25/01/2023 19:43 GMT+7

Về chùa Keo xem kéo lửa nấu cơm dâng Phật, lễ Thánh

Ngày 25-1 (mùng 4 Tết), hội thi kéo lửa nấu cơm, xôi, chè dâng cúng Phật, Thánh được tổ chức tại khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình thu hút hàng ngàn người tham dự.

Về chùa Keo xem kéo lửa nấu cơm dâng Phật, lễ Thánh - Ảnh 1.

Người dân theo dõi các đội tham gia kéo lửa nấu cơm, xôi, chè để dâng Phật, lễ Thánh tại chùa Keo trong ngày mùng 4 Tết - Ảnh: KHÁNH LINH

Thi kéo lửa nấu các món ăn nói trên được tổ chức trong khuôn khổ hội xuân chùa Keo 2023, thu hút đông đảo người dân, du khách tham dự bởi sự kịch tính trong các phần thi.

Khôi phục hội thi kéo lửa sau hai năm tạm hoãn vì COVID-19

Sau hơn hai năm phải tạm hoãn vì dịch COVID-19, ngày mùng 4 Tết năm nay, người dân làng Keo, xã Duy Nhất lại tề tựu đông đủ để cùng nhau đua tài trong hội thi kéo lửa thổi cơm truyền thống mỗi dịp đầu năm.

Cuộc thi diễn ra trên sân Tam quan ngoại của khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo với các đội thi mang tên Vọng Đông, Vọng Đoài và Đoài Nhất.

Người "cầm cân nảy mực" gồm hội chủ Đặng Xuân Nguyện (người điều hành toàn bộ lễ nghi trong ngày hội), ông Nguyễn Hữu Khang - trưởng ban khánh tiết chùa Keo và đại đức Thích Thanh Quang - trụ trì chùa Keo.

Về chùa Keo xem kéo lửa nấu cơm dâng Phật, lễ Thánh - Ảnh 2.

Lửa được tạo theo cách truyền thống, đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn - Ảnh: KHÁNH LINH

Nói về hội thi, ông Nguyễn Hữu Khang cho biết với quan niệm làng nào thắng giải của hội thi, được dâng mâm cơm lên cúng Phật, lễ Thánh thì năm đó cả làng ấy sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu… nên để được đại diện cho làng mình tham gia hội thi thì mỗi thành viên đều được tuyển chọn gắt gao, đáp ứng tiêu chí nhanh nhẹn, khéo léo, sức khỏe dẻo dai và có tinh thần đồng đội tốt.

Mỗi đội gồm tám thành viên sẽ phải phối hợp nhịp nhàng trong từng công đoạn: người chạy giải lấy nước, người kéo lửa, người nấu cơm. Nếu như những thành viên chạy giải lấy nước cần sức khỏe dẻo dai, nhanh, bền thì những người tham gia kéo lửa đòi hỏi sự khéo léo, kiên nhẫn.

Để tạo lửa, người thi phải dùng đoạn tre già khô đục lỗ thủng ở giữa thân, sau đó luồn một sợi dây bện bằng tre nứa khô qua lỗ khoan này. Cứ thế, ở hai đầu dây hai người giữ chặt, kéo đi kéo lại thật nhanh tạo lực cọ xát mạnh phát thành lửa.

Về chùa Keo xem kéo lửa nấu cơm dâng Phật, lễ Thánh - Ảnh 3.

Người thi sử dụng bùi nhùi lấy lửa được tạo ra từ quá trình cọ xát mạnh vào đoạn tre già khô - Ảnh: KHÁNH LINH

Một thành viên trong đội dùng nắm bùi nhùi cho vào lấy lửa và người thi dừng kéo, thổi thật khéo cho bùi nhùi cháy rồi lửa được lấy ra đem nấu cơm, xôi, chè.

Đại đức Thích Thanh Quang - trụ trì chùa Keo - cho biết sau thời gian đã định khoảng một tuần nhang, mâm cỗ của đội nào đáp ứng tốt nhất tiêu chí: cơm chín, xôi rền, chè sánh, vệ sinh sạch sẽ thì mới được chọn để dâng lên cúng Phật, lễ Thánh.

Tại lễ hội xuân chùa Keo năm nay, mâm cơm của đội Vọng Đông đáp ứng đủ các tiêu chí nói trên nên được trao giải nhất và được chọn dâng lên cúng Phật, lễ Thánh.

Thi kéo lửa với ước vọng bội thu, sum vầy

Chùa Keo có tên chữ là "Thần Quang tự", tọa lạc tại làng Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình nên dân gian gọi là chùa Keo.

Ngôi chùa này thờ Phật và thờ Thánh Dương Không Lộ, là một công trình vĩ đại về mặt kiến trúc, mỹ thuật và đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1962 (đợt xếp hạng di tích quốc gia đầu tiên).

Về chùa Keo xem kéo lửa nấu cơm dâng Phật, lễ Thánh - Ảnh 4.

Ban giám khảo chấm thi và công bố kết quả đội thi giành chiến thắng - Ảnh: KHÁNH LINH

Năm 2012, chùa Keo được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và năm 2017, lễ hội chùa Keo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Những người dân làng Keo tin rằng việc tham gia hội thi sẽ được Đức Thánh ban lộc nên năm nào cũng rất đông người đăng ký tham gia với ước vọng một năm mới mùa màng bội thu, tất cả con cháu trong làng có dịp sum vầy bên nhau.

Về chùa Keo xem kéo lửa nấu cơm dâng Phật, lễ Thánh - Ảnh 5.

Để giành chiến thắng đòi hỏi sau khoảng một tuần nhang thì cơm phải chín, xôi rền, chè sánh và vệ sinh sạch sẽ thì mới được chọn để dâng lên cúng Phật, lễ Thánh. Năm nay, mâm cỗ của đội Vọng Đông đáp ứng các tiêu chí này - Ảnh: KHÁNH LINH

Năm nào cũng cùng gia đình trẩy hội chùa Keo, chị Đào Thị Nhật Linh (trú tại phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình) - cho biết có bận tới đâu thì cứ đến ngày mùng 4 Tết là cả gia đình sẽ về chùa Keo để lễ Phật, Thánh và xem hội thi kéo lửa nấu cơm.

"Sau hội thi, gia đình sẽ xin lộc là vật dụng mà các đội sử dụng trong cuộc thi để mang về đặt trong gian bếp với mong muốn sẽ có một năm ấm áp, gia đình sum vầy" - chị Linh chia sẻ.

Về chùa Keo xem kéo lửa nấu cơm dâng Phật, lễ Thánh - Ảnh 6.

Mâm cỗ đảm bảo các tiêu chí "cơm chín, xôi rền, chè sánh" sẽ được chọn để dâng cúng Phật, Thánh - Ảnh: KHÁNH LINH

Độc bản hương án chùa Keo trở thành bảo vật quốc giaĐộc bản hương án chùa Keo trở thành bảo vật quốc gia

TTO - Ngày 5-10, tại khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình diễn ra lễ đón bằng công nhận bảo vật quốc gia "Hương án chùa Keo" với sự tham dự của hàng ngàn Phật tử, du khách thập phương.

 

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên