30/10/2014 10:56 GMT+7

Ưu tiên đối ngoại của Thủ tướng Ấn Độ Modi

DANH ÐỨC
DANH ÐỨC

TT - Có thể thấy trước một Trung Quốc mạnh bạo hơn, sự “chọn lọc” quan hệ chiến lược của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không khó hiểu: ưu tiên “láng giềng Nam Á”, quan hệ với Nhật...

Thủ tướng Narendra Modi nói chuyện với binh sĩ Ấn Độ tại căn cứ Siachen hôm 23-10. Ấn Độ vừa phê chuẩn việc tuyển thêm 12.000 quân nhân vào lực lượng cảnh sát biên giới để bảo vệ vùng biên với Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Chủ nhật (26-10) vừa qua là đúng năm tháng cựu thủ hiến bang Gujarat Narendra Modi trở thành thủ tướng thứ 15 của nước đông dân thứ nhì thế giới.

Năm tháng chưa đủ để ghi nhận những đổi thay đối nội, song đủ để thấy ông Modi đã “đánh cờ” đối ngoại như thế nào.

Bắt đầu ngay từ chính lễ nhậm chức, ông cho mời toàn thể lãnh đạo các nước trong khối SAARC (Hợp tác Nam Á) từ Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Maldives, Nepal, Pakistan đến Sri Lanka - điều chưa có tiền lệ ở 14 trào thủ tướng trước. Hành động này được hiểu là để giải tỏa những e ngại rằng cánh diều hâu đang nổi lên ở New Delhi.

Sáng kiến dẫn đến kết quả bất ngờ: Thủ tướng Nawaz Sharif của Pakistan nhận lời và ở lại để cùng gặp riêng ngày hôm sau. Ðây là lần đầu tiên kể từ năm 1947, một lãnh đạo nước này sang dự lễ nhậm chức lãnh đạo nước kia.

Tất nhiên, không cứ họp “thượng đỉnh” là xong mọi việc, song ít nhất cũng là một khởi đầu để còn gặp nữa. Bởi lẽ hai bên đâu đã thôi “cấu xé” nhau: đầu tháng 10 này, binh sĩ hai bên đã nổ súng ở Kashmir khiến 19 người chết. Không chỉ gặp ông Sharif, ông Modi còn gặp các lãnh đạo Nam Á khác khiến báo chí gọi đây là một thượng đỉnh SAARC thu nhỏ.

Chỉ sau hai chuyến công du đến Bhutan và Nepal nhằm thể hiện chính sách “láng giềng Nam Á” ưu tiên, ông Modi mới công du xa hơn, bắt đầu là thăm Nhật vào cuối tháng 8, và chỉ một tháng sau nữa ông Modi mới thăm Mỹ.

Giữa hai chuyến đi đó của ông Modi là chuyến thăm Ấn Ðộ của ông Tập Cận Bình giữa tháng 9. Tại sao lại chờ đến một tháng ông Modi mới đi Mỹ và chỉ sau khi ông Tập thăm Ấn Ðộ?

Phân tích sau của tiến sĩ Subhash Kapila thuộc SAAG - một tổ chức nghiên cứu chiến lược Nam Á - có thể giải thích phần nào:

(1) Nhật Bản, Ấn Ðộ và Trung Quốc hình thành nhóm “tam hùng” của châu Á mà tương lai an ninh châu Á sẽ xoay trên đó. Trung Quốc đã tự loại mình ra khỏi đó do những thôi thúc bá quyền của mình, để lại Nhật Bản và Ấn Ðộ như là hai cột trụ của an ninh châu Á.

(2) Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, hai nước Nhật - Ấn đã ra sức tăng cường chất lượng quan hệ này.

(3) Trung Quốc không phải không thấy điều đó, nên ra sức cản trở.

(4) Trong khi đó Mỹ theo đuổi chính sách nước đôi, vừa xoa dịu Trung Quốc vừa đồng thời vận động cho một liên minh quân sự Nhật - Mỹ - Ấn.

Có thể hiểu vì sao ông Tập đã chủ động sang thăm ông Modi vào giữa tháng 9 cùng 20 tỉ USD hứa hẹn đầu tư và với 16 bản ghi nhớ được ký. Song không vì thế mà ông Modi lại không ngần ngại kể lại với báo chí Ấn, ngay trước mặt ông Tập trong cuộc họp báo chung hôm 18-9:

“Tôi đã nêu các mối quan ngại nghiêm túc của chúng ta về những sự cố lặp đi lặp lại dọc biên giới... Tôi cũng đã đề nghị làm rõ đường ranh kiểm soát (tức biên giới ở Himalaya) và yêu cầu Chủ tịch Tập nối lại tiến trình đã bị gián đoạn này”.

Tại sao ông Modi lại thản nhiên phát biểu như thế trước mặt ông Tập? Ðơn giản vì ông thừa hiểu rằng Ấn Ðộ không phải là nước duy nhất chung biên giới với Trung Quốc, suốt những 2.659km biên giới, và rằng Trung Quốc chẳng yêu hay ghét nước nào hơn nước nào cả!

Ðiều này, đương kim Tổng thống Philippines Benigno Aquino Jr. cũng hiểu khi phải là “láng giềng trên biển” của Trung Quốc và khi thừa kế sự nghiệp của các tổng thống tiền nhiệm Estrada và Arroyo vốn đã rất hữu hảo với Trung Quốc, mở cửa cho Trung Quốc đầu tư vào nông nghiệp đến hơn 4,9 tỉ USD, trong đó nổi bật nhất là Tập đoàn Fuhua ở tỉnh Palawan.

Thế còn Ấn Ðộ hành xử thế nào ở Ðông Nam Á?

Từ tháng 5 tới giờ, nữ Bộ trưởng ngoại giao Sushma Swaraj đã thăm Myanmar, Singapore và Việt Nam, Tổng thống Ấn Ðộ Pranab Mukherjee cũng đã thăm Việt Nam vào giữa tháng 9 vừa qua. Bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng Singapore lần lượt sang Ấn Ðộ...

Tháng 11 tới, Thủ tướng Modi sẽ chính thức xuất hiện ở Myanmar nhân Thượng đỉnh Ðông Á.

Có thể thấy trước một Trung Quốc mạnh bạo hơn, sự “chọn lọc” quan hệ chiến lược của ông Modi không khó hiểu.

DANH ÐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên