19/04/2014 07:21 GMT+7

Ukraine: thống nhất hạ nhiệt

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Tại cuộc họp bốn bên ngày 17-4 (rạng sáng 18-4, giờ VN), các lãnh đạo ngoại giao Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine đã đưa ra các bước nhằm nhanh chóng hạ nhiệt bạo lực và bất ổn chính trị ở Ukraine.

Khai mạc hội nghị 4 bên về UkraineĐọ súng tại đông Ukraine, ba tay súng li khai thiệt mạngNguy cơ nội chiến ở Ukraine

dh7fPUUL.jpgPhóng to
Những người vũ trang thân Nga di chuyển trên xe bọc thép ở TP Slaviansk ngày 18-4 - Ảnh: Reuters

Đột phá, được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mô tả là “một sự nhượng bộ”, đạt được sau bảy giờ đàm phán giữa ông với người đồng cấp Mỹ John Kerry, Andriy Deshchytsia của Ukraine và lãnh đạo ngoại giao EU Catherine Ashton.

Theo thỏa thuận, các bên liên quan thống nhất các bước “vững chắc và có thể triển khai ngay” nhằm xoa dịu căng thẳng và khôi phục an ninh tại Ukraine. Không có thời hạn nào đặt ra cho việc triển khai các bước trên nhưng phía Ukraine cho biết sẽ bắt đầu trong vài ngày tới.

Tránh bạo lực và khiêu khích

Thỏa thuận đưa ra ngay sau những câu trả lời cứng rắn của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi phỏng vấn trực tuyến trên truyền hình Nga. Trong đó ông để ngỏ mọi khả năng can thiệp quân sự vào Ukraine dù khẳng định không muốn sử dụng quyền này.

Thỏa thuận khẳng định tất cả các bên cần tránh các hành động bạo lực và khiêu khích, theo Bộ Ngoại giao Nga. Tất cả các nhóm vũ trang bất hợp pháp phải bị giải giáp và các tòa nhà, đường phố và các địa điểm công cộng tại Ukraine bị chiếm đóng trái phép phải được giải phóng. Đổi lại, những người biểu tình chiếm các địa điểm trên sẽ được ân xá, trừ những người phạm tội nghiêm trọng. Các bên cũng nhất trí ủng hộ và sẽ cử quan sát viên tham gia nhóm giám sát đặc biệt của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu tại Ukraine và hỗ trợ bổ sung để Kiev ổn định kinh tế.

Thỏa thuận cũng nhấn mạnh vấn đề cải cách hiến pháp của Ukraine. Tiến trình phải toàn diện, minh bạch và có tính trách nhiệm. Trong đó phải nhanh chóng tổ chức đối thoại dân tộc rộng rãi tại tất cả vùng miền, cho phép đóng góp ý kiến và đề xuất sửa đổi của người dân về cải cách. Ngoại trưởng Nga cho biết việc cải cách hiến pháp phải diễn ra ở Ukraine dù trong viễn cảnh nào. “Thỏa thuận chủ yếu dựa trên những sự nhượng bộ, nhưng quan điểm của Nga là các bên phải chấp nhận một thực tế rằng cuộc khủng hoảng này phải được giải quyết bởi chính người dân Ukraine”.

Liên Hiệp Quốc và nhiều nước phương Tây đồng loạt hoan nghênh “bước ngoặt” đầy bất ngờ ngày 17-4. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon kêu gọi các bên nghiêm túc theo đuổi giải pháp hòa bình cho Kiev.

Miền đông vẫn chưa yên

Tuy nhiên thỏa thuận hầu như không thay đổi gì tình hình ở miền đông Ukraine. Những người thân Nga chiếm đóng các tòa nhà chính phủ như ở Donetsk quyết không từ bỏ cho đến khi có được cuộc trưng cầu ý dân về việc tách khỏi Ukraine. “Chúng tôi không quan tâm những gì diễn ra ở Geneva, chúng tôi chỉ quan tâm chuyện đang xảy ra ở Donbass (khu vực xung quanh Donetsk). Chúng tôi sẽ ở đây cho đến khi có trưng cầu ý dân” - một người tên Sergei Hadjikov nói.

Ngược lại, chính quyền Kiev cũng tuyên bố chưa có ý định rút quân được triển khai trong chiến dịch chống khủng bố khỏi miền đông và chiến dịch chống khủng bố sẽ vẫn tiếp tục. Sự có mặt của binh sĩ không có nghĩa là họ phải hành động, có thể không cần sử dụng tới quân đội nếu như tình hình được hạ nhiệt, quyền Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsia giải thích.

Việc thực hiện thỏa thuận sẽ rất khó khăn bởi sự mất niềm tin giữa các nhóm thân Nga và chính quyền Kiev, Reuters nhận định. Trong khi đó, phóng viên người Nga Vladimir Fedorin “e là thỏa thuận chỉ là một mẩu giấy chết”.

Bên ngoài hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama tỏ rõ sự hoài nghi về việc Nga tham gia hạ nhiệt Ukraine và cho biết thỏa thuận chỉ là bước đầu tiên. “Tôi hi vọng chúng ta có thể thấy sự tuân thủ trong vài ngày tới, nhưng với những gì đã diễn ra tôi không nghĩ chúng ta có thể tin vào điều đó - Washington Post dẫn phát biểu của ông Obama tại Nhà Trắng ngày 17-4 - Chúng ta phải sẵn sàng cho khả năng đối phó với nỗ lực can thiệp của Nga vào miền đông và nam Ukraine”.

Mỹ và phương Tây vẫn dọa trừng phạt

Giới quan sát phương Tây và Ukraine cho rằng Matxcơva ký vào thỏa thuận nhằm tránh các biện pháp trừng phạt kinh tế. “Tôi có thể hiểu tại sao Nga làm vậy, bởi họ nhận thấy các biện pháp trừng phạt chuẩn bị tung ra - nhà khoa học chính trị Andreas Umland ở Kiev nói - Nhưng tôi vẫn hoài nghi, tôi không nghĩ chuyện đã kết thúc”. Trước đó, ngoại trưởng Mỹ tuyên bố Washington đã chuẩn bị kế hoạch trừng phạt Matxcơva vào cuối tuần này.

Trong cuộc điện đàm cùng ngày với Thủ tướng Anh David Cameron, ông Obama cũng nhất trí sẽ phối hợp với London để xem xét việc tăng cường trừng phạt Nga trong trường hợp thỏa thuận Geneva về Ukraine không được thi hành.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên