![]() |
Tiết mục múa Đồng thoại của Long Phi - bé Gia Linh, nhóm nhảy hip hop Free Style và tốp múa nam nữ Nhà hát Bông Sen - Ảnh: T.T.D. |
Hội thảo do Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thật TP.HCM - Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức.
Với cách nhìn bao quát các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tại TP.HCM, tham luận “Bản sắc dân tộc - lối mở vào hội nhập cho văn hóa nghệ thuật” của PGS.TS Trần Luân Kim đề cập trực diện đến những yếu kém tồn tại trong các ngành: văn học, xuất bản, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, múa...
Ông Kim cũng đi sâu phân tích các nguyên nhân của tình trạng trên, theo góc nhìn của yêu cầu hội nhập hiện nay. Đó là “do ta chưa định hình, từ đó chưa thực thi có hệ thống sự kế thừa đúng đắn các giá trị truyền thống dân tộc, khiến nhận thức chung nông cạn, có khi sai lệch, thiếu khoa học về mối quan hệ giữa hiện đại với dân tộc...”.
Ông cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập ở phía lãnh đạo: “Về phía cơ quan nhà nước đã tuyên ngôn và hướng dẫn nhiều nhưng thiếu biện pháp thực thi cụ thể”.
Chia sẻ về những yếu kém của văn học nghệ thuật thành phố, bà Phạm Phương Thảo - nguyên phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM - nêu cụ thể tình trạng đầu ra cho một số loại hình văn học nghệ thuật còn gặp khó.
“Trước đây thành phố có hơn 50 rạp chiếu phim thuộc Công ty Chiếu bóng, nay rạp chiếu trực thuộc Nhà nước chỉ còn hai rạp (Đống Đa ở Q.5 và Fafilm Cinema ở Q.1). Một số phim nhà nước đặt hàng được đánh giá có chất lượng nhưng không có điều kiện chiếu rộng rãi cho người dân xem”.
Sức năng động của thành phố trong thời hội nhập được phản ánh qua hội thảo lần này bằng nhóm tham luận từ các tác giả trẻ, là những người đang hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật tại TP.HCM.
Nhà thơ Phan Hoàng cho rằng hiện nay những người trẻ hoạt động nghệ thuật đang chịu áp lực thông tin nhiều hơn, có thể gây mất phương hướng và tạo ra ngộ nhận về những giá trị, tâm lý thích nhanh nổi tiếng đã dẫn đến nhiều hệ lụy.
Biên tập viên Quỳnh Trâm của HTV trong tham luận “Người của công chúng với trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa” đã nghiêm túc nhận xét về thực trạng đội ngũ văn nghệ sĩ - người của công chúng ở TP.HCM với nhiều vấn đề đáng suy nghĩ: sự bùng nổ về đội ngũ nhưng trình độ, tuổi tác, xuất thân... chưa thống kê được; hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực nhưng quản lý đang còn chồng chéo...
Quỳnh Trâm cũng kiến nghị cần có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nhận thức chính trị cho đội ngũ văn nghệ sĩ, và Nhà nước nên có cơ chế tài chính hỗ trợ văn nghệ sĩ nào có dự án hoặc hoạt động ý nghĩa nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhà thơ, nhà báo Trần Hoàng Nhân điểm lại “xu hướng viết và đọc trong giới trẻ TP.HCM” nhìn từ hai hiện tượng best-seller là Anh Khang và Phong Việt với những lý giải về sự thành công trong phát hành do tác giả mặc dù tự nhận là không chuyên, nhưng khéo nắm bắt thị hiếu cũng như cảm xúc của người đọc để “viết chạm đến trái tim người đọc”.
Đồng thời, thế giới ảo nếu biết khai thác lại cũng là một kênh phát hành hiệu quả.
Có một ý tưởng quan trọng của PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Nhạc viện TP.HCM) rằng TP.HCM là cái nôi của những sáng tạo về âm nhạc, là nơi hoàn thiện tay nghề của rất nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân, lại là thị trường âm nhạc lớn nhất trong cả nước.
Từ đó, bà đề xuất một cách bảo tồn bằng cách sáng tạo đối với loại hình đờn ca tài tử. Theo bà, việc sáng tác các bản đờn cũng là hình thức “để đờn ca tài tử tồn tại không phải như một dư âm của quá khứ mà vẫn phát triển rộng lớn”.
Ông Trần Luân Kim trong số các kiến nghị của mình có nêu ý tưởng TP.HCM nên thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển văn học nghệ thuật theo kinh nghiệm nước ngoài: Nhà nước ứng ra 25% vốn ban đầu, còn lại huy động từ các nguồn khác nhau, như một cách tạo cơ sở để hoạt động hội nhập nhiều hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận