Ý kiến được nhà văn Hiền Trang đưa ra trong buổi giao lưu với chủ đề Tại sao ta yêu? Vì sao ta viết? diễn ra vào sáng 3-6 tại Salon Văn hóa cà phê thứ 7 (quận 1, TP.HCM).
Buổi giao lưu còn có tác giả Huỳnh Trọng Khang. Cả hai trò chuyện cùng độc giả về ý nghĩa của văn chương và nghề viết.
Nhà văn không nghèo như mọi người nghĩ
Trong suốt buổi trò chuyện, câu trả lời của Hiền Trang phần nhiều mang theo cảm xúc mơ mộng, sâu xa với nhiều dẫn chứng từ Đông sang Tây. Còn Huỳnh Trọng Khang thì trực tiếp đưa ra góc nhìn của mình về vấn đề.
Khi được hỏi nghề viết có phải vất vả và "nghèo" như nhiều người đã nhận định không, tác giả Huỳnh Trọng Khang hồi đáp:
"Nhiều người gieo những giai thoại về văn chương Việt Nam như nhậu say rồi viết ra vài chục bài hoặc sống cuộc đời nghèo khổ, bệnh tật rồi chết trong túng quẫn. Cũng có, nhưng không đến mức bi đát như vậy.
Có những nhà văn nghèo nhưng cũng có những nhà văn sống được và giàu có bằng nghề. Trên thế giới cũng vậy thôi.
Đời sống nhà văn phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh, khả năng của mỗi người. Có những nhà văn chỉ viết thôi, viết một cách chuyên nghiệp nhưng họ vẫn sống được. Hỏi nghề viết có vất vả không? Vất vả.
Bất cứ ai nói về nghề nghiệp của mình cũng sẽ than khổ, than mệt nhưng không ai bỏ nghề. Bởi vì chúng ta loay hoay với nghề rồi nhận ra đó là công việc mình có khả năng làm tốt nhất thì có động lực để làm thôi".
Về điều này, tác giả Hiền Trang cho rằng những người sáng tác vẫn có thể sống được bằng nghề, đồng thời họ cũng có được sự biệt đãi từ mọi người xung quanh, bằng cách này hay cách khác.
Cô nói: "Tôi tin, cuối cùng thì mọi người vẫn yêu nghệ thuật. Người nghệ sĩ có thể không giàu có như Elon Musk.
Thế nhưng, đó sẽ là người mà những tỉ phú như Elon Musk muốn được ăn tối cùng.
Murakami có thể không phải là tỉ phú nhưng tỉ phú sẽ muốn được ngồi ăn tối cùng Murakami".
Viết văn cũng cần kỷ luật
Trên văn đàn, Hiền Trang và Huỳnh Trọng Khang là hai trong số những tên tuổi mới nhận được tín hiệu tích cực từ độc giả.
Gần nhất, Huỳnh Trọng Khang ra mắt quyển sách Bể trăng côi viết về đại dịch COVID-19, còn Hiền Trang thì ghi tên mình vào giải tư của Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7.
Trong lúc trò chuyện, không khó để thấy tinh thần sáng tạo nghiêm túc từ hai tác giả. Họ cho rằng văn chương là thành quả của hoạt động có tính kỷ luật.
Qua một số tác phẩm đã hoàn thành, Huỳnh Trọng Khang thấy được viết văn, viết sách không thể nhờ nguồn cảm hứng. Với một quyển sách 300 trang, nếu cứ chờ cảm hứng thì sẽ không bao giờ đến đích được.
Anh chia sẻ: "Người viết phải duy trì cho mình một nhịp độ, sự kỷ luật mới tạo ra được tác phẩm.
Từ 1.000 năm hay 2.000 năm trước cho đến bây giờ, nhà văn nào cũng phải bắt đầu bằng việc viết câu đầu tiên và tự hoàn thành câu cuối cùng, không có chuyện viết tắt hay bỏ qua. Độc giả có thể đọc tắt nhưng nhà văn phải viết từng chữ, từng câu".
Còn về phần Hiền Trang, cô cho rằng phải giới hạn mình ở một nhiệt độ nhất định, tức là người viết phải đặt bản thân ở nhiệt độ lạnh, thay vì nóng. Bởi vì người viết không thể chỉ viết nhiều trong lúc hưng phấn, còn những quãng thời gian khác thì không viết được gì.
Nhìn chung, viết văn không phải là công việc quá mức gian khổ như nhiều người vẫn nghĩ, tuy nhiên đó cũng không phải công việc dễ dàng. Để có thể tiến xa hơn trong việc viết, ngoài bút lực sẵn có, người viết còn phải tự xây cho mình tính kỷ luật khi viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận