18/04/2014 08:30 GMT+7

Khai mạc hội nghị 4 bên về Ukraine

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Hội nghị bốn bên về tình hình tại Ukraine đã chính thức khai mạc hôm qua tại Geneva, giữa lúc sức ép ngày càng tăng lên với Nga đòi hỏi nước này giảm can thiệp vào tình hình Kiev.

Nga bác cáo buộc đưa quân vào đông UkraineĐọ súng tại đông Ukraine, ba tay súng li khai thiệt mạng

gyHDf1Zc.jpg
Ngoại trưởng và thứ trưởng ngoại giao Nga (thứ nhất và hai từ phải qua) tại hội nghị bốn bên ở Geneva - Ảnh: Reuters

Tại Geneva (Thụy Sĩ), đây là lần đầu tiên Ukraine được tham dự cuộc họp với các nước lớn gồm Mỹ, EU và Nga. Kremlin vẫn không công nhận tính hợp pháp của chính quyền Kiev hiện tại nên tất cả cuộc đàm phán giữa các nước lớn trước đó đều thiếu vắng Ukraine.

Khó đạt kết quả

Kiev trong khi đó đang cố xoa dịu tình hình với Nga, hi vọng có thể giảm căng thẳng ở khu vực miền đông. Tuy vậy, đại diện của Kiev vẫn tuyên bố dù chấp thuận bàn thảo về tăng thêm quyền cho chính quyền địa phương, nhưng việc thành lập thể chế liên bang - như Nga yêu cầu - sẽ không được bàn thảo.

“Chúng tôi có hi vọng để giảm căng thẳng bằng các biện pháp ngoại giao - AP trích lời Ngoại trưởng Ukraine Andrii Deshchytsia nói với các phóng viên trước cuộc hội đàm - Chúng tôi đang rất nỗ lực”. Nhưng giới phân tích cho rằng chưa nên kỳ vọng vào bất cứ đột phá nào tại hội đàm lần này khi khoảng cách giữa các bên vẫn còn xa.

Tại Brussels, tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã tuyên bố NATO sẽ tăng thêm sự hiện diện ở Đông Âu, trong đó bao gồm cả tăng thêm các chuyến bay qua biển Baltic ở phía tây của Ukraine và phía đông của Địa Trung Hải.

Cùng lúc, phía Mỹ đang cân nhắc viện trợ cho chính quyền Kiev, trong đó có thể bao gồm áo giáp và một số trang thiết bị. Nhưng quan chức Mỹ cũng thừa nhận họ không có kế hoạch viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine: thứ nhất vì không có cách vận chuyển vũ khí nhanh nào có thể thay đổi cục diện chiến trường; thứ hai, chính quyền Mỹ không có ý định tham gia một cuộc chiến. Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cũng sẽ đến Ukraine trong tuần tới để thể hiện sự ủng hộ với chính quyền Kiev.

Tổng thống Nga: “Không muốn đưa quân đội vào đông Ukraine”

Phía Mỹ đến giờ vẫn tuyên bố ủng hộ quyền của Kiev trấn áp những người đòi ly khai. Washington cũng chỉ trích chính quyền Nga về việc tổ chức, kích động các nhóm đòi ly khai nổi loạn ở khu vực miền đông Ukraine - điều cho đến giờ Nga vẫn phủ nhận.

Phát biểu trong buổi trả lời trực tuyến với công chúng Nga hôm qua, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng những cáo buộc lực lượng Nga ở miền đông Ukraine là “vô lý”, đồng thời nhấn mạnh chỉ có những người dân địa phương tham gia các hoạt động ở khu vực này. Theo Reuters, ông Putin cũng cho rằng giới chức Ukraine đang đẩy đất nước này xuống “vực thẳm.”

Tổng thống Nga cũng khẳng định Matxcơva chưa bao giờ lên kế hoạch sáp nhập Crimea, mà đó “chính là sự đáp trả với việc NATO mở rộng sang phía đông, về phía biên giới của Nga”. Ông đồng thời khẳng định mối đe dọa đối với cộng đồng nói tiếng Nga là “hết sức rõ rệt”.

Tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cả phương Tây và Nga đã đụng độ dữ dội liên quan tới báo cáo về nhân quyền ở Ukraine.

Cả Mỹ, Anh và Pháp cùng kêu gọi Matxcơva nên chấm dứt can thiệp vào tình hình miền đông ở Ukraine, sau khi báo cáo khẳng định không có tình trạng đàn áp người gốc Nga tại miền đông - lý do mà Kremlin đang chỉ trích chính quyền Kiev. Đại sứ của Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin chỉ trích bản báo cáo là “thiên vị” và “không phản ánh đúng tình trạng” ở Ukraine.

Chiến dịch chống “khủng bố” đang thất bại

David Stern của BBC bình luận chiến dịch chống khủng bố của Ukraine đang giống “một thất bại”. Quan chức Kiev đã thừa nhận họ không thể chậm trễ trong việc đối phó với những kẻ ly khai nhưng rõ ràng quyết định triển khai quân đội đang bị phản tác dụng.

“Quân lính không biết làm gì và rõ ràng không hài lòng khi buộc phải triển khai chống lại người dân” - Stern bình luận. Theo ông, chính quyền mới chịu sức ép “không chỉ từ Kremlin và lực lượng thân Nga”, mà còn chính từ những người ủng hộ họ đang “tức giận vì chính phủ không kiểm soát được làn sóng ly khai”.

Cùng lúc, căng thẳng cũng leo thang sau vụ đụng độ đổ máu tại một doanh trại của lực lượng vệ binh ở thành phố Mariupol sau khi 300 tay súng tấn công vào đây trong đêm. “Theo thông tin ban đầu, ba kẻ tấn công bị tiêu diệt, 13 người bị thương và 63 kẻ bị bắt” - ông Arsen Avakov, bộ trưởng nội vụ Ukraine, viết trên Facebook sáng qua. Ông nói các tay súng tấn công doanh trại bằng súng và bom xăng.

Lúc này, bản thân chính quyền Kiev đang chịu sức ép rất lớn khi lộ rõ những yếu kém về quân sự một ngày sau khi đoàn xe bọc thép tiến vào thị trấn Sloviansk bị những người vũ trang tịch thu mà không cần nổ một phát súng. Toàn bộ đoàn quân 21 xe bọc thép của Ukraine hoặc đầu hàng hoặc rút lui ngay khi đụng độ với những người vũ trang ở đây.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên