Sinh viên được tư vấn, giới thiệu việc làm tại Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TP.HCM - Ảnh: H.T.Vân |
Khi Bộ Lao động - thương binh và xã hội công bố con số thất nghiệp quý 2 ở Việt Nam là 1,84%, ngay lập tức phản ứng đầu tiên của nhiều người là thắc mắc không biết cách tính tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam có theo thông lệ quốc tế hay không.
Có làm theo khung của ILO
Nếu xét về mặt định nghĩa “có việc làm” hay không thì Việt Nam đang làm đúng theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) - tức một người từ 15 tuổi trở lên có từ một giờ lao động có thu nhập trở lên trong tuần trước khi khảo sát thì được xem là có việc làm.
Nhưng thế nào là “thất nghiệp” thì không đơn giản như thế. ILO định nghĩa thất nghiệp phải đồng thời hội đủ ba điều kiện: 1/ không có việc làm (theo định nghĩa trên), 2/ sẵn sàng và mong muốn làm việc, 3/ đang đi tìm việc có thu nhập.
Thật ra Việt Nam khảo sát tỉ lệ thất nghiệp cũng dựa theo định nghĩa này (có khác các nước ở khung thời gian tham chiếu sẽ nói ở phần sau).
Nếu xem xét thêm hai yếu tố sẵn sàng làm việc và đang tìm việc làm, chúng ta sẽ hiểu vì sao một số lượng lớn người không có việc làm nhưng không được xem là thất nghiệp.
Hàng triệu người vợ sẵn sàng ở nhà làm công việc nội trợ, tức không có việc làm có thu nhập nhưng vẫn không xem là thất nghiệp vì họ không mong muốn, cũng không đi tìm việc làm. Học sinh từ 15 tuổi trở lên đang đi học thì đâu sẵn sàng làm việc nên cũng không được xếp vào diện thất nghiệp.
Rõ nhất là những người đã về hưu. Không phải không xếp họ vào diện thất nghiệp vì họ có lương hưu hay thu nhập từ cổ phần cổ phiếu, họ không thất nghiệp đơn giản chỉ vì họ không đang đi tìm việc làm.
Thậm chí một thanh niên 30 tuổi khỏe mạnh, tay nghề cao nhưng không muốn đi làm và thực tế đang nằm ở nhà ăn bám bố mẹ thì cũng không xếp vào diện thất nghiệp.
Nhưng chưa theo cho trọn vẹn
Thắc mắc nảy sinh tiếp theo là vì sao Việt Nam theo thông lệ quốc tế mà tỉ lệ thất nghiệp lại thấp như vậy? Ở đây giữa Việt Nam và các nước có một số khác biệt trong khảo sát.
Việt Nam dùng khung thời gian tham chiếu một tuần cho cả ba yếu tố, trong khi ở các nước khung thời gian thường được sử dụng là một tuần (cho yếu tố có ít nhất một giờ làm việc), bốn tuần (cho yếu tố tích cực tìm việc làm) và hai tuần (cho yếu tố sẵn sàng đi làm việc sau thời gian đó).
Sự khác biệt trong khung thời gian tham chiếu sẽ cho kết quả khác nhau.
Ví dụ một sinh viên ra trường đã một năm nay, sáu tháng đầu còn tích cực đi xin việc khắp nơi nhưng sau nhiều lần thất bại, không còn mảy may hi vọng nào kiếm được việc làm như mong muốn. Đến khi được khảo sát, chắc chắn anh sinh viên này sẽ trả lời trong tuần trước đó không đi kiếm việc làm. Thế là theo con số thống kê lạnh lùng, hoàn toàn không có anh trong danh sách thất nghiệp.
Tìm việc làm là hoạt động thường xuyên của người không có việc làm nhưng ở những nước nông nghiệp như Việt Nam, thật sự cất công tìm việc làm ở các xí nghiệp, nhà máy, đăng ký ở các trung tâm việc làm, đọc và nộp đơn theo quảng cáo đâu phải là chuyện dễ.
Có thể một tháng người chưa có việc làm sẽ nỗ lực đi kiếm việc một lần. Nay hỏi họ theo tuần thì xác suất họ không đang đi kiếm việc làm chắc chắn sẽ cao hơn một người như thế nhưng được hỏi là cả tháng qua có kiếm việc làm hay không.
Ở những nước mà thị trường lao động chưa được tổ chức một cách rõ ràng như Việt Nam, nỗ lực tìm kiếm việc làm kéo theo chi phí, nhiều lúc khá tốn kém. Điều đó cũng làm nản lòng và nhiều người không còn trong danh sách thất nghiệp chỉ bởi họ “đầu hàng” không còn sức để đi tìm việc làm “cho đúng định nghĩa” nữa. Đó là lý do tại sao tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam hay Thái Lan, Lào, Campuchia... rất thấp.
Ở đây có một điểm nữa cần lưu ý đối với thị trường lao động của Việt Nam: Theo số liệu thống kê của năm 2012 thì đến 77,6% số lượng lao động (khoảng 51,5 triệu người) là lao động cá thể. Làm cho ba khu vực tư nhân, nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài chỉ lần lượt là 8,5%, 10,4% và 3,3%.
Điều đó có nghĩa nỗ lực tạo công ăn việc làm cho khu vực chính thức trong giai đoạn này chưa quan trọng bằng duy trì việc làm cho khu vực cá thể, từ anh xe ôm đến bà bán hàng rong, từ tiệm tạp hóa gia đình đến người chạy xe ba gác.
Người làm chính sách nên chú ý đến yếu tố đó để khỏi có những chính sách ảnh hưởng đến công ăn việc làm của khu vực cá thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận