Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đang trao đổi với các nhà đầu tư tại Diễn đàn M&A chiều 10-8 - Ảnh: NHƯ BÌNH |
Chia sẻ với các nhà đầu tư quốc tế tại Diễn đàn M&A 2017 chiều 10-8, do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM Việt Nam tổ chức, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề cập đến 3 đặc khu kinh tế được thành lập thời gian tới như là một mô hình thu hút đầu tư mới tạo cú hích tăng trưởng.
Theo ông Dũng, trong thời gian qua, nhiều bộ luật quan trọng mang tính đột phá đã được ban hành hoặc đang trong quá trình xây dựng, thông qua.
Trong số đó, Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ tạo khuôn khổ pháp lý để hình thành ba đơn vị hành chính, kinh tế tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) với những thể chế vượt trội, tiên tiến so với trong nước và cạnh tranh so với quốc tế.
Mục tiêu của luật mới là tạo cơ chế hình thành nên các khu vực tăng trưởng cao làm động lực và tạo sức lan tỏa góp phần vào sự phát triển của đất nước, tạo nên một sân chơi mới với các luật chơi mới thông thoáng, để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thỏa sức sáng tạo, thỏa sức phát triển.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là về quản lý chính quyền, các đặc khu này chỉ có Ủy ban Hành chính mà không có Hội đồng nhân dân.
Chức năng của Hội đồng nhân liên quan đến lập pháp hay kiểm tra sẽ đơn vị cấp tỉnh đảm nhiệm.
Việc bỏ bớt một cấp này tạo ra cơ chế vượt trội về chính quyền, thu hút nhà đầu tư quốc tế, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương.
"Vận hành tối ưu các khu này cần phải bỏ đi những cấp không cần thiết và không phù hợp với các đặc khu kinh tế", ông Dũng nói.
Một vấn đề khác liên quan đến đặc khu kinh tế mà nhà đầu tư rất quan tâm là thời hạn giao đất.
Theo pháp luật hiện hành, nhà đầu tư được thuê đất trong thời gian 50 năm, một số trường hợp đặc biệt là 75 năm.
Tuy nhiên, để có sự cạnh tranh tương tự với những đặc khu kinh tế trên thế giới, hiện Bộ đã đề xuất với Quốc hội nâng thời gian lên 99 năm.
Đáng chú ý, cả ba đặc khu này được cho phép có chủ trương kinh doanh casino du lịch.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, ba khu này không chỉ được lập ra để cho kinh doanh casino mà là nơi phát triển nhiều ngành nghề khác nữa ngoài các ngành nghề chiến lược, dựa trên điều kiện địa lý với ưu tiên là mục tiên phát triển theo từng khu vực.
Ví dụ như Vân Phong là nơi phát triển cảng trung chuyển tốt nhất Việt Nam thì có thể phát triển logistics hay Vân Đồn phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục, sinh học…
Các ngành nghề có giá trị gia tăng cao sẽ được thiết kế tại các khu vực này và không xung đột với nhau, các ngành nghề được đầu tư đang rà soát và sớm công bố cho các nhà đầu tư biết.
"Quan điểm của Bộ là muốn thay đổi phải mạnh dạn, tất cả đề xuất này đang chờ Quốc hội quyết định nhưng cơ bản là tiệm cận với các mô hình quốc tế", ông Dũng khẳng định.
Theo Bộ trưởng Dũng, hiện nay Chính phủ đang hoàn thiện các chương trình hành động, ban hành, sửa đổi cơ chế, chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, xử lý nợ xấu...
Ông Dũng nói rằng Việt Nam nhận thấy thời kỳ phát triển dựa vào tiềm năng tĩnh, tức dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ… đã qua.
Trong khi đó, những động lực đổi mới từng tạo cú hích tăng trưởng tốt cho nền kinh tế Việt Nam cũng đã đến ngưỡng giới hạn, các cải cách cũng đã bão hòa.
Vì thế hiện nay phải thay đổi mô hình tăng trưởng và việc hình thành đặc khu kinh tế mới là một trong cách thức tạo đột phá mới trong thu hút đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận