15/07/2017 17:46 GMT+7

Tổ chức bộ máy đặc biệt để Phú Quốc là đặc khu kinh tế

KHOA NAM
KHOA NAM

TTO - Để khai thác hiệu quả thế mạnh của Phú Quốc, theo định hướng của trung ương thì từ năm 2017, mô hình phát triển mà chính quyền huyện đảo này hướng đến xây dựng là mô hình “đặc khu kinh tế”.

Phú Quốc đã được công nhận là đô thị loại II nhưng tổ chức bộ máy vẫn là chính quyền cấp huyện - Ảnh: Hoàng Trung
Phú Quốc đã được công nhận là đô thị loại II nhưng tổ chức bộ máy vẫn là chính quyền cấp huyện - Ảnh: HOÀNG TRUNG

Tại hội thảo khoa học “Đề xuất cơ chế, chính sách, mô hình tổ chức bộ máy nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh tạo bước phát triển đột phá, bền vững cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc”, các chuyên gia, nhà quản lý đã đề xuất nhiều nội dung quan trọng để hòn đảo này sớm trở thành 1 trong 3 đặc khu kinh tế - hành chính của cả nước.

Đô thị loại II nhưng tổ chức bộ máy như nông thôn

Ông Phạm Vũ Hồng - chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho rằng Phú Quốc đang vấp phải một bất cập, đó là quy mô của nền kinh tế và khối lượng công việc cần giải quyết tương đương với một tỉnh, nhưng tổ chức bộ máy vẫn là cơ quan cấp huyện.

Phú Quốc hiện là đô thị loại II nhưng mô hình tổ chức, bộ máy chính quyền vẫn là chính quyền nông thôn.

Không chỉ vậy, Phú Quốc là một hòn đảo có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng mới chỉ “đánh thức” mỗi lĩnh vực du lịch và cũng chưa thật sự bền vững…

Đây chính là những nguyên nhân khiến tỉnh Kiên Giang đã và đang nghiên cứu tìm một mô hình phát triển mới cho Phú Quốc để địa phương này phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Ông Phạm Vũ Hồng cho biết theo định hướng của trung ương, từ năm 2017, mô hình phát triển mà Phú Quốc đang hướng đến để xây dựng là mô hình “đặc khu kinh tế”.

“Thực tiễn phát triển Phú Quốc trong hơn 13 năm cho thấy với tiềm năng, lợi thế của mình nếu có định hướng đúng và cơ chế, chính sách phù hợp sẽ là đòn bẩy giúp Phú Quốc phát triển nhanh và tăng tốc chỉ trong một giai đoạn ngắn” - ông Hồng nói.

Ông Hồng cho biết thêm sau 10 năm nghiên cứu, xây dựng, bổ sung đến nay đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cho Phú Quốc đã cơ bản định hình.

Tuy nhiên, tỉnh Kiên Giang vẫn muốn được tham vấn thêm từ các nhà khoa học, học giả, nhà quản lý, giới trí thức, doanh nghiệp… để có thể hoạch định chiến lược phát triển phù hợp, dự báo những khó khăn trong quá trình xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cho Phú Quốc.

Chính quyền đặc khu được ban hành chính sách ưu đãi riêng

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đặc khu là thể chế kinh tế vượt trội, vượt bậc về đẳng cấp phát triển, không chỉ so sánh với các địa phương trong nước mà cả quốc tế.

Đặc tính vượt trội này là bản chất định sẵn của đặc khu kinh tế. Nó xuất phát từ vai trò chức năng và nguyên tắc tồn tại - phát triển của đặc khu kinh tế.

Vì lẽ đó, quyền lực độc lập của chính quyền đặc khu phải được xác định rõ, có cơ chế vận hành thông suốt và được đảm bảo bằng luật, không thể chỉ dừng lại ở khái niệm phân cấp.

Phải có phân quyền thực chất và phải có đủ quyền độc lập để chính quyền đặc khu kinh tế có thể đưa ra những khuyến khích đủ mạnh và những chế tài đủ nghiêm minh.

Mục tiêu là tạo động lực bứt phá mạnh nhưng vẫn đảm bảo không vượt quá “lằn ranh” của các nguyên tắc quốc gia tối thượng (chủ quyền, chế độ chính trị và định hướng phát triển cơ bản).

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam - cũng đề xuất cần tạo lập mô hình thể chế vượt trội cho đặc khu kinh tế Phú Quốc, tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của đặc khu kinh tế.

Thể chế cho đặc khu kinh tế Phú Quốc phải đảm bảo chính quyền đặc khu kinh tế Phú Quốc được phân quyền và ủy quyền ở mức độ cao, được phép xây dựng và thực thi một số quy định pháp lý phù hợp, thực thi một số thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành.

Cụ thể, chính quyền đặc khu kinh tế Phú Quốc phải có thẩm quyền ban hành chính sách ưu đãi về đất đai, nhà ở, ban hành chính sách đối với người lao động, chính sách giải phóng mặt bằng và chính sách cải cách hành chính…

Quan trọng nhất là nguồn nhân lực

Tại hội thảo, bên cạnh việc đề xuất cơ chế, chính sách đặc biệt thì vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm không kém là chất lượng nguồn nhân lực. Các đại biểu đều thống nhất đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để xây dựng Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế.

Trước hết, bộ máy chính quyền đặc khu phải có một đội ngũ đáp ứng tốt những đòi hỏi phát triển rất mới mẻ chưa từng có tiền lệ trước đây. Việc trao thêm quyền phải gắn với yêu cầu nâng cao năng lực cán bộ quản lý, nếu không sẽ có rất nhiều hệ lụy.

KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên