08/09/2019 11:43 GMT+7

Từ vụ cháy Công ty Rạng Đông: Đừng sợ nếu phải sơ tán dân!

XUÂN LONG thực hiện
XUÂN LONG thực hiện

TTO -TS Hoàng Dương Tùng - chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bộ TN-MT - cho rằng vụ cháy ở Công ty Rạng Đông phải gọi đúng tên là sự cố có liên quan đến hóa chất.

Từ vụ cháy Công ty Rạng Đông: Đừng sợ nếu phải sơ tán dân! - Ảnh 1.

Xe quan trắc môi trường vụ cháy Công ty Rạng Đông - Ảnh: DANH TRỌNG

Theo TS Hoàng Dương Tùng, trong vụ cháy vừa qua, cơ quan chức năng ứng phó không đúng cấp độ, lúng túng trong xử lý.

Ông Tùng nói: "Ở Việt Nam, lâu nay, việc xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố đã được quy định khá chi tiết trong các luật, từ kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu trên biển, sự cố môi trường, sự cố hóa chất... 

Ví dụ như Luật hóa chất có quy định về phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất, Luật bảo vệ môi trường quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường... Vấn đề quan trọng là các đơn vị, địa phương có thực hiện theo đúng quy định của luật hay không".

* Đối chiếu với cách ứng xử ở vụ cháy Công ty Rạng Đông, việc ban bố thông tin và xử lý sự cố có đúng tầm mức một sự cố môi trường, sự cố hóa chất không, thưa ông?

- Luật bảo vệ môi trường quy định rất cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, cơ quan quản lý, các cấp chính quyền địa phương trong việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, xác định thiệt hại và khắc phục sự cố. 

Khi xảy ra sự cố, luật quy định khá rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường là phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra sự cố. Người đứng đầu cơ sở, địa phương có trách nhiệm huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để kịp thời ứng phó sự cố...

Nói như vậy để thấy trong trường hợp xảy ra cháy ở Công ty Rạng Đông, người ta đã biết rõ có sử dụng thủy ngân và các hóa chất khác làm nguyên liệu sản xuất, vậy kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố có được xây dựng không, hay có nhưng sơ sài? 

Tại sao khi xảy ra cháy không báo ngay cho lực lượng chữa cháy về việc có thủy ngân/hóa chất để lực lượng này có những trang thiết bị an toàn chống độc cần thiết mà vẫn để họ xuống hiện trường tiếp cận như những vụ cháy thông thường? 

Tại sao sự cố mới xảy ra được 1-2 ngày chưa có đánh giá tác động rõ ràng mà để công nhân tiếp tục làm việc? Tại sao mấy ngày sau mới che chắn nơi xảy ra sự cố? Rồi khi xảy ra sự cố, các phương án quan trắc của nhà máy thế nào, quan trắc ở đâu? Ai là người công bố thông tin?

Tất cả những cái đó qua vụ cháy ở Công ty Rạng Đông chúng ta thấy cả cơ sở sản xuất và các cấp chính quyền rất lúng túng.

Từ vụ cháy Công ty Rạng Đông: Đừng sợ nếu phải sơ tán dân! - Ảnh 2.

TS Hoàng Dương Tùng - Ảnh: V.DŨNG

* Nhiều ý kiến cho rằng khi xảy ra sự cố, chỉ cần biết công ty có sử dụng hóa chất, thủy ngân trong sản xuất, không cần chờ kết quả phân tích có ô nhiễm thủy ngân hay không, chính quyền cần thiết lập vùng an toàn để đảm bảo sức khỏe cho người dân quanh nhà máy, còn ông nghĩ sao?

- Đúng ra là phải làm như vậy, vì tất cả các kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với sự cố cũng nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng của người dân là trên hết. Nguyên tắc của phòng ngừa phải làm thừa hơn là thiếu, phải đưa ra được những quyết định kịp thời.

Cụ thể, chỉ cần biết nhà máy có sử dụng thủy ngân trong sản xuất, đám cháy có nguy cơ ô nhiễm thủy ngân, việc thiết lập vùng an toàn phải được đưa ra sớm. Điều đó chỉ có lợi cho sức khỏe cộng đồng. 

Chúng ta đừng sợ nếu phải sơ tán dân thì người dân sẽ hoang mang, cũng không phải đợi đến khi có đầy đủ các kết quả xét nghiệm, phân tích về ô nhiễm thủy ngân, vì nếu đợi đến khi có đầy đủ kết quả rồi mới làm thì ô nhiễm hóa chất - nếu có - đã dư thời gian ngấm hết vào cơ thể con người. Khi đó giá trị khuyến cáo gần như không còn.

Vì thế, các khuyến cáo đòi hỏi phải được đưa ra sớm, là "thời điểm vàng" để hạn chế tới mức thấp nhất những tác động tới sức khỏe của người dân quanh khu vực. Còn tới khi có đầy đủ các kết quả khoa học, đã xác định được các chỉ số ở ngưỡng an toàn với sức khỏe, khi đó hoàn toàn có thể thu hồi lại các khuyến cáo, tôi nghĩ khi đó người dân họ sẽ mừng hơn là trách.

3688880 bui t an 2(read-only)

Bà Bùi Thị An (nguyên ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ - môi trường của Quốc hội)

Từ vụ cháy ở Công ty Rạng Đông, điều thấy rõ là các cơ quan cấp quản lý chưa có nhiều kinh nghiệm trong những vụ cháy nổ có chứa hóa chất độc hại. Họ cũng không lường hết hậu họa có thể xảy ra, chính vì vậy trong xử lý có phần lúng túng... Thực tế vừa qua cho thấy cấp phường đã rất nhạy bén, họ vào cuộc kịp thời để cảnh báo, khuyến cáo tới người dân trong bảo vệ sức khỏe. Tôi nghĩ các cấp quản lý cao hơn cũng nên có sự nhạy bén như cấp phường trong chỉ đạo, điều hành, tập trung xử lý quyết liệt ngay từ những giờ đầu thì sẽ giảm thiểu được hậu quả".

Bà Bùi Thị An (nguyên ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ - môi trường của Quốc hội)

Gần 500 người đi khám bệnh sau vụ cháy Công ty Rạng Đông Gần 500 người đi khám bệnh sau vụ cháy Công ty Rạng Đông

TTO - Hôm nay 7-9, ngày thứ 2 Hà Nội thực hiện khám miễn phí cho người sống trong vùng ảnh hưởng sau vụ cháy Công ty Rạng Đông. Tính đến chiều 7-9, đã có gần 500 người đến khám, trên 200 người được chuyển bệnh viện xét nghiệm đánh giá kỹ lưỡng.

XUÂN LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên