23/05/2014 04:00 GMT+7

Lặng nghe "màu dân tộc"

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TT - Tháng 6-2012, dự án truyền thông mang tên “Tôi xê dịch” của nhóm bạn trẻ Hà thành ra mắt. Đó là một dự án phi lợi nhuận với mục đích tìm hiểu sâu về văn hóa dân tộc.

Bản sắc Việt Nam trong thế giới phẳngTạo cảm hứng cho giới trẻ tìm hiểu lịch sử Giúp giới trẻ tiếp cận văn hóa Việt Nam

ioE5sUpw.jpgPhóng to
Hà Lemy (thứ 2 từ phải qua) và những người bạn trong dự án “Tôi xê dịch” trong chuyến thăm Việt phủ Thành Chương - Ảnh: Lê Vân

Màu sắc dân tộc trong suốt 4.000 năm lịch sử hào hùng và kiên cường vẫn đầy sức hấp dẫn trong từng câu chuyện mang đậm chất “xê dịch” của những bạn trẻ đất Hà thành.

“Cô mõ làng” và nỗi niềm văn hóa

“Chúng tôi nói về cây cầu như một chứng nhân lịch sử, đó là những gì chúng tôi được học qua sách giáo khoa nhưng không phải đứa nào cũng hỏi sao cầu Long Biên lại được gọi như vậy. Vì nó là cây cầu đã sống qua thế kỷ 20 - thế kỷ của những cuộc cách mạng, của những sự đổi thay, của một trang dài lịch sử. Cây cầu oằn mình chống chọi với hai cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, của bom đạn, của khói lửa.

Chiến tranh qua đi, 19 nhịp cầu nay chỉ còn 9, nhưng cầu Long Biên vẫn đứng đấy - hiên ngang, mạnh mẽ. Những ngày đầu sau ngày đất nước hòa bình, gian khổ, khó khăn nhưng vẫn vui tươi, rồi những năm đất nước chuyển mình mạnh mẽ. Để rồi giữa một Hà Nội sôi động ồn ào thế kỷ 21, cầu Long Biên im lìm nằm đấy với những vết gỉ sét nhuốm màu thời gian, lặng lẽ, trầm ngâm” - trích “Tôi xê dịch” trong tour “Đêm trắng cầu Long Biên” cuối tháng 3-2013.

Hà Lemy - biệt danh của Nguyễn Thu Hà, người sáng lập “Tôi xê dịch” - là một cô gái gốc Hà Nội, nhỏ nhắn với hai má lúm đồng tiền lúng liếng và có tài ăn nói nhí nhảnh. Có lẽ chính nhờ vậy mà Hà Lemy đã “dụ dỗ” thành công hàng trăm bạn trẻ trong những chuyến “windy day - ngày gió” đi tìm hiểu sâu về văn hóa dân tộc.

Hà vốn lạ mà quen bởi cô cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội là người đoạt giải nhì cuộc thi “60s chinh phục nhà đầu tư” năm 2012.

Đây là cuộc thi do mạng lưới khởi nghiệp trẻ VYE TP.HCM tổ chức nhằm hỗ trợ bạn trẻ học tiếng Anh, nhưng dự án của Hà lại tập trung nhiều hơn đến việc quảng bá văn hóa Việt cho khách du lịch trong và ngoài nước thông qua mạng trực tuyến. Cuộc thi chỉ dừng lại ở chủ đề khởi xướng.

Nhưng cô “mõ làng” mê văn hóa, mê “xê dịch” không dừng lại ở đó. “Hà Nội đã ngàn năm văn hiến, chiều sâu văn hóa của dân tộc còn sâu hơn thế! Xê dịch không phải chỉ theo cách phong trào “phượt” của những bạn trẻ hiện đại. Đến với “Tôi xê dịch”, mỗi chuyến đi là mỗi lần lắng nghe hồn dân tộc qua từng điểm hẹn, từng ngóc ngách của chiều sâu văn hóa” - Thu Hà bộc bạch.

Trẻ - là nhiệt huyết hừng hực với những ấp ủ luôn thôi thúc. Hẳn thế nên cô gái được bạn bè gán cho biệt danh “mõ làng” vì rất mê văn hóa dân gian đã nâng tầm dự án “VN travel radio - quảng bá văn hóa Việt qua phát thanh” thành “toixedich.com” ngay sau cuộc thi của VYE.

“Hơn ai hết, mỗi bạn trẻ chính là một sứ giả trẻ truyền cảm hứng tốt nhất cho những ai đam mê tìm hiểu văn hóa dân tộc. Khi những sứ giả trẻ có niềm tin vào văn hóa dân tộc, họ sẽ biến điều đó thành động lực để cống hiến cho đất nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống” - tham vọng của cô mõ làng Nguyễn Thu Hà về “Tôi xê dịch”.

“Làm sao để người trẻ có thể tự hào nói về đất nước mình bằng một tình yêu thật sự, một tình yêu đến từ hiểu biết, tôn trọng, yêu mến các giá trị văn hóa, con người, chứ không phải là một thứ tình yêu hô hào, hời hợt” - trích “toixedich.com”.

Một kế hoạch được phác thảo và thực hiện cho “Tôi xê dịch” bao gồm chuỗi tour “Windy day” đi Lào tìm hiểu về văn hóa, cuộc sống người Lào; lễ hạ mã trước cửa Văn Miếu - Quốc Tử Giám; đêm “Cầu Rồng kể chuyện” ở cầu Long Biên, buổi nói chuyện về “phong tục hay hủ tục” trong chuỗi xê dịch có tên gọi “Việc làng”...

Dáng hình đất nước trong tim

Từ lúc ra đời tới nay, Hà Lemy cùng các thành viên trong dự án truyền thông “toixedich.com” đã tổ chức thành công chín tour “Windy day” quanh Hà Nội và một tour đi Lào cho các bạn trẻ mê văn hóa. So với “Windy day” đầu tiên chỉ có gần 10 bạn trẻ tham dự, những chuyến sau đó đã chật “chiếu làng” với trên 300 bạn trẻ tham gia.

“Niềm tin của tôi không nằm ở con số bạn trẻ tham dự thực tế. Tôi tin vào sứ mệnh truyền tin của những sứ giả trẻ ấy. Cho nên ngày đầu dẫu chỉ có gần 10 bạn trẻ tham gia chuyến xê dịch, tôi vẫn tin rằng sẽ còn nhiều người nữa nắm tay xê dịch” - Hà tâm sự.

“Đi, thấy và phải ngẫm nữa” - đó là lời nhắn nhủ của nghệ sĩ chèo Trần Đình Ngôn khi đồng hành cùng “Tôi xê dịch” trong tour “Tiếng vọng ngàn năm” - tìm hiểu về nghệ thuật dân gian VN.

Điều khiến Hà rất cảm kích, luôn có động lực để thực hiện dự án chính là sự đồng hành của các cố vấn, diễn giả là nghệ sĩ, nhà văn, nhà văn hóa Việt cùng các bạn trẻ như nghệ sĩ Trần Đình Ngôn, nghệ sĩ Thanh Ngoan, dịch giả Nguyễn Xuân Hồng...

Hay sự đóng góp của cô chủ quán cà phê Nhà Mẹt ở Hà Nội - miễn phí chỗ tọa đàm cho “Tôi xê dịch” trong các chuỗi “Việc làng” - tranh luận về văn hóa VN xưa và nay.

Cái gì nuôi sống một người trẻ? Đó là công việc - Hà vẫn đang là nhân viên tiếp thị thương mại theo chuyên ngành được học sau khi ra trường. Nhưng điều quan trọng là Hà cùng bạn bè muốn gìn giữ điều nuôi dưỡng tâm hồn mình - đó là “Tôi xê dịch”. “Một ngày nào đó phải xê dịch sâu hơn, xa hơn để không chỉ thấy cái tôi bé nhỏ của mình trong đời sống. Còn phải tìm thấy màu dân tộc trong từng nếp sống của giới trẻ ngày mai” - cô mõ làng ấp ủ ước mơ.

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên