07/11/2017 15:37 GMT+7

Tuổi thơ một buổi bán cá một buổi đến trường

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - “Cá đồng đây, cô bác nào mua cá đồng không” - tiếng rao của em Đoàn Thị Ngọc Huyền (12 tuổi, ngụ xã Hòa Long, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) vang lên đều đều theo những vòng quay xe đạp.

Tuổi thơ một buổi bán cá một buổi đến trường - Ảnh 1.

Một buổi đi học, một buổi Huyền bán cá dạo quanh các con đường - Ảnh: NGỌC TÀI.

Bắt đầu từ năm học lớp 2, Ngọc Huyền đã biết tự đạp xe đi học. Gần đây, không chỉ độc lập trong việc đi học Huyền còn giúp mẹ bán cá.

Bán cá để mẹ bớt cực

"Con mơ ước được đi học. Chị con nghỉ học rồi con sợ con phải nghỉ học lắm".

Đoàn Thị Ngọc Huyền

Ngọc Huyền cho biết, cái xe con con theo Huyền ba năm học phải bán sắt vụn vì không thể sửa được nữa. Được mẹ mua cho cái xe mới Huyền sử dụng đến năm học lớp 7 này.

Gần đây em được một mạnh thường quân tài trợ cho chiếc xe đạp mới nhưng Huyền nhất quyết không đụng đến. Huyền bảo em để dành xe mới cho em gái đi học. Chiếc xe cũ hiện tại Huyền vẫn còn xài tốt nên em không muốn bỏ.

Không chỉ độc lập trong việc đi học Huyền còn giúp mẹ bán cá. Khi thì ở chợ xã khi thì chở trên xe đạp chạy vào từng con ngõ nhỏ để bán dạo.

"Mẹ con phân ra từng bọc nhỏ tùy theo giá tiền. Có khi là 10.000 đồng, có khi là 15.000 đồng. Con chở đi bán đúng giá mẹ nói. Ai muốn mần cá thì con mần liền luôn" - Huyền kể.

Bàn tay với những con tay còn bé xíu của Huyền thoăn thoắt làm cá. Nhìn cái cách Huyền làm cá mới thấy được em thành thạo đến thế nào.

Cá vừa được làm sạch và không hề cắt phạm vào thịt cá. Vừa bán cá về Huyền tranh thủ ôn lại bài rồi tất tả đến lớp. Hiện nay em đang học lớp 7A4, Trường THCS Hòa Long.

Tuổi thơ một buổi bán cá một buổi đến trường - Ảnh 3.

Huyền làm cá rất thành thạo. Ai mua cá có nhu cầu làm sạch cá em đều đồng ý làm - Ảnh: NGỌC TÀI.

Huyền sớm thiếu vắng tình thương của cha. Mẹ đi bước nữa và có thêm hai đứa em. Chị gái Huyền đã nghỉ học để phụ mẹ mua cá, bán cá. Vì Huyền học giỏi nên gia đình vẫn chưa có ý định cho em nghỉ học.

Thương mẹ Huyền luôn cố gắng học và phụ mẹ nhiều nhất. "Đi bán cá con không có mắc cỡ vì con mần phụ mẹ cho mẹ bớt cực".

Thầy Phan Thanh Nhàn - giáo viên Trường THCS Hòa Long, cho biết thầy và thầy cô trong trường thường mua cá ủng hộ cho Ngọc Huyền.

"Bằng tuổi với Huyền nhiều bạn vẫn còn được cha mẹ đưa rước đến trường còn em đã sớm lam lũ. Dù một buổi bán cá một buổi đi học nhưng Huyền học rất giỏi. Nhiều năm liền đều là học sinh giỏi của lớp" - thầy Nhàn chia sẻ.

Sống với ông bà từ tấm bé

Tuổi thơ một buổi bán cá một buổi đến trường - Ảnh 4.

Kiều Trang cùng ông nội của em làm lợp tép, ảnh NGỌC TÀI.

Men theo con đường quê chúng tôi tìm đến nhà ông Lữ Văn Tám ở xã Hòa Long, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

Bầu trời xám xịt chuẩn bị trút cơn mưa, mấy ông cháu vẫn đang tất tả chẻ trúc làm lợp tép. Một người già đã ở gần cái tuổi thất thập cổ lai hy và một đứa cháu mới 11 tuổi cặm cụi làm việc, ít khi nói chuyện với nhau.

Từ ngày 24-7, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học nhận một suất học bổng "Đèn đom đóm", trị giá 3 triệu đồng/suất.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức.

Con trai của ông Tám do làm ăn thua lỗ đã gửi hai đứa cháu cho ông nuôi nấng, bảo ban. Em Lữ Thị Kiều Trang từ tấm bé đã ở cùng ông bà nay đã học lớp 6A4 Trường THCS Hòa Long.

Cái nghèo đeo đẳng cha mẹ của Trang khiến họ phải bỏ con cái đi làm ăn xa.

Đi biền biệt có khi một năm mới về thăm con một lần. Ba đứa con lại phải gửi ở hai nơi, hai đứa lớn gửi bên nội đứa út gửi bên ngoại.

Ông Lữ Văn Tám chia sẻ: "Cha mẹ chúng nó làm đâu lỗ đó. Giờ nợ nần quá phải đi làm công nhân ở Bình Dương. Mấy ông cháu ở nhà làm lợp tép kiếm đồng ra đồng vô".

Có gần 10 công đoạn mới xong một cái lợp tép và tiền lời vài ngàn đồng. Mấy ông cháu kiếm được khoảng 500.000 đồng/tháng để xoay xở cho bốn miệng ăn và sinh hoạt trong gia đình.

Ngoài hai chị em Trang đang ở với ông bà nội còn một đứa em gái đang ở với ông bà ngoại. Lúc rãnh chị em Trang lại chở nhau qua nhà ngoại để quầy quần với em gái và cũng để đỡ nhớ cha nhớ mẹ. 

"Hè rồi ba chị em con có lên Bình Dương ở với cha mẹ. Con trông tới hè để được ở gần cha mẹ" - Huyền hồn nhiên kể ước mơ nhỏ bé của em.

Huyền hay hỏi khi nào thì cha mẹ mới về và ở luôn với mấy chị em nhưng ông bà Tám thường không trả lời. Làm công nhân xứ người lại còn nợ nần chưa biết khi nào mới trả dứt nên ông bà nội của Huyền chỉ có thể thở dài và ước mong còn đủ sức khỏe để có thể ở bên chăm sóc các cháu.

Khó khăn nhất nhì trường

Cô Nguyễn Kim Em, hiệu phó Trường THCS Hòa Long, cho biết Ngọc Huyền và Kiều Trang đều là học sinh giỏi. Hoàn cảnh của hai em thuộc diện khó khăn nhất nhì của trường. "Các em ngoan và luôn nổ lực học. Nhà trường cũng thường ưu tiên các phần quà của mạnh thường quân cho các em khó khăn như Huyền và Trang" - cô Kim chia sẻ.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên