21/08/2019 11:38 GMT+7

Úc điều khinh hạm, máy bay tới eo biển Hormuz bảo vệ tàu bè các nước

BÌNH AN
BÌNH AN

TTI - Úc đã nhận lời mời của Mỹ và thông báo sẽ triển khai khinh hạm, máy bay tuần tra và quân nhân đến tham gia sứ mệnh bảo vệ tàu bè di chuyển qua eo biển Hormuz bên ngoài bờ biển Iran.

Úc điều khinh hạm, máy bay tới eo biển Hormuz bảo vệ tàu bè các nước - Ảnh 1.

Một trực thăng cất cánh từ tàu đổ bộ tấn công USS Boxer của Hải quân Mỹ khi di chuyển qua eo biển Hormuz ở Vịnh Oman hôm 18-7 - Ảnh: REUTERS

Ngày 21-8, Thủ tướng Úc Scott Morrison thông báo: Canberra sẽ tham gia sứ mệnh do Washington dẫn đầu nhằm bảo vệ tàu bè qua lại eo biển Hormuz ở vùng Vịnh giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran vẫn chưa hạ nhiệt.

Ông Morrison cho biết Úc sẽ triển khai 1 khinh hạm (frigate), 1 máy bay tuần thám biển P8 Poseidon cùng các quân nhân hỗ trợ - một đóng góp mà theo ông là "khiêm tốn, có ý nghĩa và giới hạn về thời gian", theo Hãng tin AFP.

Hiện các lực lượng Anh và Bahrain cũng tham gia sứ mệnh bảo vệ các tàu chở dầu và tàu hàng, khỏi nguy cơ chịu các cuộc tấn công từ Tehran ở eo biển Hormuz ngoài khơi bờ biển Iran.

"Hành vi gây bất ổn này là mối đe dọa đối với các lợi ích của Úc trong khu vực. Chính phủ Úc đã xác định rằng việc hợp tác với các đối tác vốn nằm trong lợi ích quốc gia của mình" - ông Morrison giải thích.

Đầu tháng này, trong chuyến thăm Sydney, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã nhấn mạnh vai trò của Úc trong việc hỗ trợ tuần tra vùng biển chiến lược trên.

Động thái diễn ra theo sau các vụ việc gây căng thẳng giữa Iran và các cường quốc phương Tây như Mỹ và Anh ở vùng Vịnh, gồm các vụ bắt giữ tàu dầu của nhau.

Iran đã bắt 3 tàu dầu ở vùng Vịnh kể từ tháng trước, trong đó có 1 tàu dầu treo cờ Anh. Trong khi đó, đầu tháng 7, thủy quân lục chiến Anh bắt siêu tàu dầu Grace 1 của Iran và kéo về Gibraltar vì nghi vận chuyển phi pháp dầu tới Syria, vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế.

Úc điều khinh hạm, máy bay tới eo biển Hormuz bảo vệ tàu bè các nước - Ảnh 2.

Vị trí của eo biển Hormuz (Strait of Hormuz) - Ảnh chụp màn hình

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds cho biết: các quân nhân Úc sẽ được triển khai tham gia sứ mệnh ở eo biển Hormuz trong vài tuần tới.

Trong khi đó, máy bay P8 Poseidon sẽ tuần tra khu vực này trong vòng một tháng vào cuối năm nay. Còn khinh hạm, với khoảng 170 thủy thủ, sẽ được triển khai vào tháng 1-2020, với thời gian tham gia khoảng 6 tháng.

Không chỉ Úc, tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Washington cũng yêu cầu Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức và một số nước khác tham gia sứ mệnh bảo vệ tàu bè ở eo biển Hormuz.

Anh đã đồng ý tham gia sứ mệnh này cách đây 2 tuần. Nhật báo Maekyung của Hàn Quốc cuối tháng 7 tiết lộ Seoul cũng lên kế hoạch điều 1 đơn vị hải quân, trong đó có 1 tàu khu trục, tham gia sứ mệnh. Tuy nhiên, Nhật Bản lại không muốn đưa tàu chiến tham gia sứ mệnh vì e ngại phản ứng từ Iran, theo báo Mainichi của Nhật.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nỗ lực "gây áp lực tối đa" lên Iran kể từ khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015. Tuy nhiên, các nước châu Âu từ chối tham gia lực lượng an ninh hàng hải do Washington dẫn đầu vì sợ làm xói mòn các nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân này.

Eo biển Hormuz giữ vai trò là một cửa ngõ đặc biệt quan trọng của ngành công nghiệp dầu thế giới, khi khoảng 1/3 sản lượng dầu thô của thế giới lưu thông qua đây hàng năm. Đây được xem là con "át chủ bài" của Iran để đối phó Mỹ.

Các quốc gia sản xuất dầu ở vùng Vịnh như Iran, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đều phải sử dụng eo biển hẹp này để vận chuyển dầu.

Nói cách khác, eo biển Hormuz là con đường chiến lược trên biển để kết nối các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông với các thị trường quan trọng ở khắp các châu lục, theo Đài CNBC.

Mỹ đòi bắt giữ, tàu dầu Iran vẫn ung dung rời Gibraltar Mỹ đòi bắt giữ, tàu dầu Iran vẫn ung dung rời Gibraltar

TTO - Mặc dù chính quyền Mỹ phát trát yêu cầu phía Gibraltar bắt tàu chở dầu của Iran, song chính quyền vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh nói luật pháp EU không cho phép làm như vậy.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên