp lý nhất cho cả hai phía mới là hiệu quả. Đáng chú ý là sự kiên nhẫn, đặt mình vào vị trí của con, tham vấn thầy cô khi giải quyết sự việc mới mong đưa con trở lại với cuộc sống thực.

Phụ huynh ơi, hãy lắng nghe con! Phụ huynh ơi, hãy lắng nghe con!

TTO - Nghe người khác phàn nàn con mình, bạn có lắng nghe không hay phản bác 'Tôi không tin'? Và bạn có lắng nghe chính con mình?

NGUYỄN HỮU NHÂN (ĐỒNG THÁP)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên