22/10/2019 19:53 GMT+7

Hết ‘room’, vì sao ngân hàng tiếp tục đua lãi suất?

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2019 đã gần cạn, tuy nhiên lãi suất huy động tại các ngân hàng vẫn không ngừng nhích lên.

Hết ‘room’, vì sao ngân hàng tiếp tục đua lãi suất? - Ảnh 1.

Lãi suất huy động kỳ hạn dài và lãi suất chứng chỉ tiền gửi liên tục tăng trong thời gian gần đây. Ảnh minh hoạ giao dịch tại ngân hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 22-10, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn với kỳ hạn 469 ngày, lãnh lãi cuối kỳ. Chứng chỉ tiền gửi dài hạn được phát hành theo hình thức ghi danh với 5 mệnh giá: 100 triệu đồng, 200 triệu đồng, 500 triệu đồng, 1 tỉ đồng và 2 tỉ đồng. Lãi suất lên đến 8,9%/năm.

So với lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này là 8,55%/năm áp dụng với kỳ hạn từ 13-36 tháng, lãi suất huy động chứng chỉ tiền gửi đang cao hơn 0,35%/năm.

Trước đó, mức lãi suất 8,9%/năm từng được Ngân hàng Bản Việt (VietCapital) tung ra trong thời gian ngắn, từ ngày 16 đến 18-10, áp dụng cho kỳ hạn 15 tháng. 

Trong khi đó Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) đang áp dụng lãi suất tiền gửi lên đến 8,5% cho kỳ hạn 12 tháng trong chương trình khuyến mại kéo dài đến hết tháng 11. 

Ngoài tăng lãi suất với hình thức gửi truyền thống, các ngân hàng cũng tăng lãi suất huy động qua kênh online để khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm theo hình thức mới, thay vì hình thức truyền thống là gửi tiết kiệm tại quầy.

Ngân hàng Eximbank cũng trả mức lãi suất 8,5%/năm cho kỳ hạn từ 24-36 tháng nhưng chỉ áp dụng với người gửi tiết kiệm online.

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) áp dụng lãi suất 7,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng nếu khách hàng gửi qua tiết kiệm online trên kênh ví điện tử Ví Việt.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo nhiều Ngân hàng cổ phần cho biết đã sử dụng gần như hết hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) được Ngân hàng Nhà nước cấp trong năm nay. 

Tổng giám đốc một Ngân hàng cổ phần có trụ sở tại Q.1 cho hay do đạt chuẩn Basel 2 nên được cấp hạn mức tăng tín dụng 30% nhưng cũng đã sử dụng hết. Hiện nay Ngân hàng chỉ cho vay dựa trên số thu nợ được. 

Trong khi lãnh đạo một ngân hàng khác tại TP.HCM cho biết đầu năm 2019 được cấp room 7% nhưng cũng đã sử dụng hết từ lâu. Sau đó được nới thêm 2% nhưng đến nay đã sử dụng hết và đang xin nới tiếp hạn mức tăng tín dụng. 

Trả lời câu hỏi bị hạn chế cho vay nhưng vì sao vẫn đẩy mạnh huy động, lãnh đạo các ngân hàng cho biết việc hút vốn nhằm đáp ứng các chỉ tiêu theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước. 

Thêm vào đó, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đang siết tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Hiện tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã giảm xuống 40% và dự kiến giảm về mức 30% trong hai năm tới. Thanh khoản của các ngân hàng khá dồi dào nhưng các ngân hàng cũng phải "lo xa". 

Ngoài ra, chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2019, đầu 2020 các ngân hàng lại nhận "room" mới, do vậy việc huy động cũng nhằm chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn để có thể giải ngân khi có hạn mức mới.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên