25/01/2013 06:45 GMT+7

Giúp giới trẻ tiếp cận văn hóa Việt Nam

QUỐC LINH thực hiện
QUỐC LINH thực hiện

TT - Những lệch lạc gần đây trong lối sống của bộ phận giới trẻ đã khiến nhiều người lo ngại dường như cách biểu hiện và tiếp cận văn hóa của giới trẻ đang có vấn đề.

3vRVcfoW.jpgPhóng to

TS Nguyễn Ngọc Thơ - Ảnh: N.T.

Nhìn lại chặng đường 15 năm thực hiện nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Tuổi Trẻ đem băn khoăn này trao đổi cùng TS văn hóa học Nguyễn Ngọc Thơ (ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM), ông nói:

- Từng làm giám khảo nhiều cuộc thi do Đoàn, Hội tổ chức, tôi thấy phần lớn nội dung đều là kiến thức về văn hóa nhưng không phải ai cũng nắm. Cho nên tôi nghĩ tương lai cần trang bị kiến thức về văn hóa VN cho tất cả sinh viên chứ không riêng gì khối xã hội nhân văn. Chúng ta đang hội nhập thế giới, đã mở cửa giao lưu thì không thể không biết kiến thức cơ bản về văn hóa VN. Không hiểu, không nắm những giá trị văn hóa dân tộc mình làm sao đủ tự tin và bản lĩnh để giao lưu với văn hóa của bạn bè thế giới.

"Đừng quá bi quan về việc tiếp cận văn hóa của giới trẻ, tôi tin các bạn đủ tỉnh táo nhận ra và chỉ chọn lấy những cái phù hợp. Vì các bạn còn trẻ, kinh nghiệm sống chưa dồi dào nên sự hỗ trợ của người lớn hơn, của Đoàn, Hội vô cùng ý nghĩa"

TS Nguyễn Ngọc Thơ

* Giới trẻ vẫn được xem là dễ tiếp cận với những trào lưu văn hóa mới, nhưng cũng chính họ lại rất dễ bị “xâm thực” bởi những cái mới ấy. Mà hiện tượng cuồng nhiệt trước làn sóng “văn hóa Hàn” gần đây chỉ là một trong nhiều ví dụ. Ông đánh giá thế nào về điều này?

- Thực tế văn hóa VN từng tiếp nhận nhiều giá trị các nền văn hóa khác nhưng chắt lọc và chuyển thành cái riêng cho mình, mà áo dài là một trong những điển hình trở thành rất riêng của văn hóa VN. Đặc trưng văn hóa VN là cởi mở, tiếp thu và sàng lọc, trong đó xã hội sẽ là guồng sàng lọc lớn, nó chỉ giữ lại điều phù hợp cho thực tiễn xã hội nước nhà.

Giới trẻ đôi khi hơi quá đà trong việc tiếp nhận những trào lưu mới, vấn đề là việc ứng xử sau đó thế nào. Chẳng hạn có lúc giới trẻ mê mệt điệu nhảy flashmob phong cách phương Tây, nhưng sau một thời gian thay vì chỉ nhảy với nhạc quốc tế thì gần đây nhiều nơi đã chọn các bài hát VN, đặc biệt là các bài hát ca ngợi tinh thần tuổi trẻ để nhảy. Tôi thấy đó là xu hướng đáng khuyến khích vì các bạn tiếp nhận cái mới nhưng dần chuyển thành cái riêng của mình. Đừng lúc nào cũng bắt người trẻ chỉ được áo dài khăn đóng hay phải đánh trống cơm mới là tính dân tộc.

* Có ý kiến cho rằng cần phải xây dựng “phông văn hóa” cho giới trẻ. Nên bắt đầu việc này từ đâu, thưa ông?

- Có người bảo rằng mình là người VN cần gì học về văn hóa VN nữa! Đây là một sai lầm vì không gian, thời gian thay đổi, chưa kể sự va đập của các trào lưu văn hóa mới thì không thể lúc nào các giá trị văn hóa VN cũng bất biến. Tôi thấy cần giúp giới trẻ học cách tiếp cận văn hóa VN, vì với cách tiếp cận đúng các bạn sẽ tự trang bị cho mình “phông văn hóa” cần thiết. Hiện tại, do phương pháp tiếp cận chưa được cung cấp, hoặc nếu có cũng chưa thành hệ thống nên nhiều bạn trẻ lúng túng, chưa đủ tự tin khi ứng xử với văn hóa.

Xây dựng “phông văn hóa” cho giới trẻ trước hết là trang bị tri thức cho họ thông qua giáo dục cách tiếp cận. Điều này có thể tích lũy qua trường lớp, sách vở, hoạt động xã hội và thực tế cuộc sống. Chúng ta phải giúp các bạn rèn luyện tư duy nhạy bén, biết xúc cảm để nhận ra cái nào là văn hóa bản địa, cái nào là du nhập và cũng phải trang bị kỹ năng giao tiếp đa văn hóa để giúp các bạn biết giao tiếp với văn hóa thế giới, linh động ứng xử với từng nền văn hóa, dù là phương Đông hay phương Tây. Thật ra các bạn tự tích lũy chỉ là phần nào thôi, còn lại các nhà chuyên môn, người làm công tác văn hóa phải hỗ trợ các bạn, cũng có thể thông qua giáo dục từ nhà trường hoặc qua các hoạt động cộng đồng.

* Theo ông, mỗi bạn trẻ có thể góp phần xây dựng nền văn hóa VN đậm đà bản sắc như thế nào...

- Những điều liên quan đến văn hóa của một dân tộc phải là mục tiêu lâu dài, không chỉ 10, 20 năm và đi kèm với nó còn phải có thiết chế rõ ràng, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, quản lý văn hóa cực nhạy. Nhật Bản xây dựng nền văn hóa của họ từ cách mạng Minh Trị cả trăm năm trước, Hàn Quốc cũng vài chục năm rồi và họ vẫn đang làm tiếp.

Một bạn trẻ bình thường có thể hiểu và biết cách ứng xử văn hóa phù hợp với điều kiện thực tế đã là thành công. Vì điều họ làm được sẽ có tác động đến người thân, tới những người cùng thời là tốt rồi, khó có thể đòi hỏi họ nhiều hơn. Nhiệm vụ còn lại phải là của nhà chuyên môn, nhà giáo dục, nhà quản lý, thông qua các cơ quan thông tấn để góp phần tăng sự hiểu biết hoặc định hướng phát triển xã hội.

QUỐC LINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên