15/09/2020 09:14 GMT+7

"Tước quyền" quyết room vốn ngoại của ngân hàng: Chuyên gia nói gì?

L.THANH - A.HỒNG
L.THANH - A.HỒNG

TTO - Ngân hàng nếu không được quyết định tỉ lệ sở hữu nước ngoài sẽ khó khăn khi huy động vốn ngoại, vì vậy cần có quy định riêng cho nhóm này...

Tước quyền quyết room vốn ngoại của ngân hàng: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng hiện đang khống chế tỉ lệ tham gia của vốn ngoại để chuẩn bị cho các đối tác chiến lược. Trong ảnh: tại phòng giao dịch một chi nhánh ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nếu không có quyền tự quyết giới hạn room vốn ngoại, ngân hàng sẽ bị hạn chế về kênh huy động vốn nước ngoài, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và rộng hơn là khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Ông Andy Ho

Đó là đề nghị của các chuyên gia khi trao đổi với Tuổi Trẻ liên quan dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều Luật chứng khoán về tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng đang được Ủy ban Chứng khoán lấy ý kiến.

* Ông Nguyễn Đức Kiên (tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng):

Lưu ý tính đặc thù của ngân hàng

Ban soạn thảo nên xem xét dự thảo hiện nay, đang không cho ngân hàng quyền tự quyết định tỉ lệ sở hữu cổ phần nước ngoài. Trên thực tế, khi bán cổ phần của VCB, BIDV, việc chúng ta chọn thời điểm, đối tác bán thì giá bán cao hơn giá đang giao dịch trên thị trường. 

Như thế, Nhà nước với tư cách là người bán được lợi hơn. Giá bán cho các cổ đông chiến lược thường cao 20 - 25% so với giá giao dịch trên sàn chứng khoán. Khi làm việc với các nhà đầu tư lớn, bao giờ họ cũng nhìn lợi nhuận tương lai.

Các tổ chức tín dụng là loại doanh nghiệp đặc thù hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ. Tuy nhiên, trong dự thảo nghị định hướng dẫn một số điều của Luật chứng khoán, cơ quan chủ trì soạn thảo đang đề xuất gộp chung các tổ chức tín dụng với các doanh nghiệp lĩnh vực khác. 

Ở góc độ nghiên cứu, tôi cho rằng phải tách ngân hàng ra thành một nhóm ngành riêng, đặc biệt nó còn phải chịu sự chi phối của Luật các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước. Đây là một lĩnh vực rất đặc thù.

Cổ phần hóa, mở thị trường chứng khoán để đa dạng hóa sở hữu các loại hình doanh nghiệp, mục đích là tìm những cổ đông chiến lược để mở rộng thị trường, cung cấp công nghệ, cung cấp vốn và phương thức quản trị hiện đại. Nếu chúng ta bỏ qua tính đặc thù của các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, coi như các doanh nghiệp khác, có lẽ là điều cần cân nhắc lại.

* Ông Andy Ho (giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận đầu tư - Tập đoàn VinaCapital):

Mất quyền tự quyết, ngân hàng bị tổn thương

Một số lớn công ty tốt hiện nay đang hết room nên nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế đầu tư hoặc phải mua với một mức giá cao hơn giá thị trường. Thậm chí, một số cổ phiếu đang được giao dịch ở mức giá ngoài biên độ và được tiến hành ở ngoài sàn giao dịch, dẫn đến thông tin về giá giao dịch không được minh bạch và nhà đầu tư nước ngoài thường phải "ghi nhận giảm" giá trị các khoản đầu tư ngay lập tức sau khi mua.

Vì vậy, chúng tôi ủng hộ việc loại bỏ hạn chế sở hữu nước ngoài cho những ngành nghề không có điều kiện, hoặc không bị hạn chế tiếp cận thị trường với doanh nghiệp nước ngoài. Nới room đồng loạt, nghĩa là doanh nghiệp không có quyền tự quyết trừ các trường hợp đặc biệt nêu trên sẽ là một điểm tích cực hỗ trợ cho việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam và qua đó thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Nhưng với lĩnh vực ngân hàng, một số nhà băng đang tự giới hạn room sở hữu nước ngoài dưới 30% (như ở VPB: 15%, HDB: 21,5%, TCB: 22,5%, MBB: 23%) là vì các ngân hàng dành một phần room nước ngoài để phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, hoặc phát hành trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai.

Việc cho phép ngân hàng có quyền tự quyết giới hạn room nước ngoài ở một tỉ lệ dưới 30% là hợp lý, vì hiện nay vẫn còn tồn tại giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tối đa 30% tại ngân hàng. Nếu không có quyền tự quyết này, ngân hàng sẽ bị hạn chế về kênh huy động vốn nước ngoài, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và rộng hơn là khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Chỉ trong trường hợp không còn hạn chế room nước ngoài tối đa 30% thì mới nên gỡ bỏ quyền tự quyết này của ngân hàng.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy có trường hợp ngân hàng khóa room ngoại ở một tỉ lệ nhỏ hơn 30% trong một thời gian dài nhưng không hoàn tất được đợt phát hành vì nhiều lý do. Điều này làm ảnh hưởng thị giá cổ phiếu của ngân hàng đó thấp hơn các ngân hàng khác còn room nước ngoài.

Vì thế, việc giới hạn room nước ngoài dưới 30% cần có một thời gian áp dụng cụ thể (kèm theo giải trình và xin lại ý kiến cổ đông nếu hết thời gian đó ngân hàng vẫn muốn tiếp tục duy trì). Thứ hai, việc hạn chế room này cần được thực hiện có điều kiện, chẳng hạn như sau khi ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán phê duyệt về phương án phát hành.

* Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia ngân hàng):

Mỹ cũng quản chặt cổ đông ngoại vào ngân hàng

Hệ thống ngân hàng giữ vai trò, vị trí đặc biệt, là kênh dẫn "máu" cho nền kinh tế. Việc các ngân hàng nước ngoài tham gia vào hệ thống ngân hàng trong nước là rất tốt, song sự tham gia của các đối tác ngoại phải đảm bảo tuân thủ theo chính sách tiền tệ, điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Điều quan trọng nhất là cần sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước. Ngay như ở Mỹ, cổ đông nước ngoài sở hữu từ 5% vốn điều lệ của ngân hàng phải được sự cho phép, chấp thuận của cơ quan quản lý ở tiểu bang.

'Tước quyền' quyết room vốn ngoại của doanh nghiệp

TTO - Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán nhà nước vừa đề xuất không tiếp tục trao quyền cho doanh nghiệp định đoạt tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài như quy định hiện hành.

L.THANH - A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên