12/12/2014 09:00 GMT+7

​Vẫn còn nguyên những bức xúc của dân

SƠN LÂM - THANH TÚ
SƠN LÂM - THANH TÚ

TT - Ngày 11-12, HĐND tỉnh Tiền Giang và Long An bước vào phiên chất vấn. Nhiều đại biểu cho biết rất nhiều vấn đề bức xúc của cử tri được nêu từ nhiều kỳ họp trước nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Diệp, giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, trả lời chất vấn - Ảnh: Thanh Tú
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Diệp, giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, trả lời chất vấn - Ảnh: Thanh Tú

Mở đầu phiên chất vấn của HĐND tỉnh Long An, ông Lưu Văn Nghĩa - phó giám đốc Sở TN&MT - đã bị đại diện cử tri huyện Cần Giuộc “truy” về vấn đề bà con trong khu tái định cư Tân Thuận (xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc) sống mười năm vẫn chưa được giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bị “treo” hầu hết các quyền lợi. Ông Nghĩa trả lời “sẽ tiếp tục đốc thúc”.

Quá nhàm với kiểu trả lời chung chung

Kỳ họp thứ 16 HĐND TP.HCM:

Cố gắng đến năm 2020 hết ngập

Tại phiên trả lời chất vấn của HĐND TP.HCM sáng 11-12, giám đốc Sở GTVT TP Nguyễn Thành Chung đã hai lần nhận khuyết điểm và trách nhiệm vì ngành mình chưa sâu sát thực tế khi thực hiện chức trách trước dân.

Đại biểu Nguyễn Văn Lâm hỏi: Trong năm 2014, vốn ngân sách bố trí cho Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP hơn 1.000 tỉ đồng, trong đó hơn 600 tỉ đồng cho trung tâm này, còn lại giao cho quận, huyện. Hiệu quả của việc giải quyết chống ngập ra sao, khi nào làm xong, giải pháp cụ thể?

Sau khi trình bày khá chi tiết kế hoạch chống ngập dài hạn và trước mắt, ông Chung nhìn nhận qua báo cáo, đến năm 2013 cơ bản chỉ còn 6 điểm ngập ở khu vực trung tâm. Song sang năm 2014 kiểm tra thực tế thì có 33 điểm tái ngập (trong số 47 điểm ngập đã giải quyết), cùng với 6 điểm ngập chưa giải quyết được, ngoài ra còn phát sinh 29 điểm ngập mới.

Ông Chung hứa đến cuối năm 2015, các điểm ngập chưa giải quyết được cùng với những điểm ngập mới sẽ được giải quyết 80%, phần còn lại sẽ giải quyết sau đó và cố gắng đến năm 2020 tất cả điểm phát sinh, những điểm ngập ở khu vực trung tâm sẽ cơ bản được giải quyết.

Hôm nay 12-12, kỳ họp HĐND TP họp phiên bế mạc.

QUỐC THANH - QUANG KHẢI

Không đồng tình, nhiều đại biểu đã yêu cầu Sở TN&MT phải đưa ra mốc thời gian cụ thể để giải quyết, bởi cử tri đã quá nhàm với những câu trả lời kiểu chung chung như vậy.

Đáp lại, ông Nghĩa thừa nhận đây là bức xúc chung của cả nước, nhiều dự án tái định cư do tình hình suy thoái của kinh tế đã phải trì trệ.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh thì sở đã mời doanh nghiệp để cam kết cấp giấy cho dân và chậm nhất đến quý 2-2015 sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Trả lời về những vấn đề liên quan đến giải tỏa, tái định cư, bồi thường, quy hoạch “treo”, ông Đỗ Hữu Lâm, chủ tịch UBND tỉnh Long An, cũng thừa nhận đây là một vướng mắc lớn còn tồn tại trên địa bàn tỉnh.

“UBND tỉnh đã giao hẳn cho một phó chủ tịch tỉnh chuyên giải quyết vấn đề này. Với trường hợp người dân trong các khu tái định cư chưa thể nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có khả năng UBND tỉnh sẽ xem xét tạo điều kiện và đốc thúc chủ đầu tư nhanh chóng làm giấy chủ quyền đất cho người dân” - ông Lâm nói.

Nhận định về vấn đề này, ông Đặng Văn Xướng - chủ tịch HĐND tỉnh - cho rằng điều này đã được cử tri nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần tại các kỳ họp HĐND nhưng đến nay “vẫn còn nguyên”.

Ông Xướng cũng đề nghị UBND tỉnh Long An nên tập trung nghiên cứu để hạn chế những bức xúc của người dân liên quan đến vấn đề này.

Cùng ngày, HĐND tỉnh Long An tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 13 chức danh do HĐND tỉnh bầu. Kết quả, người đạt tín nhiệm cao nhiều nhất là ông Đỗ Hữu Lâm - chủ tịch UBND tỉnh - với 44/58 phiếu (số phiếu tín nhiệm là 14/58, không có phiếu tín nhiệm thấp).

Ông Nguyễn Văn On - giám đốc Sở Tài chính - là người có tỉ lệ phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất với 10/58 phiếu (16,94%). Người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp thứ hai là ông Nguyễn Chí Thanh - giám đốc Công an tỉnh - với 9/58 phiếu (15,25%).

Đây là lần thứ hai giám đốc Công an tỉnh Long An nằm trong số người có tỉ lệ “phiếu tín nhiệm thấp” cao ở tỉnh này. Trước đó, vào kỳ họp thứ 8 (tháng 7-2013), ông Thanh cũng là người có tỉ lệ “phiếu tín nhiệm thấp” cao thứ hai với 8,47%.

Tiền Giang: tình hình phạm tội nguy hiểm tăng

Cùng ngày, HĐND tỉnh Tiền Giang bước vào phiên thảo luận và chất vấn. Đại biểu Nguyễn Văn Quang, đơn vị Gò Công Tây, nêu băn khoăn với tình trạng tội phạm nguy hiểm có dấu hiệu gia tăng đến mức đáng lo ngại.

Trả lời vấn đề này, thiếu tướng Nguyễn Quốc Diệp, giám đốc Công an tỉnh, thừa nhận đúng là có tình trạng này. Song ông Diệp cho rằng trước tình hình phát triển kinh tế - xã hội diễn biến khó lường, không thể nói tội phạm phải giảm được. Vấn đề là có phát hiện, ngăn chặn kịp thời không, có điều tra ra thủ phạm không.

Còn đại biểu Lê Dũng, đơn vị Chợ Gạo, nhấn mạnh trong báo cáo của UBND tỉnh có đề cập sáu nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo điều hành. Vấn đề nào cũng nêu “đẩy mạnh, đẩy nhanh” nhưng không hiểu đẩy mạnh là đẩy mạnh cái gì, đẩy nhanh là đẩy nhanh tới đâu? Nghe hô hào quá.

Ông Dũng nêu dẫn chứng năm 2013, UBND tỉnh nói đẩy nhanh việc bán đất công để có tiền tái đầu tư các công trình trọng điểm của tỉnh và năm 2014 không bán được nhưng không nói rõ nguyên nhân nào.

Hoặc như tỉnh nói nêu kiên quyết xử lý doanh nghiệp ô nhiễm môi trường nhưng theo đại biểu Dũng, thực tế tình trạng ô nhiễm tại các khu công nghiệp, các công ty vẫn diễn biến phức tạp.

Đơn cử như trường hợp gây ô nhiễm của Công ty Uni President đã vượt mức chịu đựng của người dân. Khi mới xây dựng, công suất nhà máy chỉ có 21.725 tấn/năm, nay đã tăng lên 264.000 tấn/năm (tăng gấp 12 lần) nhưng doanh nghiệp không lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường, không có xử lý mùi hôi.

Trả lời vấn đề này, bà Trần Kim Mai, phó chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng UBND tỉnh đã có năm buổi làm việc với Công ty Uni President và đơn vị này cũng đã có khắc phục như xây dựng hệ thống xử lý khí thải ở tầng 2.

Hiện công ty này tiếp tục xây dựng khu xử lý khí thải ở tầng 6 có công suất 180 m3/giờ. UBND tỉnh cũng đã ra tối hậu thư để cho doanh nghiệp này khắc phục đến hết ngày 31-12-2014.

Cùng ngày, HĐND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 17 chức danh do HĐND bầu. Ông Nguyễn Văn Danh, chủ tịch HĐND tỉnh, là người có phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất với 52/64 phiếu bầu.

Đứng thứ hai là bà Trần Kim Mai, phó chủ tịch UBND tỉnh, có số phiếu tín nhiệm cao 51/64. Với 15/64 phiếu tín nhiệm thấp, ông Đoàn Thanh Liêm, giám đốc Sở Nội vụ, là người có phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất.

Sáng nay (12-12), HĐND tỉnh Tiền Giang tiếp tục phiên chất vấn và thông qua các nghị quyết của kỳ họp.

SƠN LÂM - THANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên