21/02/2023 12:02 GMT+7

Vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân ngày càng nâng cao

Nội dung được đề cập tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh thành trực thuộc trung ương năm 2022 và triển khai công tác năm 2023.

Vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân ngày càng nâng cao - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023 - Ảnh: TIẾN THẮNG

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 21-2, tại TP Hạ Long, Quảng Ninh.

Nhiều đổi mới sáng tạo

Hội nghị có quy mô lớn nhất về công tác Hội đồng nhân dân do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì, cùng sự tham dự của hơn 320 đại biểu trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát biểu khai mạc, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết hội nghị nhằm đánh giá kết quả hoạt động, đề xuất các giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân trong giai đoạn tới.

Đồng thời tăng cường sự phối hợp và trách nhiệm trong công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân.

Ông Mẫn đánh giá năm 2022, Hội đồng nhân dân đã có nhiều cố gắng, đổi mới sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo luật định và đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn ở từng địa phương.

Cụ thể năm 2022, hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có nhiều đổi mới về phương thức, cách thức tổ chức hoạt động. Đặc biệt, vai trò giám sát được nâng cao giúp tạo hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị ở từng địa phương.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ rõ các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân chưa thật rõ, ví dụ thẩm quyền về điều chỉnh hệ số đất và hệ số điều chỉnh giá đất.

Hình thức tiếp xúc cử tri chưa đa dạng, chủ yếu tiếp xúc cử tri tại các đơn vị bầu cử trước và sau kỳ họp thường lệ, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, nơi làm việc, nơi cư trú còn ít...; việc giải quyết kiến nghị của cử tri đối với một số vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm liên quan đến nguồn lực, cơ chế chính sách hoặc chưa nhận được sự đồng thuận cao của cử tri.

Việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của một số cơ quan có thẩm quyền còn kéo dài, quá thời hạn quy định. Việc theo dõi, đôn đốc giải quyết các kiến nghị, kết luận qua giám sát chưa được thường xuyên và triệt để.

Đánh giá những kết quả nổi bật, nêu những mô hình hay, cách làm mới và những bài học quý, cũng như những tồn tại, hạn chế và đề xuất kiến nghị sao cho thiết thực, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân trong năm 2023 và nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân ngày càng nâng cao - Ảnh 3.

Ông Trần Thanh Mẫn, phó chủ tịch thường trực Quốc hội, đánh giá hoạt động của Hội đồng nhân dân có nhiều đổi mới, nâng cao vai trò giám sát - Ảnh: TIẾN THẮNG

Kịp thời xử lý các đại biểu Hội đồng nhân dân vi phạm

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2022, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong cả nước giảm 42 đại biểu so với năm 2021; một số tỉnh có sự thay đổi về nhân sự chủ tịch Hội đồng nhân dân, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, trưởng ban, phó trưởng ban và số lượng ủy viên các ban Hội đồng nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân các địa phương đã kịp thời kiện toàn, nhanh chóng ổn định tổ chức, bảo đảm hoạt động thông suốt, tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động.

Đồng thời thể hiện tinh thần nghiêm túc, kịp thời xử lý kỷ luật những đại biểu Hội đồng nhân dân vi phạm, phù hợp với kỷ luật về Đảng, kể cả đã về hưu, góp phần làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin của nhân dân.

Trong năm 2022, Hội đồng nhân dân mỗi tỉnh, thành phố cả nước đã tổ chức thành công 2 kỳ họp thường lệ và tổ chức tổng số 198 kỳ họp chuyên đề và 51 kỳ họp đột xuất, kịp thời giải quyết những nội dung phát sinh đột xuất.

Trên cơ sở báo cáo thẩm tra, đại biểu Hội đồng nhân dân đã chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của địa phương.

Sau mỗi phiên họp chất vấn, Hội đồng nhân dân đã ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để theo dõi, giám sát, đôn đốc, tổ chức tái giám sát trong thực hiện các vấn đề, các cam kết trước nhân dân và cử tri địa phương.

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình không thành lập Ban thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp tư nhânNhiều đại biểu Quốc hội đồng tình không thành lập Ban thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp tư nhân

TTO - Theo thống kê của tổng thư ký Quốc hội, nhiều đại biểu cho ý kiến đồng ý phương án dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở chỉ quy định thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước và không thành lập Ban thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp tư nhân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên