Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, UBND huyện Nhơn Trạch cho biết đến nay, việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ở dự án đường vành đai 3 TP.HCM (gồm dự án thành phần 1A và thành phần 4) cơ bản đã hoàn thành.
Cụ thể, dự án thành phần 1A thu hồi đất gần 470 hộ, huyện đã chi trả bồi thường hỗ trợ gần xong và đang chuẩn bị thực hiện biện pháp hành chính đối với 3 hộ để bàn giao đất dứt điểm cho đơn vị thi công trước ngày 20-7.
Mất thời gian vì vướng mắc chính sách
Riêng dự án thành phần 4, thu hồi khoảng 65ha đất của 799 hộ dân, huyện đã hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và đã xét tái định cư cho các hộ dân đủ điều kiện với tổng cộng 4 đợt. Có 210 hộ đủ điều kiện giải quyết tái định cư.
Ở dự án này, huyện đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trên 50% diện tích. Huyện đang tập trung mời các hộ dân chi trả tiền đợt 3, đợt 4 và vận động bàn giao mặt bằng trong tháng 7.
Nguyên nhân chưa thể hoàn thành bồi thường bàn giao mặt bằng trong tháng 6-2024, ông Nguyễn Hữu Thành - phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch - cho biết khi thực hiện công tác bồi thường, có nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn như cần phải xác minh cụ thể để tính toán các chế độ hỗ trợ và xét tái định cư cho các hộ dân nên mất rất nhiều thời gian. Đồng thời các quy định về công tác bồi thường, tái định cư chưa bao trùm hết các trường hợp thực tế, dẫn đến huyện phải báo cáo xin ý kiến tỉnh.
Đến nay cơ bản các vướng mắc đã được tỉnh và các sở ngành hỗ trợ xử lý xong. Tuy nhiên vẫn còn vài vướng mắc huyện cần tiếp tục xin ý kiến để giải quyết các kiến nghị của dân.
Cụ thể, khi đền bù, có những gia đình người chồng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có hưởng lương nhưng vợ, con trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp được chính quyền xã xác nhận nên người dân yêu cầu hỗ trợ chi phí đào tạo, chuyển đổi nghề (1,5 lần).
Tương tự, có trường hợp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhiều người đồng sử dụng, có người hưởng lương thường xuyên, có người không hưởng lương thường xuyên và trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp nên yêu cầu hỗ trợ chi phí đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.
"Những phát sinh này, hội đồng đền bù huyện đang họp bàn xem xét từng trường hợp để giải quyết sao cho phù hợp các quy định pháp luật", ông Thành giải thích.
Dân kêu giá đất bồi thường thấp so với thị trường
Người dân phản ánh giá bồi thường đất thấp nên một số vị trí ở dự án thành phần 4 chưa thể bàn giao mặt bằng.
Ông Thành nói: "Hiện nay có một số hộ dân chưa đồng thuận giá bồi thường đất, chưa chịu nhận tiền. Tuy nhiên, việc thực hiện phê duyệt giá đất, huyện thực hiện đã đảm bảo theo các quy định pháp luật. Vì vậy, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư".
Cũng theo ông Thành, ở dự án thành phần 4 (dọc đường Hùng Vương) phát sinh một số hộ dân đề nghị bồi thường bổ sung phần diện tích đất nằm giữa đất của dân và đường Hùng Vương. Qua xác minh, phần diện tích này không thuộc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dân. Huyện đang rà soát từng trường hợp cụ thể và xử lý dứt điểm trong tháng 7.
Vành đai 3 TP.HCM dài 76km
Vành đai 3 TP.HCM đã khởi công vào tháng 6-2023. Dự án này dài 76km đi qua bốn địa phương gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An.
Riêng đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài khoảng 11km với 3 gói thầu xây lắp. Các địa phương đặt mục tiêu sẽ thông xe phần cao tốc vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận