Từ ngày 12-6, Bệnh viện huyện Củ Chi chính thức hoán đổi công năng từ tiếp nhận bệnh nhân thông thường qua điều trị COVID-19. Với vai trò bệnh viện đa khoa, ngành y tế kỳ vọng sẽ giải quyết tất cả các vấn đề sức khỏe của người bệnh tại chỗ mà không cần phải chuyển đi nơi khác - Video: HOÀNG LỘC - DUYÊN PHAN
Nữ điều dưỡng trong bộ đồ bảo hộ kín mít, rảo bước vòng quanh giường bệnh nhân nằm kiểm tra các chỉ số trên hệ thống máy hồi sức kêu "tít, tít" liên hồi. Cô gật đầu như xác nhận sự "tạm ổn", rồi vội vòng xuống phía dưới nắm lấy hai bàn chân bệnh nhân xoa bóp như thể chăm sóc cho người thân.
Đó là những hình ảnh trong phòng hồi sức tích cực của Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi, nơi lần đầu được ngành y tế hoán đổi công năng điều trị bệnh nhân thông thường sang chuyên điều trị COVID-19 nhằm 'chia lửa' cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, vốn đang bị tạm phong tỏa do có nhân viên mắc COVID-19.
Lần đầu tiên nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Thắm được giao một nhiệm vụ đặc biệt là chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19. Trong ảnh: Chị xoa bóp chân cho bệnh nhân như thể chăm sóc người thân - Ảnh: DUYÊN PHAN
10 năm theo nghề y, đây là lần đầu tiên nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Thắm được giao một nhiệm vụ đặc biệt là chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19. Bệnh nhân mà chị chăm sóc lần này cũng rất đặc biệt, đó là ca bệnh có diễn tiến nặng nhất trong số gần 305 ca mắc COVID-19 chuyển về từ khắp nơi của thành phố và đang nằm trong khu cách ly đặc biệt của khoa hồi sức tích cực.
Mồ hôi ướt đẫm người sau khi tháo bỏ bộ đồ bảo hộ, chị Thắm thở vội nói: "Khi có bệnh nhân vào là lúc tôi chia tay chồng con khăn gói đồ vào ở luôn trong bệnh viện. Tôi tính chắc phải xa gia đình khoảng 2 tháng, bởi ngoài thời gian làm việc còn phải cách ly. Còn nếu khả năng thiếu nhân sự, tôi sẽ xin ở lại để hỗ trợ các đồng nghiệp, có khi 3-4 tháng không chừng" - chị Thắm nói.
Từ ngày 12-6, Bệnh viện huyện Củ Chi được chuyển đổi công năng thành Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi - Ảnh: DUYÊN PHAN
Người được "chọn mặt gửi vàng" quản lý một bệnh viện điều trị COVID-19 có quy mô 500 giường này là bác sĩ Trần Chánh Xuân. Bác sĩ Xuân năm nay mới chỉ 37 tuổi nhưng có khá nhiều kinh nghiệm khi trước đó từng tham gia công tác quản lý tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Anh bảo rằng kể từ khi Bệnh viện Củ Chi được chọn là nơi "chia lửa" tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 là lúc nhiều nhân viên y tế với tuổi đời còn rất trẻ xung phong trực chiến, tất cả tạm chia tay gia đình chuẩn bị tư trang cho chuyến công tác dài ngày ở trong bệnh viện.
Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi với quy mô tối đa 500 giường, trong đó có 20 giường cấp cứu, hồi sức - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - nói rằng điểm mới của bệnh viện là sẽ đảm trách tiếp nhận tất cả các ca mắc COVID-19 từ nhẹ đến nặng theo đúng phương châm 4 tại chỗ của Bộ Y tế.
Và việc chọn một bệnh viện đa khoa như Củ Chi để chuyển đổi công năng là khá "lý tưởng", bởi sẽ phát huy được lợi thế vốn có, đó là kịp thời giải quyết các bệnh lý phát sinh ở bệnh nhân COVID-19, không phải chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa của TP.HCM với nhiều nguy cơ lây lan dịch tại các bệnh viện này.
Với sự hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên, bác sĩ Thượng khẳng định Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi đảm bảo năng lực điều trị chuyên sâu về bệnh nhân COVID-19 như lọc máy liên tục, ECMO (tim phổi nhân tạo).
"Điều rất đáng được ghi nhận khi mà cả Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM vẫn chưa làm được đó là có 5 bệnh nhân được chạy thận ngay tại bệnh viện này, ngoài ra còn các can thiệp phẫu thuật cấp cứu, nội soi tiêu hóa can thiệp, can thiệp sản khoa..." - ông Tăng Chí Thượng nói.
Những bệnh nhân tay xách nách mang đồ cá nhân được chuyển liên tục đến bệnh viện cách ly điều trị. Đến sáng 17-6 đã có 305 bệnh nhân, sau 5 ngày hoạt động - Ảnh: DUYÊN PHAN
Mong mỏi có một máy xét nghiệm RT-PCR
Điều mong mỏi của ngành y tế TP.HCM và bệnh viện là có được một hệ thống máy xét nghiệm khẳng định RT-PCR. Bác sĩ Xuân cho biết theo hướng dẫn phác đồ điều trị của bệnh nhân mắc COVID-19, cứ 48-72h được phết họng một lần để kiểm tra, nếu kết quả các lần âm tính, cộng với các triệu chứng lâm sàng cải thiện được cho xuất viện.
"Hiện nay mẫu xét nghiệm được chuyển cho HCDC và một số bệnh viện được công nhận xét nghiệm khẳng định RT-PCR. Tuy nhiên với địa bàn tương đối xa trung tâm TP.HCM, việc chuyển mẫu xét nghiệm khá khó khăn và thường phải mất ít nhất một ngày mới có được kết quả, nếu ùn ứ có thể lâu hơn" - bác sĩ Xuân nói.
Việc có được máy xét nghiệm khẳng định RT-PCR, theo bác sĩ Xuân, sẽ rất thuận lợi trong việc xét nghiệm cho bệnh nhân COVID-19 đang nằm điều trị và cả người dân trong khu vực.
Bác sĩ Trần Chánh Xuân - giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi - trực tiếp vào trong phòng cách ly chỉ đạo tình hình trong phòng điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bệnh nhân vừa điều trị COVID-19, vừa chạy thận được chăm sóc đặc biệt trong phòng cách ly - Ảnh: DUYÊN PHAN
"Cô thấy dễ thở chưa. Cô khát nước không để con lấy cho cô miếng nhé", nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Thắm tận tình thăm hỏi và hỗ trợ bệnh nhân nặng nhất đang điều trị tại khoa hồi sức tích cực - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bác sĩ Phan Thanh Lê - trưởng khoa thận nhân tạo - đang nắm tình hình cũng như tư vấn cho các bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 có nền suy thận mãn - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bác sĩ Trần Chánh Xuân còn khá trẻ, từng có nhiều kinh nghiệm trong việc tham gia quản lý Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Những ngày này anh tất bật với những cuộc điện thoại liên quan đến tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Các bệnh nhân mắc COVID-19 đều được chuyển vào khu cách ly điều trị. Khung cảnh ngày thường vốn đông đúc bệnh nhân khám ngoại trú nay khá yên lặng - Ảnh: DUYÊN PHAN
Song song với việc tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19, Bệnh viện huyện Củ Chi tạm ngưng nhận bệnh, các bệnh nhân khám thông thường được điều tiết chuyển qua Phòng khám Tân Quy (cơ sở 2 của bệnh viện) khám ngoại trú. Toàn bộ trụ sở chuyển công năng để tập trung điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhân viên y tế phun khử khuẩn bệnh viện thường xuyên, đặc biệt sau mỗi lần chuyển bệnh vào khu cách ly việc này lại được làm nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn chung, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện - Ảnh: DUYÊN PHAN
Hiện thực hóa 3.500 giường điều trị COVID-19
Như vậy ngành y tế TP.HCM đã hiện thực hóa 3.500 giường/5.000 giường điều trị cho người mắc COVID-19 theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP.HCM.
Hiện tại TP.HCM có 9 bệnh viện phân công điều trị COVID-19, bao gồm Bệnh viện dã chiến Củ Chi (300 giường), Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ (600 giường), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (400 giường), Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi (500 giường), Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (500 giường), Bệnh viện Nhi Đồng TP (80 giường), Bệnh viện Nhi Đồng 2 (60 giường), Bệnh viện Trưng Vương (1.000 giường) và Bệnh viện Chợ Rẫy (100 giường).
Trong bối cảnh ca mắc COVID-19 tăng, vượt mốc 1.000 ca, ngành y tế đã sẵn sàng triển khai kế hoạch lên 5.000 giường khi có yêu cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận