02/10/2023 08:52 GMT+7

Vé máy bay Tết giá cao, du lịch lo

Hàng không đã mở bán vé Tết Nguyên đán 2024 trước năm tháng nhưng giá cao "giật mình". Không chỉ hành khách khó tiếp cận mua vé mà ngành du lịch cũng lo "đứng hình".

Nhiều bạn trẻ “săn” sớm vé máy bay giá rẻ mùa Tết 2024 để về quê - Ảnh: BÉ HIẾU

Nhiều bạn trẻ “săn” sớm vé máy bay giá rẻ mùa Tết 2024 để về quê - Ảnh: BÉ HIẾU

Một số doanh nghiệp du lịch "té ngửa" khi thấy có đường bay đến điểm du lịch hiện đã tới 10 - 15 triệu đồng/vé khứ hồi.

"Giật mình" với vé Tết

Hiện các hãng bay tại Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vasco đã mở bán vé Tết. Số lượng hơn 6 triệu vé được tung ra, khách đặt mua trên website hoặc các kênh khác.

Theo nhiều đại lý bán vé, nhu cầu mua vé Tết đang có sự "lệch pha" ở các chặng trong giai đoạn đầu mở bán. Ở các chặng bay tỉnh, ít chuyến bay như TP.HCM đến Nghệ An, Thanh Hóa, Vinh, Chu Lai, Bình Định và Huế, hành khách đã bắt đầu đặt vé nhiều hơn các chặng bay như TP.HCM - Hà Nội, TP.HCM - Đà Nẵng.

Về giá vé, khảo sát của Tuổi Trẻ, có đa dạng mức giá song không có giá rẻ như hành khách kỳ vọng. Hiện các hãng đẩy mạnh thông tin vé Tết với mức giá chỉ 1,5 - 1,9 triệu đồng ở một số chặng bay tỉnh nhằm thu hút khách hàng, nhưng khi vào mua vé không dễ "săn" được mức giá này.

Chẳng hạn chọn chuyến bay từ TP.HCM - Vinh, Thanh Hóa, Nghệ An... giai đoạn Tết từ ngày 1-2 đến 15-2-2024, vé khứ hồi hiển thị trên website ban đầu chỉ 3,5 triệu đồng.

Đó là tiền vé, chưa có các khoản phụ phí khác, tổng số tiền khách cuối cùng phải trả khoảng 4,2 - 5,4 triệu đồng. Ngày cao điểm cận Tết có giá 6,9 - 7,1 triệu đồng/vé khứ hồi.

Riêng với các chặng bay TP.HCM - Đà Nẵng, Bình Định, Chu Lai, Huế, vé khứ hồi cho chặng ngày cao điểm cận Tết 4,3 - 5 triệu đồng (tùy chặng và khung giờ).

Tuy nhiên, giá vé ở các chặng bay trên vẫn chưa là gì so với một số chặng bay kết nối với các điểm du lịch nổi tiếng, vé khứ hồi lên đến 10 - 15 triệu đồng. Như chặng từ Hà Nội - Phú Quốc, mức giá "chát" trên được áp dụng nhiều thời điểm cả trong, trước và sau Tết.

Một số hãng bay công nhận thị trường khách quốc tế tăng mạnh, du lịch hồi phục nên nhiều tour đi nước ngoài trọn gói còn rẻ hơn giá vé máy bay chặng khứ hồi ở dịp cao điểm trong nước.

Anh Nguyễn Thành Trung (Hà Nội) khảo sát giá vé máy bay Tết sớm vì có nhu cầu đưa cả nhà đi du lịch. Muốn đưa gia đình đi Phú Quốc dịp Tết, anh "sốc" vì riêng giá vé còn đắt hơn cả giá tour trọn gói đi Thái cũng dịp Tết.

Vì vậy anh cho hay "chắc đi Thái Lan thôi, sang đó giá tour trọn gói còn rẻ hơn riêng tiền vé máy bay đi Phú Quốc dù có phát sinh chi phí nhưng sẽ không nhiều vì giá cả ở Thái không chênh nhiều so với ở Việt Nam".

Giá vé máy bay dịp Tết 2024 neo ở mức cao khiến không ít công ty du lịch lo lắng - Ảnh: CÔNG TRUNG

Giá vé máy bay dịp Tết 2024 neo ở mức cao khiến không ít công ty du lịch lo lắng - Ảnh: CÔNG TRUNG

Lo hãng bay "chơi chiêu", bệnh cũ lặp lại

Số liệu mới nhất của Cục Hàng không công bố cho thấy hiện tượng khách đi nội địa bất ngờ sụt giảm trong khi khách đi quốc tế lại tăng mạnh.

Thống kê chín tháng đầu năm 2023, tổng lượng hành khách thông qua các sân bay nội địa là 89 triệu, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, khách bay quốc tế đạt 23,7 triệu khách, tăng tới 266,8% so với cùng kỳ năm 2022; khách nội địa chỉ 65,2 triệu khách, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hàng không mở màn vé Tết 2024 nhưng tốc độ mua vé vẫn chưa cao, trong đó có lý do giá cao. Anh Đức Nghiêm (quận 3, TP.HCM) sẽ mua vé về Hà Nội ăn Tết nhưng cho hay chưa mua vì "như dịp lễ 30-4 năm nay, mua sớm lại đắt, sau đó thấy khách ít, các hãng đồng loạt giảm mạnh giá. Mình thấy giá vé Tết mua sớm cũng đã khá cao rồi nên thử chờ thêm".

Nhiều người cũng lo lắng hãng bay "chơi chiêu", đồng loạt thiết lập giá sát trần, khách hàng thiếu sự chọn lựa đành chấp nhận mua giá cao hoặc đại lý đua nhau gom giữ. Nhưng sau đó nếu sức mua yếu, hãng lại "xả hàng" như dịp lễ 30-4 khiến thị trường vé máy bay méo mó, du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Ông Quang Phú (quận Tân Bình, TP.HCM) nói cứ đến hẹn khi mở bán vé Tết là giá quá cao trong khi đúng ra mua sớm giá phải rẻ, rồi sau đó các hãng lấy lý do Cục Hàng không không cấp thêm slot, việc xin - cấp tăng chuyến diễn ra, năm nào cũng vậy, đợi đến lúc "cháy vé" rồi mới cho tăng chuyến.

Ông Ung Văn Nhựt - chủ tịch HĐQT Công ty CP du lịch Mở Toàn Cầu - cho hay công ty ông thường đặt series booking vé máy bay trước vài tháng hoặc cả năm để bán tour trọn gói, tour cho khách đoàn vì giá ổn định. Nhưng việc giá vé máy bay tăng rồi đột ngột giảm ngay sát kỳ nghỉ lễ như vừa rồi đã "làm khó" cho công ty.

Theo ông Nhựt, vé máy bay được các hãng phân bổ với rất nhiều dải giá khác nhau. Ở các nước, có loại vé giờ chót giá giảm rất mạnh nhằm kích cầu và lấp đầy công suất của máy bay. "Vì vậy tôi nghĩ nước ta cần phải quy định để tạo sự bình ổn về giá tour cho doanh nghiệp du lịch, lữ hành", ông Nhựt nói.

Dữ liệu: các hãng bay và Cục Hàng không - Nguồn: CÔNG TRUNG - Đồ họa: N.KH.

Dữ liệu: các hãng bay và Cục Hàng không - Nguồn: CÔNG TRUNG - Đồ họa: N.KH.

Hợp tác, tránh ngành nào biết lợi ích ngành đó

Ông Trần Minh Đức - chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa - cho hay giá vé máy bay chiếm 30 - 40% cơ cấu giá tour du lịch. Vì vậy khi giá vé máy bay dịp Tết "mềm" hơn thì giá tour sẽ giảm đi, các điểm du lịch trong nước sẽ hút khách du lịch.

Còn nếu giá máy bay tăng cao sẽ ảnh hưởng đến tâm lý du khách. Với một số địa phương bị "ế" du lịch thời gian qua là có phần do giá vé máy bay quá cao trong khi du khách có nhiều sự lựa chọn khác.

"Các hãng hàng không phải có chính sách điều chỉnh giá vé, tăng chuyến hợp lý để thúc đẩy nhu cầu của du khách dịp Tết. Bên cạnh đó địa phương, các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ... phải chuẩn bị chu đáo, có các chương trình, khuyến mãi hấp dẫn để thu hút và giữ chân khách" - ông Đức nói.

Ở góc độ hãng bay, một lãnh đạo phụ trách thương mại của hãng bay phân tích vé máy bay Tết là đặc thù của hàng không do bay lệch đầu. Trước Tết chặng từ các tỉnh miền Nam ra miền Trung, miền Bắc luôn đầy khách, chiều ngược lại vắng hơn.

Các hãng cân đối chi phí để tổ chức bán vé. Đó là lý do vì sao không có giá rẻ. Vị này nói rằng đường bay từ TP.HCM - Vinh, Nghệ An... mỗi năm vẫn rơi vào 6-7 triệu đồng/khứ hồi là bình thường và người dân... đã quen với mức giá này.

Ông Ung Văn Nhựt cho rằng trong khi giá tour ở những nước trong khu vực ngày càng rẻ, thậm chí thấp hơn cả tour nội địa Việt; các hãng hàng không của họ rất tích cực liên kết với đối tác nước ngoài để quảng bá du lịch thì ở Việt Nam lại có xu hướng tăng giá dịch vụ du lịch dịp lễ, Tết. Đây chính là những "rào cản" khiến các công ty du lịch rất khó tổ chức tour và ổn định giá tour.

"Để tăng sức hút cho các tour du lịch nội, các cơ quan quản lý và ngành du lịch cần tăng cường liên kết, từ khách sạn, nhà hàng, vận chuyển và các hãng lữ hành để có giá tour tốt nhất.

Khi khách đông, các bên cùng được hưởng lợi. Cục Du lịch quốc gia cần làm việc với các hãng hàng không, đơn vị cung ứng dịch vụ để thực hiện chính sách không tăng giá trong dịp lễ, Tết nhằm ổn định giá tour", ông Nhựt nói.

6 triệu vé được mở bán

Đại diện Vietnam Airlines Group (gồm ba hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) cho biết sẽ cung ứng 3 triệu chỗ (15.000 chuyến bay) trên toàn mạng bay nội địa và quốc tế trong giai đoạn từ ngày 25-1 đến 24-2-2024 (tức 15 tháng chạp Quý Mão đến 15 tháng giêng Giáp Thìn). Trong đó nội địa là 2 triệu chỗ (10.300 chuyến bay), quốc tế là hơn 1 triệu chỗ (4.650 chuyến bay).

Tương tự, Vietjet cung ứng 2,5 triệu vé cho toàn mạng bay dịp Tết. Còn Bamboo Airways, Vietravel Airlines năm nay đang mở bán ra thị trường với 700.000 - 1 triệu chỗ trên toàn mạng bay. Như vậy, các hãng đang cung ứng ra thị trường hơn 6 triệu vé Tết.

Cẩn thận khan vé sớm ở một số đường bay

Hơn 10 năm làm trong ngành bán vé máy bay đồng thời đang là đại lý cấp 1 của Vietnam Airlines, ông Hạng Quang Tuấn - giám đốc Công ty Ngọc Mai Travel - cho rằng giá vé Tết sẽ cơ bản không rẻ.

Ông đưa ra khuyến nghị ở một số chặng bay khách có thể chọn mua vé đúng thời điểm hơn. Sức mua vé Tết vẫn chưa nhiều vì còn thời gian vài tháng.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, gia đình có số lượng thành viên đông sẽ có nhiều lựa chọn về tàu hỏa, xe khách.

Ở các chặng bay như TP.HCM - Nha Trang, Phan Thiết khi cao tốc đã thông suốt, khách có nhiều lựa chọn mới thay vì chọn máy bay.

Tuy nhiên, với các chặng bay như TP.HCM đi Vinh, Nghệ An, Đồng Hới, Chu Lai lại là câu chuyện khác, hành khách cân nhắc kỹ việc chờ xem rồi mới mua vé.

Là đại lý cấp 1 với hàng ngàn đại lý tham gia kênh bán vé Tết, ông Tuấn nhận thấy sức mua ở các chặng bay tỉnh nêu trên đã có tín hiệu săn vé sớm vì khách lo... khan vé.

Nhu cầu khách đi lại dịp Tết ở đường bay tỉnh khá lớn nhưng số lượng chuyến bay chưa thể đa dạng, giá vé luôn ở mức khá cao. Và gần như mỗi năm vẫn có nhiều gia đình chật vật tìm mua vé, thậm chí phải canh đợi các hãng mở thêm để kịp mua vé.

Vé máy bay Tết 2024 trực tuyến được các bạn trẻ “săn” từ rất sớm - Ảnh: HẢI QUỲNH

Vé máy bay Tết 2024 trực tuyến được các bạn trẻ “săn” từ rất sớm - Ảnh: HẢI QUỲNH

Vẫn còn nhiều cách giảm giá vé

Vẫn có nhiều cách để giảm áp lực giá vé máy bay, trong đó có những giải pháp đến từ cơ quan chức năng, đặc biệt là Cục Hàng không.

Mặc dù giá vé máy bay dịp Tết cao do đặc thù nhưng nhiều nước đã giảm được áp lực giá vé và Việt Nam cũng có thể làm được.

Giá vé máy bay giảm, khách tăng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Huy Cường - nguyên phó cục trưởng Cục Hàng không - cho biết dịp Tết phải huy động nhiều chuyến bay để chở khách nhưng hầu hết chỉ có khách đi một chiều, thậm chí có những chuyến bay rỗng không có khách.

Trong khi đó, một chuyến bay không có khách chỉ giảm được chút tiền nhiên liệu. Nếu chuyến bay không có khách nào được giảm 50% phí điều hành bay nhưng dù chở một khách cũng thành chuyến bay thương mại thì không được giảm.

Ông Cường cũng cho rằng nên bố trí ngày nghỉ trước Tết dài để người dân chủ động kế hoạch đi lại từ sớm vì nhiều người có nhu cầu về nhà sớm để chuẩn bị đón Tết, còn sau Tết thường đi rải rác. Việc nghỉ Tết cận ngày khiến người dân tập trung đi lại trong thời điểm ngắn gây áp lực lớn về vận tải và giá vé.

Với du lịch, ông Cường băn khoăn trước đây nói Phú Quốc ít khách quốc tế vì rào cản visa nhưng giờ Bộ Công an mở tung chính sách visa rồi vẫn ít khách. "Vấn đề không phải giá vé máy bay hay visa mà do sức hấp dẫn của điểm đến và tình hình suy thoái kinh tế" - ông Cường nhận định.

Không đồng tình với ông Cường, lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch ở TP.HCM nhấn mạnh đúng là tình hình kinh tế có ảnh hưởng nhưng giá vé máy bay cao là nguyên nhân rất quan trọng. Ví dụ đợt 30-4 vừa qua, giá vé cao nên rất ít khách đến.

Ngay sau khi khách ít nên hàng không giảm giá, đặt phòng ở Phú Quốc tăng mạnh. Tuy nhiên, vị này đồng tình với ông Cường về việc nên bố trí ngày nghỉ trước Tết dài hơn để bớt áp lực giá vé, tăng cơ hội du lịch.

Đừng để "cháy vé" mới cho tăng chuyến

Lãnh đạo một hãng bay (đề nghị không nêu tên) cho hay thời điểm hiện tại (tháng 9-2023), gần 30% chuyến bay nội địa cắt giảm để tập trung bay quốc tế. Số lượng chuyến bay ít nên mức giá trên hệ thống vẫn còn cao ở một số chặng. Nếu số chuyến tăng thì giá vé sẽ chịu áp lực giảm.

Về vấn đề có tăng chuyến không, vị lãnh đạo hãng bay cho hay ngay khi được Cục Hàng không cho tăng thêm chuyến dựa theo nhu cầu của khách, hãng bay sẽ tăng ngay.

"Cần rút kinh nghiệm đợt cao điểm trước đây, khi "cháy vé" mới yêu cầu các hãng tăng chuyến sẽ cập rập, không thể thực hiện được ngay" - vị này tiết lộ.

Thái Lan kích cầu du lịch bằng cách hạ giá

Nhiều người hỏi không hiểu sao Thái Lan giữ được giá tour từ Việt Nam trọn gói chỉ 7-9 triệu đồng/người nhiều năm nay. Câu trả lời: họ có nhiều giải pháp thực sự quyết liệt, nhất quán phát triển ngành du lịch.

Việc giảm giá vé máy bay không phải là vấn đề mới và đã được bàn thảo từ chính phủ trước của Thái Lan, dưới thời Thủ tướng Prayut Chan-o-cha.

Tháng 4-2023, Cục Hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) cho biết xem xét các nguyên nhân, yếu tố và xây dựng kế hoạch năm điểm để giải quyết vấn đề khiến hành khách bức xúc, ảnh hưởng đến ngành du lịch.

Các biện pháp này bao gồm tăng năng lực xử lý mặt đất, nới lỏng các quy tắc để tạo sự linh hoạt cho các hãng hàng không và cân nhắc chương trình trợ giá.

Đặc biệt, các quan chức cho biết nên đưa ra các biện pháp khuyến khích để các hãng bay trả lại slot (lượt cất, hạ cánh) nếu không thể khai thác để phân bổ lại cho hãng khác, từ đó tăng chuyến bay hiệu quả, tăng cung.

Thái Lan đã chi đậm để kích cầu du lịch bằng hình thức trợ giá. Theo báo Bangkok Post, tháng 6-2020 Chính phủ Thái Lan đã thông qua các gói kích cầu du lịch có tên "Du lịch cùng nhau" với tổng trị giá 722 triệu USD.

Gói thứ nhất trị giá 65 triệu USD, tài trợ kỳ nghỉ cho 1,2 triệu tình nguyện viên y tế và quan chức bệnh viện cấp dưới. Gói thứ hai trị giá 600 triệu USD, hỗ trợ các cơ sở lưu trú, ăn uống và các dịch vụ được cung cấp tại điểm du lịch. Chính phủ sẽ trợ giá 5 triệu đêm lưu trú đối với khách sạn và 40% giá đối với phòng nghỉ bình thường.

Gói kích cầu thứ hai trị giá 60 triệu USD, hỗ trợ giá vé máy bay nội địa, xe khách liên tỉnh và chi phí thuê xe cho khoảng 2 triệu người. Ngoài ra, chính phủ sẽ trợ giá 2 triệu vé máy bay với hạn mức 70 USD/người...

Từ năm 2020 đến 2023, Thái Lan đã nhiều lần gia hạn "Du lịch cùng nhau".

Hàng không mở bán vé máy bay TếtHàng không mở bán vé máy bay Tết

Còn hơn năm tháng mới đến Tết Giáp Thìn 2024 nhưng từ tháng 9-2023, Hãng hàng không Vietjet đã bắt đầu mở bán vé máy bay Tết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên