
Yêu cầu nâng cao giá trị gia tăng năng suất lao động cho các ngành xuất khẩu như dệt may đặt ra cấp thiết hơn, khi Mỹ áp thuế đối ứng - Ảnh: Q.NAM
Tại Talkshow “Thuế quan, rào cản thương mại: Hành động của doanh nghiệp” do báo Người Lao Động tổ chức ngày 11-4, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị nhiều kịch bản trong trường hợp khác nhau về thuế quan Mỹ, đặc biệt trong tình cảnh thị trường không ổn định trong “ngày một ngày hai”.
Kiểm soát xuất xứ, củng cố chuỗi cung ứng nội địa
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM - cho hay một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt rơi vào “tầm ngắm” là nghi vấn trở thành điểm trung chuyển hàng từ nước thứ 3 để né thuế. Để ứng phó, ông Huân cho rằng việc minh bạch hóa xuất xứ và quản lý chuỗi cung ứng là yêu cầu bắt buộc.
Ông Nguyễn Chánh Phương - phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) - cho rằng việc bổ sung những yêu cầu về thuế sẽ là vấn đề pháp lý mà nhiều doanh nghiệp phải quan tâm trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, ông Phương cho rằng việc củng cố chuỗi cung ứng nội địa, từ nguyên vật liệu, sản xuất đến logistics, sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trước những thay đổi từ bên ngoài. Việc phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài đang khiến nhiều ngành sản xuất trong nước đối mặt rủi ro cao khi các chính sách thương mại bị siết chặt.
Thay vì chỉ cắt giảm chi phí để tồn tại, các doanh nghiệp cần chuyển hướng sang đầu tư vào đổi mới và sáng tạo - tạo ra những dòng sản phẩm có giá trị riêng, khó bị thay thế và ít chịu tác động từ các biện pháp thuế quan.
Bà Trần Hoàng Phú Xuân - phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may TP.HCM đồng thời là tổng giám đốc Faslink - cho rằng những sản phẩm khác biệt, có tính sáng tạo và hàm lượng giá trị cao. Đó là “hành lang riêng” để doanh nghiệp Việt tồn tại và phát triển bền vững ngay cả khi bị đánh thuế.
“Những hành lang này được xây dựng từ sự kết hợp giữa nghiên cứu phát triển (R&D), thiết kế bản quyền, ứng dụng công nghệ và hợp tác sâu hơn với khối doanh nghiệp FDI”, bà Xuân nói.
Tăng nội địa hóa để nâng cấp vị thế trong chuỗi giá trị trước thách thức thuế quan Mỹ
Theo các chuyên gia, thách thức thuế quan cũng phơi bày một thực tế đáng lo ngại là giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất của Việt Nam vẫn còn rất thấp. Hầu hết doanh nghiệp Việt chỉ đảm nhận khâu gia công, dễ bị thay thế, dễ bị tổn thương và ít có khả năng thương lượng.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân phân tích Việt Nam xuất siêu sang Mỹ, nhưng giá trị gia tăng chủ yếu nằm ngoài lãnh thổ. Nếu không tăng tỉ lệ nội địa hóa và làm chủ chuỗi giá trị, doanh nghiệp Việt sẽ luôn bị động khi chính sách thế giới thay đổi.
Đồng quan điểm, bà Trần Hoàng Phú Xuân cũng nhận định Việt Nam có lợi thế thị trường nội địa nhưng nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng tối đa lợi thế này. Bên cạnh đó, bà Xuân bổ sung thêm các doanh nghiệp có thể trao đổi và học hỏi từ các doanh nghiệp FDI để gia tăng thêm giá trị của mình trong chuỗi cung ứng.
Đây là bước đi dài hơi, nhưng bắt buộc nếu muốn vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cũng trong khuôn khổ buổi trao đổi, các diễn giả cũng nhận định việc Mỹ áp thuế lên hầu hết các quốc gia đối tác đều có những cơ hội để Việt Nam tận dụng, tìm “cơ” trong “nguy”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận