30/10/2018 09:39 GMT+7

Uốn tre từ lúc còn non

MINH LUẬN
MINH LUẬN

TTO - Dạy trẻ cũng tựa như uốn tre, phải uốn từ lúc tre còn non. Nói cách khác, phải làm sao ngăn chặn cái xấu từ xa, trước khi nó có cơ hội nảy nòi.

Những năm gần đây, tình trạng tội phạm ngày càng trẻ gia tăng ở mức báo động và thực sự là một bài toán hóc búa đặt ra cho toàn xã hội. Chỉ trong vài ngày qua, đã xảy ra hai vụ án mạng chết người mà nghi phạm chỉ là những "cậu nhóc" ở tuổi vị thành niên.

Đầu tiên là vụ sát hại tài xế Grab Lê Nhật Hào (20 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận), sinh viên năm 3 Trường ĐH GTVT (cơ sở TP.HCM). Người ta không khỏi giật mình khi nghi phạm bị bắt chỉ là một cậu bé mới 15 tuổi. Và cũng ít ai ngờ một cậu bé ở tuổi đó lại dám một mình lạnh lùng ra tay giết người để cướp tài sản.

Vụ việc chưa lắng xuống thì ít ngày sau, một vụ cướp giật tài sản khác làm một người chết, một người bị thương cũng nghi do một cậu bé mới 15 tuổi gây ra. Thông tin từ công an cho thấy một trong hai người gây ra vụ án mạng trên là Trần Thanh Tín (15 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh).

Chỉ cần vào trang tìm kiếm trên mạng, chúng ta có thể tìm thấy hàng loạt vụ án mạng khác mà hung thủ chỉ là những cậu nhóc "ăn chưa no, lo chưa tới". Có những vụ mà hành vi gây án khó tin đến mức mới nghe qua, người ta nghĩ phải có một mối hận thù ghê gớm nào đó thì hung thủ "nhí" mới ra tay tàn độc như vậy.

Tội phạm trẻ nói lên điều gì? Phải chăng nó đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng một bộ phận người trẻ đang có lối sống thực dụng, tôn sùng chủ nghĩa vật chất, có tư tưởng coi thường pháp luật, coi rẻ mạng sống của người khác.

Cho nên khi có nhu cầu về vật chất, họ sẵn sàng tước đoạt mạng sống người khác chỉ để thỏa mãn sở thích cá nhân, bất chấp hậu quả.

Soát xét lại sẽ thấy có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên: xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, giáo dục của nhà trường, môi trường sống đến chính bản thân người phạm tội.

Đặc biệt, tâm lý của các em ở tuổi vị thành niên cũng là một nguyên nhân quan trọng, bởi ở độ tuổi này các em còn non nớt về nhận thức nên dễ bị tác động, lôi kéo. Do đó, khi không được gia đình, nhà trường quan tâm giáo dục, dạy dỗ sẽ dẫn tới sa ngã và lầm lỗi.

Tình trạng tội phạm ngày một trẻ, phức tạp đang gia tăng ở mức báo động cùng tính chất hung bạo của nó đang thực sự là một hồi chuông báo động cho toàn xã hội.

Để giải bài toán hóc búa này thì gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần phải làm nhiều hơn nữa để giáo dục thế hệ trẻ có đạo đức, có lý tưởng sống, giúp họ có thể đứng vững trước mọi thách thức và sóng gió trong cuộc đời.

Bên cạnh đó, vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng rất quan trọng trong việc tăng cường đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.

Dạy trẻ cũng tựa như uốn tre, phải uốn từ lúc tre còn non. Nói cách khác, phải làm sao ngăn chặn cái xấu từ xa, trước khi nó có cơ hội nảy nòi. Phải làm sao để các em sống có lý tưởng, bắt đầu từ những điều bình dị nhất trong cuộc sống này.

Chạy Grab: cảnh giác đêm khuya, đường vắng, khách đáng ngờ Chạy Grab: cảnh giác đêm khuya, đường vắng, khách đáng ngờ

TTO - Hiện nay, chạy Grab là công việc mà nhiều sinh viên và những người có hoàn cảnh khó khăn chọn làm thêm. Tuy nhiên, thời gian gần đây tài xế Grab gặp nhiều nguy hiểm khiến mọi người lo lắng...

MINH LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên