Phóng to |
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (người đội mũ) trong những ngày đi vận động tổng khởi nghĩa ở Huế 1945 (ảnh tư liệu trong cuốn Địa chí Thừa Thiên - Huế) |
Từ ngôi trường “xanh vỏ, đỏ lòng”...
Học viên ngôi trường ấy đa phần đều là quí tử của những gia đình “danh gia vọng tộc” như ông Tôn Thất Hoàng là con của thượng thư Tôn Thất Quảng; ông Đặng Văn Việt, thân phụ làm tổng đốc Nghệ An, từng ba lần giữ chức thượng thư; ông Võ Sum là con quan án sát Võ Chuẩn; Lê Thiệu Huy (người sau này sang chiến đấu cùng Mặt trận Lào, làm tham mưu trưởng liên quân Lào - Việt, ông đã lấy thân mình che đạn cho hoàng thân Xuphanuvông khi mặt trận Thà Khẹt bị vỡ và hi sinh trên dòng Mekong) con trai cụ Lê Thước, giải nguyên Hán học; Hoàng Xuân Bình, em ruột giáo sư Hoàng Xuân Hãn; Nguyễn Thế Lương (tức Cao Pha) là con của một nhà thầu khoán lớn...
Vậy mà sau ngày cách mạng mùa thu năm 1945, nhiều học viên Trường TNTT đã giác ngộ cách mạng, đi theo tiếng gọi của núi sông và trở thành những sĩ quan, tướng lĩnh tài ba của quân đội nhân dân VN (QĐNDVN) như trung tướng Cao Văn Khánh, phó tổng tham mưu trưởng QĐNDVN; thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm (Nguyễn Kèn), tư lệnh bộ đội tăng - thiết giáp; thiếu tướng Cao Pha, phó tư lệnh bộ đội đặc công; các thiếu tướng Mai Xuân Tần, Võ Quang Hồ, Đoàn Huyên, Phan Hàm, Đào Hữu Liêu... cùng nhiều sĩ quan cao cấp khác của quân đội.
Nhiều người nổi danh về tài đánh giặc như Đặng Văn Việt - trung đoàn trưởng trung đoàn 174 - mệnh danh là “đệ tứ quốc lộ đại vương” bởi những trận đánh do ông chỉ huy trên đường số 4 vùng Cao - Bắc - Lạng thời kháng Pháp. Nhiều người sau này chuyển sang dân sự là những giáo sư, tiến sĩ dạy tại các trường đại học danh tiếng.
Khung huấn luyện của trường bấy giờ có bốn người do ông Phan Tử Lăng làm giám đốc. Ông Lăng cũng là chỉ huy trưởng lực lượng bảo an Trung kỳ - cùng các ông Võ Lương, Lê Khánh Khang và Lê Đình Bân. Ông Phan Tử Lăng là thủ khoa khóa sĩ quan chính qui Pháp đầu tiên, cùng khóa với tổng thống Dương Văn Minh của chính quyền Sài Gòn.
Phóng to |
Ông Vĩnh Mẫn (người ngồi giữa, hàng thứ hai) trong những ngày đầu tham gia cách mạng, người đầu tiên bên trái cạnh ông Vĩnh Mẫn là ông Trần Chí Hiền, tỉnh đội trưởng đầu tiên của Thừa Thiên - Huế sau Cách mạng Tháng Tám - Ảnh tư liệu gia đình của ông Vĩnh Mẫn |
Gia đình ông Lê Đình Bân vốn là một gia đình cách mạng lớn ở làng Triều Sơn Tây. Ngôi nhà của gia đình ông ở xã Hương Sơ, ngoại vi thành phố Huế, vốn là cơ sở của đồng chí Phan Đăng Lưu trước cách mạng. Ba ngày trước khi nổ ra tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 ở Huế, các đồng chí trong Ủy ban chỉ đạo khởi nghĩa do trung ương cử vào gồm Tố Hữu, Nguyễn Duy Trinh, Hồ Tùng Mậu cũng đã chọn ngôi nhà này làm trạm dừng chân.
Ông Lê Đình Bân năm nay đã 86 tuổi nhưng ký ức của thời trai trẻ vẫn chưa hề phai. Ông Bân kể: khi giáo sư Tạ Quang Bửu lập Trường TNTT, ngoài uy tín như một “thương hiệu” để chiêu sinh, giáo sư còn là thủ lĩnh của phong trào hướng đạo nên những thanh niên trí thức yêu nước rất ủng hộ.
Trong các buổi trang bị kiến thức về quân sự do ông giảng dạy, hay các buổi nói chuyện của luật sư Phan Anh với các học viên, giáo sư Tạ Quang Bửu đã tạo điều kiện đưa các tài liệu tuyên truyền về Việt Minh cho học viên đọc. Một nhóm học viên làm tổ chức Việt Minh nòng cốt trong Trường TNTT gồm năm người: Nguyễn Kèn (tức Nguyễn Thế Lâm), Lê Khánh Khang,Võ Quang Hồ, Đặng Văn Việt, Phan Hàm được lập ra và lấy tên là “’Việt Minh Thuận Hóa”.
Đến “người của hoàng gia”
Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Huế là đầu não của tập đoàn phong kiến ở VN, gia đình quan lại, hoàng gia... đều sinh sống và làm việc tại đây. Huế cũng là nơi đồn trú của quân đội Nhật lên đến 5.000 sĩ quan và binh lính do cố vấn tối cao Yokohama chỉ huy, đó là chưa kể hàng vạn lính khố xanh, khố vàng, khố đỏ... của hoàng gia triều Nguyễn, không ít người ngày đó cho rằng cuộc tổng khởi nghĩa ở Huế sẽ rất khó khăn. Thế nhưng...
Phóng to |
Cho đến chiều 21-8, lực lượng tự vệ đã làm chủ tình hình vòng ngoài đồn Mang Cá và sáng 22-8 đã chiếm giữ bờ trái cầu Trường Tiền. Ngay chính vua Bảo Đại cũng rất hoang mang nhưng không thể làm được gì, vì chính trong hoàng tộc, hoàng gia đã có không ít người chọn đi theo con đường của dân tộc...
Ông Vĩnh Mẫn, năm nay đã 75 tuổi, sống ở Vĩ Dạ, những ngày tháng 8-1945 sôi sục ấy ông mới chỉ là một chú bé liên lạc 15 tuổi cho ủy ban khởi nghĩa. Vĩnh Mẫn là con trai thứ ba của cụ Bửu Trác (cụ Bửu Trác là cháu nội vua Hiệp Hòa) - thời vua Khải Định, cụ Bửu Trác là quan ngự tiền hộ giá, sau được thăng đến thống chế nhất phẩm (nhân vật thứ hai trong triều đình sau nhà vua). Nếu cơ cuộc bấy giờ xoay khác đi, rất có thể cụ Bửu Trác đã nối ngôi vua sau khi vua Khải Định qua đời và ông Vĩnh Mẫn đã là hoàng tử!
Theo ông Vĩnh Mẫn, không chỉ riêng ông mà cả người anh trai là Vĩnh Tập cũng tham gia cách mạng rất sớm, gia nhập đơn vị tiếp phòng quân Huế và hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Huế khi Pháp tái chiếm (1947) lúc vừa tròn 20 tuổi. Sau này những người cùng thời kể lại rằng đại tướng Nguyễn Chí Thanh hồi ấy rất yêu mến và quan tâm đến Vĩnh Tập, bởi phẩm chất thông minh và sự nhiệt tình trong hoạt động của chàng trai hoàng tộc đi theo cách mạng...
Lịch sử luôn có những điều thật thú vị. Ông Tôn Thất Hoàng, con trai quan thượng thư Tôn Thất Quảng, nhớ lại: là đại diện của hoàng tộc triều Nguyễn nhưng những ngày tổng khởi nghĩa chính ông lại được cách mạng tin tưởng cử đi bảo vệ đoàn đại diện chính phủ từ Hà Nội vào tiếp nhận kim ấn nặng 10kg vàng ròng và chiếc trường kiếm với bao kiếm bằng vàng nạm ngọc - biểu tượng quyền lực tối cao của hoàng gia. Ông Trần Huy Liệu, đại diện chính quyền nhân dân, trực tiếp nhận báu vật này từ tay hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn trong sự bảo vệ cẩn mật của hoàng tộc!...
Rất nhiều câu chuyện như thế của 60 năm về trước bây giờ nghe kể lại cứ như thấy trước mắt mình hình ảnh của những con người trẻ tuổi, bất kể hoàn cảnh xuất thân. Họ từ bỏ cuộc sống nhung lụa của hoàng gia, hoàng tộc, quan quyền đi theo ngọn cờ độc lập. Và cách mạng chính là mối tình đầu của cuộc đời họ!
Đối với thần dân đất kinh thành Huế, những câu chuyện kỳ lạ về những ngày cướp chính quyền thật không thể nào quên vì mỗi số phận con người đều ẩn chứa một phần lịch sử...
-------------------------------
Bài 1: Chung một bóng cờ...Bài 2:Lên đường!
------------------------------
Kỳ sau: “Mỗi số phận chứa một phần lịch sử...”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận