9 tháng đầu năm Vietcombank lãi trước thuế 17.600 tỉ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Mặt khác, sau nhiều năm hi sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng, hiện tỉ lệ nợ xấu đã giảm mạnh nên khoản trích lập giảm đi, góp phần làm cho lợi nhuận của nhiều ngân hàng tăng lên.
Lãi tăng nhờ giảm trích lập dự phòng
Trong 9 tháng đầu năm, Vietcombank đạt 17.600 tỉ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế, tăng gần 51% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 85,8% kế hoạch năm. Mức lợi nhuận trước thuế này cũng cao hơn gần gấp đôi so với Techcombank.
Ở vị trí thứ hai, Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế gần 8.900 tỉ đồng, tăng 14% cùng kỳ, hoàn thành 75% mục tiêu của năm.
Ba vị trí tiếp theo trên bảng xếp hạng lợi nhuận lần lượt là Ngân hàng Quân Đội (MB), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Ngân hàng ACB đạt mức lợi nhuận trước thuế hơn 5.500 tỉ đồng trong 9 tháng, tăng 16% so với cùng kỳ. Sacombank đạt mức lợi nhuận 2.491 tỉ đồng, tăng 89,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản đạt 450.200 tỉ đồng, tăng 10,9% so với đầu năm.
Nhóm ngân hàng cổ phần có quy mô vừa cũng có mức lợi nhuận khá cao.
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đạt tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2.260 tỉ đồng, tăng 11,31% so với cùng kỳ và đạt 73,6% kế hoạch cả năm.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) công bố kết quả kinh doanh 9 tháng với lợi nhuận trước thuế đạt 1.943 tỉ đồng. Ngân hàng này cũng hoàn thành việc tăng vốn điều lệ lên 7.898 tỉ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông với tỉ lệ 20%.
Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) lũy kế 9 tháng đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 3.448 tỉ đồng, trong đó, riêng quý 3 lãi 1.238 tỉ đồng. So với quý 3 năm ngoái, lợi nhuận quý 3-2019 của HDBank tăng 51%.
Kết thúc quý 3, lợi nhuận trước thuế lũy kế của LienVietPostBank ghi nhận 1.636 tỉ đồng, bằng 161% so với cùng kỳ năm 2018, hoàn thành 86% mục tiêu kế hoạch năm 2019. Trong đó lợi nhuận riêng quý 3 đạt 519 tỉ đồng, bằng 149% so với quý 3 năm 2018.
Ở nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ hơn, lợi nhuận ba quý đầu năm nay cũng ở mức hàng trăm tỉ. NH Đông Nam Á (SeABank) 9 tháng đầu năm đạt 683 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 65% so với cùng kỳ năm 2018. Ngân hàng này cũng hoàn thành việc tăng vốn điều lệ lên 9.369 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu ở mức 1,36%.
Kết thúc quý 3, Ngân hàng Nam Á đạt 574 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tổng tài sản đạt 87.820 tỉ đồng. Huy động từ cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá đạt 69.145 tỉ đồng; dư nợ cho vay khách hàng đạt 63.024 tỉ đồng.
NH Bản Việt (VietCapital) đạt lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng ở mức 84,5 tỉ đồng. Tổng huy động vốn 9 tháng đầu năm 2019 đạt 43.400 tỉ, dư nợ tín dụng đạt gần 33.500 tỉ, tăng lần lượt 9% và 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giảm bán sỉ, tăng bán lẻ
Hạn mức tín dụng bị thu hẹp nhưng các ngân hàng vẫn đạt mức lợi nhuận khá cao trong ba quý đầu năm do nhiều nguyên nhân. Trong đó có thể kể đến như việc ngân hàng tập trung tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, tăng nguồn thu từ dịch vụ, bán lẻ, trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu giảm.
Chẳng hạn tại NH Vietcombank, thu nhập từ lãi thuần tăng 27%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và ngoại hối cũng tăng mạnh. Tỉ lệ nợ xấu ở mức rất thấp. Những năm gần đây Vietcombank đã chuyển hướng chiến lược sang đẩy mạnh bán lẻ và việc mở rộng bán lẻ hiệu quả cao hơn bán buôn, giúp phân tán rủi ro.
Tại NH Techcombank, lợi nhuận đến từ việc giảm mạnh trích lập dự phòng. Việc cho vay vào đúng phân khúc và giảm mạnh chi phí vốn huy động nhờ nguồn tiền gửi không kỳ hạn cao cũng giúp đem về nguồn lợi nhuận đáng kể cho ngân hàng.
Theo tiết lộ của lãnh đạo Techcombank, tăng trưởng cho vay mua nhà trong ba quí đầu năm 2019 ở mức 52%. Trong tổng dư nợ cho vay bán lẻ, cho vay mua nhà chiếm tới 82%, tương đương khoảng 81.000 tỉ đồng, còn lại 5% là cho vay mua ôtô (khoảng 5.000 tỉ đồng), 4% là cho vay thẻ tín dụng (khoảng 4.000 tỉ đồng).
Còn tại Sacombank, ba quý đầu năm nay tổng thu nhập thuần đạt 10.861 tỉ đồng, tăng 36,5% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 7.405 tỉ đồng. Thu từ dịch vụ cũng tăng 21,1%, trong đó, thu dịch vụ bảo hiểm chiếm 13,3% trong tổng thu dịch vụ.
Tỉ lệ nợ xấu giảm còn 1,96% nhờ tái cơ cấu danh mục cho vay, kiểm soát chặt chẽ và hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng.
Tại Ngân hàng OCB, thu thuần từ lãi và thu thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng mạnh với mức tăng trưởng lần lượt là 20% và 87%. Chi phí dự phòng thấp hơn do nợ xấu giảm đi, chi phí hoạt động trên doanh thu được kiểm soát ở mức dưới 40%.
Doanh thu từ hoạt động bán lẻ của NH Bản Việt cũng đạt mức tăng trưởng khá. Cụ thể, doanh thu mảng khách hàng cá nhân tăng 63%. Thu nhập lãi cho vay tăng 90%. Đặc biệt thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Doanh số bán bảo hiểm cũng tăng 190% so với cùng kỳ.
Chạy đua Basel 2 để được nới room tín dụng
Có thêm nhiều ngân hàng công bố đạt chuẩn Basel 2 (chuẩn mực quốc tế nhằm bảo đảm an toàn hoạt động) trước thời hạn. Mới nhất là NH SeABank và NH Bản Việt nâng số ngân hàng đạt chuẩn Basel 2 trước thời hạn lên con số 13 ngân hàng.
Lý do khiến nhiều ngân hàng đẩy nhanh quá trình hoàn thành Basel 2 là nhằm được hưởng chính sách khuyến khích của Ngân hàng Nhà nước với những ngân hàng đạt chuẩn Basel 2 sớm, trước năm 2020. Chẳng hạn như không phải tuân theo hạn mức tín dụng áp dụng chung cho toàn hệ thống mà sẽ được tự quyết mức tăng trưởng tín dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận