14/06/2016 12:10 GMT+7

​Vấn nạn “sói cô đơn” trong vụ xả súng ở Orlando

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Vụ xả súng khiến 49 người thiệt mạng tại thành phố Orlando một lần nữa chỉ ra thách thức không nhỏ với lực lượng an ninh Mỹ trong việc ngăn chặn những “con sói cô đơn”.

Chị Adele Hoppe-House, 49 tuổi và chị Jennifer Hoppe-House, 52 tuổi, đang tham dự lễ tưởng niệm tại Los Angeles chia sẻ nỗi đau với những nạn nhân thiệt mạng tại Orlando - Ảnh: Reuters

Theo AFP, trong nhiều năm, tên Omar Mateen, nghi phạm gây ra vụ xả súng tại Orlando, đã nằm trong tầm ngắm của các điệp viên FBI. Từ lâu, họ cũng đã ngờ vực tên này có những mối quan hệ đặc biệt với những kẻ thánh chiến.

Tuy nhiên bất kể những ngờ vực và cả các cuộc thẩm vấn đã có, cơ quan chức năng vẫn không thể thu thập đủ bằng chứng để kết tội hắn, cho tới ngày hắn lạnh lùng hạ sát 49 người, vụ thảm sát kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Những thách thức đối phó với “sói cô đơn” dường như càng dày thêm trong bối cảnh ngày càng nhiều những kẻ bị IS “tẩy não” qua mạng Internet, và rất nhiều kẻ tấn công cực đoan đang nhằm vào nước Mỹ.

Vụ tấn công ở Orlando xảy ra đúng nửa năm sau vụ xả súng ở San Bernardino khiến 14 người thiệt mạng tại một bữa tiệc mừng Giáng sinh. Hai vợ chồng nghi phạm trong vụ tấn công đó cũng đã bị kích động tư tưởng cực đoan từ bên ngoài, nếu không muốn nói là trực tiếp, từ IS.

Bà Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ ngày 13-6 cam kết nếu đắc cử, sẽ thành lập một nhóm chuyên trách trong việc phát hiện và ngăn chặn các vụ tấn công kiểu “sói cô đơn”.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, liên quan tới dạng thức tấn công này có rất nhiều những câu hỏi nan giải mắc míu giữa vấn đề quyền riêng tư và sự an toàn. Điều này cũng khiến việc ngăn chặn những kẻ cực đoan ra tay hành động một mình kiểu như nghi phạm ở Orlando hết sức khó khăn.

Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) thừa nhận trước đây đã thẩm vấn tên Mateen 29 tuổi sau khi hắn có những bình luận kích động với các đồng nghiệp, tuy nhiên đã loại bỏ việc hắn có liên hệ với những kẻ cực đoan.

Giám đốc FBI James Comey cho biết sẽ “nghiêm khắc rà soát lại công việc nội bộ” để xem có thể thay đổi điều gì. Tuy nhiên như ông chia sẻ, tại thời điểm này ông cũng chưa có giải pháp cụ thể nào cho vấn đề đó.

Trong khi đó, một cựu quan chức chống khủng bố của FBI là Steve Pomerantz cho biết, cơ quan ông đã thẩm vấn “hàng ngàn” người từng ghé thăm các trang web cực đoan hay có những dấu hiệu khả nghi nào đó. Tuy nhiên một hành vi tương tự như vậy chưa thể bị coi là phạm pháp.

“Nếu tôi chưa quyên góp tiền hay tuyển mộ người cho chúng thì điều đó chưa phải là phạm pháp, vậy thì anh có thể làm gì với điều đó? Anh sẽ nghe lén người này chứ gì, và nếu thế anh định làm vậy trong bao lâu? Anh sẽ theo dõi họ chăng? Việc có đủ số nhân sự để giải quyết chừng ấy công việc sẽ là phi thực tế”, ông Pomerantz nói.

Chuyên gia này nói thêm: “Trừ khi tất cả họ thực sự đã vượt qua ranh giới pháp luật, còn không thì vẫn có một số vấn đề hạn chế của một xã hội tự do khiến anh khó giải quyết vấn đề”.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên