Rất nhiều bị can, bị cáo từ chối luật sư
Trước bà Nguyễn Phương Hằng, có rất nhiều bị can, bị cáo đã từ chối luật sư bào chữa từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử. Đặc biệt, có nhiều luật sư đã bị từ chối ngay tại phiên tòa. Còn trong giai đoạn điều tra thì số bị can từ chối luật sư không đếm xuể.
Cụ thể, ngày 13-4-2022, TAND tỉnh Vĩnh Long đưa vụ án hình sự "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" ra xét xử sơ thẩm. Các bị cáo gồm Phạm Văn Cung (40 tuổi, ngụ Vĩnh Long, pháp danh Thích Phước Ngọc, cựu trụ trì chùa Phước Quang) và Phạm Tuấn Sĩ (54 tuổi, ngụ TP Vĩnh Long, hành nghề xe ôm).
Ông Cung cùng hai đồng phạm dùng nhiều thủ đoạn gian dối lừa đảo gần 68 tỉ đồng của bốn người phụ nữ. Tại tòa, bị cáo Cung đã một mực từ chối luật sư bào chữa dù đây là những luật sư được chỉ định tham gia phiên tòa và bị cáo không phải trả một khoản phí nào.
Trước đó, trong phiên xử ông Nguyễn Bắc Son (tội nhận hối lộ), ngay tại phiên tòa ông Son đã từ chối luật sư bào chữa cho mình bởi ông Son đã thừa nhận hành vi phạm tội.
Nói về việc này, một cựu cán bộ điều tra Bộ Công an cho biết từ chối luật sư là quyền của bị can, luật quy định các bị can được quyền có luật sư ngay từ khi bị khởi tố. Thông thường thì người nhà bị can mời luật sư cho bị can hoặc một số trường hợp đang bị tạm giam bị can cũng có thể viết đơn mời luật sư.
"Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bị can từ chối luật sư ngay từ giai đoạn điều tra, đây hoàn toàn là quyền của bị can", vị này nói.
Bị cáo vẫn có thể tự bào chữa khi từ chối luật sư
Theo luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM), người bị buộc tội gồm: người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Người bị buộc tội, người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội có quyền nhờ luật sư bào chữa.
Riêng trường hợp bị can, bị cáo bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
Những người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi thì dù người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ.
Do đó, không phải trường hợp nào bị can từ chối luật sư cũng được HĐXX chấp nhận.
Trong vụ xét xử ông Nguyễn Bắc Son, mặc dù ông Son từ chối luật sư ngay tại phiên tòa nhưng sau đó HĐXX cho rằng ông Son bị truy tố tội nhận hối lộ ở khung hình phạt đến mức tử hình, nên vẫn phải có luật sư bào chữa.
Bà Nguyễn Phương Hằng bị truy tố theo khoản 2 điều 331 Bộ luật Hình sự, có mức cao nhất của khung hình phạt là 7 năm tù nên không thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa.
Theo thông tin trên báo chí, các luật sư bào chữa cho bà Phương Hằng là do gia đình bà mời. Tuy nhiên, đến nay, bà Hằng đã từ chối 8/9 luật sư bào chữa cho mình.
Theo điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự, người có quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa gồm: người bị buộc tội, người đại diện của người bị buộc tội, người thân thích của người bị buộc tội.
Tuy nhiên, mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối người bào chữa đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án.
Theo luật sư Nhật, người bị buộc tội có quyền từ chối người bào chữa kể cả trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định người bào chữa cho họ.
Đồng thời theo quy định tại điều 16 Bộ luật tố tụng hình sự, người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.
"Do đó, người bị buộc tội vẫn có quyền tự bào chữa cho mình ngay cả khi họ từ chối người bào chữa (do nhờ hoặc chỉ định)", luật sư Nhật nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận