27/10/2022 16:03 GMT+7

Vẫn còn nhiều quảng cáo 'đàn bà phục vụ, đàn ông hưởng thụ'

HÀ QUÂN
HÀ QUÂN

TTO - Dù có quy định xử phạt hành chính về định kiến giới trong quảng cáo nhưng vẫn tồn tại truyền thông kiểu "đàn bà là phục vụ, đàn ông là hưởng thụ".

Vẫn còn nhiều quảng cáo đàn bà phục vụ, đàn ông hưởng thụ - Ảnh 1.

Ths Nguyễn Vân Anh - giám đốc CSAGA - Ảnh: HẢI DƯƠNG

Đó là thông tin nổi bật tại Hội thảo Khoa học quốc gia "Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số" do Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), tổ chức ngày 27-10 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, ThS Nguyễn Vân Anh - giám đốc CSAGA - cho biết gần 63% phụ nữ bị bạo lực ít nhất một lần bởi người thân trong gia đình. 

Đây là số liệu được nêu trong Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam (năm 2019) thực hiện trên gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 64, sinh sống tại 63 tỉnh và thành phố của Việt Nam.

Nghiên cứu “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái” tiến hành tại Hà Nội và TP.HCM (năm 2014) trên 2.000 người cho thấy khoảng 87% phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam ít nhất một lần bị quấy rối tình dục nơi công cộng. 

Khảo sát của CSAGA tại TP.HCM, Hà Giang, Quảng Ninh chỉ ra 13-14% số học sinh nữ từng ít nhất một lần bị xâm hại tình dục. 

Bà Vân Anh cũng nêu dù có quy định xử phạt hành chính về định kiến giới trong quảng cáo nhưng thực tế không hiệu quả. Nhiều quảng cáo theo hướng "đàn bà là phục vụ, đàn ông là hưởng thụ" như chồng có áo bẩn, nấu ăn chưa ngon thì có vợ giúp có giảm nhưng chưa triệt để.

Còn PGS.TS Dương Kim Anh - phó giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam - cho hay sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý ở khu vực công cũng như trong doanh nghiệp vẫn còn thấp và chậm cải thiện: "Tỉ lệ phụ nữ bị bạo lực cao, định kiến về giới vẫn còn tồn tại trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình".

TS Đỗ Anh Đức - Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết nhiều quảng cáo truyền thông đã phóng đại, nhân cách hóa, vật hóa và dán mác cơ thể nữ giới với các phần thưởng giải trí, đáp ứng nhu cầu "thưởng ngoạn" của nam giới. Chẳng hạn, quảng cáo bia thường gắn với hình ảnh phụ nữ xinh đẹp, sexy.

Vẫn còn nhiều quảng cáo đàn bà phục vụ, đàn ông hưởng thụ - Ảnh 2.

TS Đỗ Anh Đức cho rằng giới tính thứ 3, LGBT cũng cần được quan tâm như bình đẳng giới cho phụ nữ, nam giới - Ảnh: HẢI DƯƠNG

Theo ông Đức, nhiều người, nhất là bạn trẻ dễ bị chi phối bởi các quan điểm trên mạng xã hội như "nữ quyền độc hại", "nữ quyền cứng nhắc"…  

"Mỗi người cần có cái nhìn cởi mở, lắng nghe nhiều chiều, tránh bị a dua, nghiêng ngả, lôi kéo bởi những người nổi tiếng trên mạng xã hội", ông Đức nói. 

Các đại biểu khác chia sẻ câu chuyện đáng suy ngẫm như có 'sếp' vì sự tiến bộ phụ nữ, tuyên truyền về bình đẳng giới nhưng vẫn giữ quan điểm "con gái học cao khó lấy chồng" hay quan điểm báo chí có vai trò định hướng, dẫn dắt lớn nên góc nhìn về giới của nhà báo rất quan trọng. 

Đại biểu Quốc hội: Đề nghị không hòa giải hành vi bạo lực gia đình Đại biểu Quốc hội: Đề nghị không hòa giải hành vi bạo lực gia đình

TTO - Đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay việc cấm tiếp xúc sau bạo lực gia đình theo quyết định của chủ tịch UBND cấp xã là rất cần thiết để phòng ngừa hành vi bạo lực có thể tiếp tục xảy ra và giúp bảo vệ tính mạng, nhân phẩm của người bị bạo lực.

HÀ QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên