Trong thông báo ngày 15-1, tư lệnh quân đội Ukraine Valeriy Zaluzhnyi thông báo đã tiêu diệt một máy bay phát hiện radar tầm xa A-50 và một trung tâm điều khiển trên không IL-22 của Nga ở khu vực biển Azov.
Bộ Quốc phòng Ukraine ước tính máy bay A-50 có trị giá lên đến 330 triệu USD. A-50 được đưa vào sử dụng gần cuối thời kỳ Xô viết và là máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không cỡ lớn. Nó có thể quét và phát hiện máy bay, tàu và tên lửa của đối phương trong một khu vực rộng vài trăm km.
Ông Yury Mysiahin, một thành viên Ủy ban quốc phòng của Quốc hội Ukraine, đã cho biết vụ việc xảy ra vào khuya ngày 14-1 (giờ địa phương) khi chiếc A-50 và chiếc IL-22 đang bay trên biển Azov.
"Chiếc A-50 bị bắn hạ, còn chiếc IL-22M bị hư hại, nó đang bay trên không và cố gắng tiếp cận sân bay gần nhất, nhưng biến mất khỏi radar sau khi bắt đầu hạ độ cao ở khu vực Kerch của Crimea", tờ Politico dẫn lời ông Mysiahin nói.
Khi được hỏi về vụ việc, Điện Kremlin cho biết "không có thông tin" và các câu hỏi nên dành cho Bộ Quốc phòng Nga, theo Hãng tin AFP.
Giới phân tích quân sự cho rằng việc mất máy bay A-50 sẽ là tổn thất to lớn đối với lực lượng không quân Nga vì số lượng máy bay đang hoạt động là rất ít.
Năm 2021, tổ chức tư vấn IISS có trụ sở tại London (Anh) ước tính Nga có 9 máy bay A-50 đang hoạt động, trong đó có 4 máy bay A-50U hiện đại hóa.
Đầu năm ngoái, Nga xác nhận đã đưa máy bay A-50U được hiện đại hóa đến cuộc chiến ở Ukraine.
Theo đánh giá của NATO, máy bay này có thể phát hiện hơn 300 mục tiêu cùng một lúc. Với hệ thống radar 360 độ, nó có thể phát hiện và theo dõi một vụ phóng tên lửa ở khoảng cách 800km và các mục tiêu trên mặt đất và trên biển ở khoảng cách 300km.
Trong khi đó, giới chuyên gia mô tả A-50 là trung tâm chỉ huy, kiểm soát và giám sát quan trọng đối với máy bay và hệ thống tên lửa đất đối không của Nga, cung cấp cảnh báo sớm tầm xa và thông tin mục tiêu về máy bay bay tầm thấp của Ukraine.
"A-50 có thể truyền tọa độ của mục tiêu tới máy bay chiến đấu có radar kém hơn và không thể nhìn thấy ở khoảng cách xa như vậy. Ngoài ra, nó có thể trinh sát vô tuyến điện tử (EPR), chẳng hạn như phát hiện tọa độ của radar mặt đất của đối phương.
Nó cũng được trang bị thiết bị tác chiến điện tử. Ngoài tất cả những điều này, một phi hành đoàn được đào tạo đặc biệt biết cách quản lý tất cả các thiết bị phức tạp và đắt tiền này cũng rất hiếm", chuyên gia hàng không Ukraine Vitaly Trubnikov nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận