28/07/2019 20:52 GMT+7

Từ tin đùa đến tin thật

NGUYỄN VŨ
NGUYỄN VŨ

TTO - Tất cả bắt đầu từ một sự kiện giả: một người dùng Facebook tạo ra một sự kiện mời mọi người vào 3h sáng ngày 20-9 cùng tham gia "Đột chiếm Khu vực 51; Họ không thể chặn hết chúng ta".

Từ tin đùa đến tin thật - Ảnh 1.

Một anh chàng cao 1,8m, có bộ râu quai nón rậm đen muốn được gọi là “cô” - Ảnh: Nationalpost

 Nơi tập trung là Amargosa Valley, tiểu bang Nevada, không xa Khu vực 51 nổi tiếng.

Khu vực 51 (Area 51) là một địa điểm quân sự bí mật tại Căn cứ không quân Nellis của Mỹ ở nam Nevada. 

Đây là nơi quân đội Mỹ tiến hành thử nghiệm các loại máy bay và hệ thống vũ khí mới nhưng do bức màn bí mật được dựng lên trong nhiều năm nên nhiều thuyết âm mưu cho rằng đây chính là nơi Mỹ tổ chức mổ xẻ nghiên cứu các vật thể bay không xác định (UFO) của người ngoài không gian, kể cả nghiên cứu các sinh vật ngoài hành tinh. 

Năm 2013, lần đầu tiên CIA thừa nhận Khu vực 51 là có thật, từng là nơi phát triển công nghệ máy bay tàng hình.

Lời mời nghe là biết chuyện đùa, ấy vậy mà vẫn thu hút hơn 1 triệu người quan tâm và hơn 1,3 triệu người đăng ký tham gia. 

Có thể đa phần cũng tham gia theo kiểu nói đùa vì kèm theo là những thảo luận về các chiến thuật để qua mặt lính canh, trong đó có một gợi ý: tất cả nên hút thuốc điện tử để khói thuốc che khuất đoàn người tấn công!

Thế nhưng vẫn có dấu hiệu cho thấy rất nhiều người khác xem đây là lời mời nghiêm túc. Các nhà trọ gần khu vực này bỗng thấy lượng khách đăng ký ở vào những ngày hạ tuần tháng 9 tăng vọt. 

Báo The New York Times cất công phỏng vấn một chủ nhà trọ. "Ôi, thật điên khùng. Nhân viên vừa đến báo tôi hay mọi cuộc điện thoại đặt chỗ đều nhắc đến ngày 20-9" - bà này than thở. 

Điều đáng ngạc nhiên là rất nhiều tờ báo lớn khác ở Mỹ cũng nhảy vào, suy đoán điều gì sẽ xảy ra nếu giả thử hôm đó có nửa triệu người đột nhiên chạy ùa vào xâm chiếm Khu vực 51, làm sao chặn cho hết.

Từ tin đùa đến tin thật - Ảnh 2.

Người ngoài hành tinh?

Đến nỗi không quân Mỹ cuối cùng phải lên tiếng cảnh báo, "bất kỳ nỗ lực nào xâm nhập trái phép căn cứ quân sự hay khu vực huấn luyện quân sự là rất nguy hiểm". 

Người phát ngôn của không quân Mỹ còn nói thêm Khu vực 51 được canh phòng cẩn mật, có biển báo cấm xâm nhập, ai vi phạm sẽ bị dùng vũ lực tống xuất và còn bị tù nữa. 

Coi bộ quân đội Mỹ tin chắc trong 1,3 triệu người đăng ký tham gia sẽ có người thử xâm nhập để "lấy số má". Còn hơn hai tháng nữa để xem một "fake event" như thế này sẽ kéo được bao nhiêu người thật.

***

Ngược lại, tin sau đây là tin thật nhưng với nhiều người sẽ như một tin đùa. Một bác sĩ ở Anh một hôm được cấp quản lý trực tiếp gọi lên hỏi: "Nếu đứng trước ông là một anh chàng cao một mét tám, có bộ râu quai nón rậm đen bảo anh ta muốn ông gọi anh ta là "cô", ông có chịu làm theo không?".

Ở Anh cũng như ở nhiều nước khác, những người chuyển giới muốn được xưng hô theo giới tính họ chọn chứ không phải giới tính khi họ sinh ra. 

Một người có dáng vẻ bề ngoài là nữ nhưng là người chuyển giới nam sẽ muốn được gọi là "ông" hay ngược lại. Nhiều người khác muốn sử dụng các đại từ trung tính hay từ mới đặt ra.

Vị bác sĩ nói trên, tên là David Mackereth, năm nay đã 56 tuổi, trả lời ông từ chối sử dụng từ "cô" trong trường hợp này. Sau câu trả lời ấy, ông bị sa thải. Ông bèn kiện Chính phủ Anh, cho rằng mình đã bị phân biệt đối xử dựa trên đức tin tôn giáo của ông. 

Ông lập luận: chẳng thà ông bị sa thải vì vi phạm quyền của người chuyển giới trong một tình huống cụ thể nào đó thì đành; đằng này đây là sự từ chối về nguyên tắc, không muốn bày tỏ sự đồng tình với một hiện tượng đi ngược lại đức tin của ông.

Chưa biết vụ việc sẽ đi về đâu nhưng nó cho thấy xã hội đã trải qua những thay đổi ghê gớm. Mới cách đây mấy chục năm, Alan Turing (người vừa được Ngân hàng Anh chọn in lên tờ giấy bạc 50 bảng Anh sẽ phát hành vào cuối năm 2021) bị Chính phủ Anh "thiến" bằng hóa chất vì tội có quan hệ đồng tính vào năm 1952. 

Mặc dù ông được xem là anh hùng nhờ lãnh đạo một nhóm các nhà khoa học bẻ được mật mã Enigma của Đức thời Đệ nhị thế chiến, ông vẫn bị hạ nhục vì một chuyện ngày nay được xem là bình thường nên hai năm sau ông đã tự kết liễu đời mình.

Ngày nay, một thái cực khác của câu chuyện trên bị lặp lại: một bác sĩ đang làm việc thì bị gọi lên tra vấn quan điểm của mình về chuyện linh hoạt giới tính và khi trả lời không theo "khuôn phép" lại bị đuổi việc. 

Thái cực nào, chuyện "thiến" ngày xưa và chuyện gọi "cô" ngày nay chẳng phải là chuyện thật như đùa đó sao.

Dân mạng lại đồn ông Hun Sen bệnh nặng Dân mạng lại đồn ông Hun Sen bệnh nặng

TTO - Chính phủ Campuchia đã lên tiếng bác tin đồn lan truyền trên mạng rằng cuộc họp Hội đồng bộ trưởng thường kỳ ngày 26-7 bị hủy vì Thủ tướng Hun Sen có vấn đề sức khỏe.

NGUYỄN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên