28/08/2021 12:22 GMT+7

Vắc xin là cứu cánh

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Người dân đang mong chờ vắc xin hơn lúc nào hết. Vắc xin chính là cứu cánh để đời sống được trở về bình thường.

Vắc xin là cứu cánh - Ảnh 1.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu liệu tiêm kết hợp các vắc xin COVID-19 có phải là giải pháp hiệu quả ngừa virus - Ảnh: Financial Times/reuters

Tuy nhiên thị trường thế giới lúc này khan hiếm vắc xin, nhiều lần Việt Nam bị hụt các lô vắc xin vì lúc này nơi nào cũng cần vắc xin, thậm chí phải "tranh" mua mới có. 

Vắc xin ít ỏi dẫn đến tiêm chủng nhỏ giọt, đến nay Việt Nam mới tiêm được khoảng 19 triệu mũi, trong đó có trên 2 triệu người tiêm đủ 2 mũi, số còn lại mới tiêm 1 mũi, con số vào loại thấp so với khu vực, kể cả so với quốc gia hàng xóm là Campuchia.

Muốn đẩy nhanh tiêm chủng, phải có vắc xin. Tháng 8 và 9, theo dự báo mới (đã tăng so với trước), Việt Nam sẽ nhận hơn 16 triệu liều vắc xin. 

Con số này cao hơn so với các tháng 3, 4, 5, 6 rất nhiều lần nhưng so với nhu cầu của Việt Nam thì như muối bỏ biển, bởi Việt Nam cần 15 triệu liều/tháng nếu thực hiện theo tiến độ Bộ Y tế và các ngành chức năng vạch ra (tiêm 170 triệu mũi đến tháng 6-2022 và đạt miễn dịch cộng đồng). 

Nếu muốn quay lại bình thường sớm hơn, chúng ta cần tiêm nhanh hơn cả tiến độ mục tiêu này.

Trong số trên 220 quốc gia, vùng lãnh thổ có ghi nhận ca bệnh COVID-19, Việt Nam là 1 trong hơn 40 quốc gia được coi là "có nền công nghiệp sản xuất vắc xin". 

Từ những năm 1960, các nhà khoa học Việt Nam khi ấy đã nghiên cứu sản xuất vắc xin tả, sau này là vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản, ngừa tiêu chảy do Rota virus, ngừa sởi - quai bị và rubella...

Lần này, các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu vắc xin ngừa COVID-19. Theo cách truyền thống, quy trình phát triển một vắc xin cần 5 - 10 năm. Với vắc xin COVID-19, do nhu cầu trong đại dịch, thời gian phát triển một vắc xin đã rút xuống còn 1,5 năm. 

Một chuyên gia nghiên cứu vắc xin chia sẻ với Tuổi Trẻ đầu năm 2020, khi bắt tay nghiên cứu phát triển vắc xin, rằng lần này họ muốn xây dựng một quy trình để làm vắc xin trong tương lai. 

Ít ai ngờ cuối cùng Việt Nam đã tham gia được cuộc chơi, với 2 vắc xin nội địa đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và 3, 1 trong số đó đang chờ để có thể được cấp phép khẩn cấp.

Nếu có vắc xin, chúng ta có thể quay lại cuộc sống bình thường, trẻ em được đến trường, công sở làm việc trở lại, nền kinh tế lại vận hành theo cách bình thường. Niềm hy vọng vắc xin Việt lại càng cháy bỏng, bởi nhu cầu ấy lúc này cần hơn bất kỳ lúc nào. Và một nhu cầu cao hơn nữa là nhu cầu bảo vệ sức khỏe cho mọi người, mọi nhà.

Bộ Y tế đã làm vai trò bà đỡ cho vắc xin nội, giờ đây họ đang giữ vai trò cầm cân nảy mực. Lúc này là lúc chờ đợi và hy vọng để vắc xin nội được cấp phép, để Việt Nam sớm trở lại trạng thái bình thường mới.

Chính phủ yêu cầu xem xét cho một doanh nghiệp nhập 15 triệu liều vắc xin Pfizer Chính phủ yêu cầu xem xét cho một doanh nghiệp nhập 15 triệu liều vắc xin Pfizer

TTO - Ngày 25-8, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Y tế xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng Donacoop nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 của Hãng Pfizer.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên