Phóng to |
Nguyễn Trọng Ý làm công ở quán bánh xèo - Ảnh Đ.Vịnh |
Điển hình là hai kỹ sư tương lai Nguyễn Trọng Ý - Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM và Hồ Minh Hiền - ĐH Bách khoa TP.HCM.
Từ quán bánh xèo
"Tôi chọn ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông vì nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này lớn và cũng muốn góp phần vào công cuộc xây dựng phát triển quê nhà" Nguyễn Trọng Ý |
Gia đình Trọng Ý vốn nghèo khó, sống với nghề làm thuê ở khóm Mỹ Tây, P. Mỹ Phú, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp). Cha bị tai biến mất đột ngột khi Trọng Ý mới chào đời, còn người chị đang chập chững biết đi. Gánh nặng chất chồng trên vai người mẹ vốn yếu đuối. Bao năm tần tảo nuôi hai con ăn học, túng trước hụt sau và sau cú sốc đau thương ngay sau kỳ sinh nở đó khiến bà bị chứng tâm thần phân liệt, biểu hiện bất thường, đập phá nhà cửa...
Người mẹ bệnh nặng khiến gia cảnh khốn quẫn. Chị của Ý phải bỏ học đi làm kiếm tiền lo cho mẹ, cho em, Ý ngoài buổi học còn phụ bán ở quán bánh xèo của người bà con. Ý làm đủ việc từ bưng bê, chạy bàn, rửa chén đĩa cho tới chẻ củi... “Những dịp quán đắt hàng, chị của Ý cũng ra phụ tiếp. Thấy hai đứa đều đáng thương, rất chịu khó nên chúng tôi thường tạo điều kiện, giúp đỡ hai cháu”, bà Đinh Thanh Phương, chủ quán, cho hay.
Trọng Ý luôn tận dụng thời gian rảnh để tự học, ôn bài vở. Các năm học đều đạt loại giỏi, ba năm cuối phổ thông Ý còn nhận được học bổng học sinh nghèo vượt khó. Hỏi sao không thi vào ĐH Đồng Tháp để học cho gần nhà, cậu bảo mình yêu thích và có năng khiếu về kỹ thuật, phần thấy cơ sở hạ tầng đường sá ở ĐBSCL còn hạn chế, cần xây dựng mới và sửa chữa rất nhiều, trong khi cả vùng chưa có trường chuyên ngành. “Tôi chọn ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông vì nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này lớn và cũng muốn góp phần vào công cuộc xây dựng phát triển quê nhà”, Ý chia sẻ.
Phóng to |
Hồ Minh Hiền ước mơ trở thành kỹ sư ngành kỹ thuật địa chất dầu khí - Ảnh Đ.Vịnh |
Cậu học trò chăn vịt
"Tôi nghĩ nếu quản lý khai thác tốt tài nguyên khoáng sản, nếu chế biến được nhiều sản phẩm có chất lượng, giá trị cao từ nông - thủy sản sẽ giúp bà con nông dân mình khá lên" Hồ Minh Hiền |
Nhà Hiền nằm sát ngoài cánh đồng cuối ấp Hòa Tây A thuộc xã vùng sâu Phú Thuận, huyện Thoại Sơn (An Giang). Gia đình quanh năm nuôi vịt chạy đồng và làm thuê, hai chị em Hiền vẫn thường cùng cha mẹ rong ruổi khắp các cánh đồng ở nhiều tỉnh ĐBSCL. Hồi nhỏ có những chuyến đi chăn vịt suốt mấy tháng trời, thầy cô nhiều lần tìm đến nhà động viên kêu ra lớp.
Dân miền Tây có câu “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, còn... muốn nghèo thì nuôi vịt”. Gia đình Hiền không đất phải đeo theo con vịt nên cứ mãi nghèo, bao năm cứ mãi sống trong căn chòi tre lá tạm bợ. Cách đây hai năm, nhờ địa phương cất cho căn nhà tình thương nên chị em Hiền mới có chỗ ngồi học bài không bị mưa dột. Những kỳ nghỉ hè Hiền vẫn thường đi thả vịt thay cha hoặc làm công việc đồng áng.
Ở vùng sâu thiếu điều kiện nhưng nhờ chăm chỉ, chịu khó tìm hiểu và được thầy cô thương tình hướng dẫn thêm nên Hiền học rất giỏi, luôn đạt học sinh giỏi và xuất sắc, đặc biệt năm lớp 12 chiếm liền ba giải nhì môn hóa cấp tỉnh. Còn thi vào ĐH Bách khoa đạt 25,75 điểm.
Nói về ước mơ của mình, Hiền tâm sự mình lớn lên từ vùng đất lúa, từ nhỏ tới lớn thường đi chăn thả vịt khắp các tỉnh ĐBSCL, thấy người dân ở vùng nông thôn còn nghèo quá. Vì thế Hiền thi vào ngành địa chất dầu khí ĐH Bách khoa TP.HCM. “Tôi nghĩ nếu quản lý khai thác tốt tài nguyên khoáng sản, nếu chế biến được nhiều sản phẩm có chất lượng, giá trị cao từ nông - thủy sản sẽ giúp bà con nông dân mình khá lên” - Hiền tâm sự.
Hơn 1 tỉ đồng cho 203 tân sinh viên Lúc 20g tối nay 25-9-2013, tại trường quay S1 Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ diễn ra lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 203 tân sinh viên thuộc 12 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và Đồng Tháp) có hoàn cảnh khó khăn vừa trúng tuyển cao đẳng - đại học. Tổng kinh phí học bổng hơn 1 tỉ đồng (5 triệu đồng/suất) trích từ Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (do Công ty CP phân bón Bình Điền, Đài truyền hình VN, báo Tuổi Trẻ tổ chức) 965 triệu đồng và giáo sư Phan Lương Cầm - phu nhân cố thủ tướng Võ Văn Kiệt - tài trợ 10 học bổng trị giá 50 triệu đồng cho tân sinh viên quê nhà Vĩnh Long. Dịp này, Nokia VN và FPT Shop cũng trao tặng 20 điện thoại di động (gần 40 triệu đồng) cho 20 tân sinh viên đặc biệt khó khăn, có điểm trúng tuyển cao. Lễ trao học bổng được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV Cần Thơ1 và tiếp sóng trên tuoitre.vn. TỐ OANH |
Phóng to |
Số dép còn lại sau khi sạp bị cháy, Mộng Kha bán vớt vát kiếm tiền nhập trường - Ảnh: Thùy Trang |
Thư gửi ba ngày nhập trường
Trong những lá thư gửi về chương trình “Tiếp sức đến trường”, có một tâm sự rất xúc động. Tối nay, bạn được nhận một suất học bổng để đóng tiền nhập học.
Kính gửi ba!
Con là Trần Mộng Kha, một giấc mộng mà con luôn cầu trời được tỉnh giấc để con có được ba, có được cơm áo no đủ ngày hai bữa.
Ba ơi! Mẹ kể ngày ba bỏ đi khi con gần tròn 2 tuổi, trong túi mẹ không có đủ hai chục ngàn. Suốt bao đêm ngủ con đều gọi ba ơi, nghe tiếng chân ai con đều nhổm dậy tưởng là ba về. Rồi mẹ dẫn con đi khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn để vừa bán cá vừa tìm ba. Hễ gặp chỗ trọ nào, hai mẹ con cũng hi vọng sẽ được gặp ba.
Năm tháng qua đi, con lớn hơn một chút, biết bưng mâm cá phụ mẹ đi bán, nhưng vẫn không có tin về ba. Tiền học, tiền ăn, tiền nhà trọ vây lấy hai mẹ con. Mẹ bấn lên tìm mọi cách để có tiền, hai mẹ con đi bán xa hơn rồi bị người ta tranh giành chỗ bán, mẹ bị đánh nhưng trúng vào đầu con. Từ đó mắt con bị mờ, con không dám nói, sợ mẹ lo thêm, giờ con đã đeo cặp kính cận gần 7 độ rồi. Nhiều lúc thấy mấy bạn trạc tuổi con có ba đưa đón đi học con cũng chạnh lòng, nhưng thấy mẹ cực nhọc quá con không dám đòi hỏi gì thêm nữa.
Hai mẹ con dắt díu nhau về quê ở thị trấn Ngã Sáu (Hậu Giang), thuê một cái sạp bán dép. Mẹ với con ở luôn trong sạp vì không có nhà, mà cũng không có tiền thuê nhà trọ để ở. Dường như trời muốn tiệt đường phấn đấu của hai mẹ con khi mà gần tới kỳ thi tốt nghiệp thì sạp bị cháy rụi, bao nhiêu vốn liếng cũng bị thiêu sạch. Tập vở ôn thi với bao kỳ vọng và ước mơ thi cử của con bị thiêu luôn. Không còn sức để than để khóc, mẹ tất bật lấy tấm nilông che sạp lại, con thì cố vớt vát lại mớ dép coi còn cái nào bán được... Khổ nhất là mỗi lần trời mưa, nước ứ đùn nặng tấm nilông lại đổ ập xuống.
Dù vậy, quyết tâm thi vào đại học cứ cháy bỏng trong con. Con đã thi đậu Đại học Nông lâm với số điểm 20,5. Sở dĩ con phải lên Sài Gòn vì trên đó có dì, con sẽ ở nhờ nhà trọ và đi bán cá phụ dì. Con tin là mình có thể cố gắng vượt qua bốn năm đại học, hơn hết là con có thể gặp lại ba.
Ba ơi! Đã đến ngày nhập học rồi mà con vẫn chưa có đủ học phí. Lúc con đi thi đại học mẹ đã vay nóng hơn 1 triệu đồng, đến giờ cũng chưa trả được, tiền lời thì ngày càng cao thêm... Mấy ngày nay mẹ cật lực đi làm thuê từ sáng đến tối, con thì cố bán hết số dép thừa để kiếm thêm tiền. Đêm khuya, con biết mẹ vẫn thường úp mặt vào gối để ho không thành tiếng, con nằm im cũng không dám trở mình... Những lúc như vậy ước gì con có ba bên cạnh động viên an ủi mẹ con con. Ước gì qua một giấc mộng dài tỉnh dậy con được gặp ba, vai mẹ bớt oằn gánh nặng cơm áo, gạo tiền hơn và đường vào đại học của con cũng bớt gập ghềnh hơn.
Con gái luôn mong gặp ba!
Mộng Kha
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận