Nay có ai thử tìm tên bạn kèm thêm một số chi tiết nhận dạng, kết quả tìm kiếm của Google sẽ trả lại những bài báo kể chuyện cũ, dai dẳng không dứt.
Tình huống này đã dẫn đến sự ra đời một dịch vụ kỳ quái: tìm mọi cách đánh lừa Google hay các bộ máy tìm kiếm thông tin khác để kết quả trả về không còn nội dung xấu, nội dung ảnh hưởng đến tên tuổi một ai đó muốn quên quá khứ nằm ở đầu trang.
Dịch vụ này cam đoan sẽ xóa dấu tích các vụ kiện tụng, các nhận xét xấu của khách hàng, các vụ tranh chấp, các vụ rắc rối với cơ quan công lực...
Tờ BuzzFeed News dẫn một trường hợp để minh họa: Andrian Rubin năm ngoái bị kết án 3 năm tù giam vì tội lừa đảo cho vay nặng lãi; hai người con Blake và Chase cũng chịu hình phạt tương tự do mua bán thẻ tín dụng giả.
Cả ba người mang họ Rubin đang ngồi tù, nhưng tên tuổi của họ trên không gian mạng lại rất trong sáng, tuyệt vời.
Đầu tiên là một nữ tiến sĩ tên Andrian Rubin quản trị một trang web nhằm nghiên cứu về biến đổi khí hậu, tự giới thiệu có 30 năm kinh nghiệm làm khí tượng... Sau đó còn thêm ba nhân vật cũng mang tên Andrian Rubin xuất hiện mọi nơi trên các mạng xã hội, trang web cá nhân, sẵn sàng trả lời phỏng vấn báo chí về mọi đề tài...
Cả bốn nhân vật ảo này do một công ty tạo ra nhằm xóa bỏ dấu tích tội phạm của Andrian Rubin thật, để khi có ai tìm kiếm thông tin về Andrian Rubin đều được dẫn về một trong bốn nhân vật ảo nói trên.
Dịch vụ xóa bỏ dấu tích trên mạng như thế đang gieo rắc thông tin giả khắp nơi, có thể còn có hại hơn "fake news" nữa nhưng lại ít được chú ý đầy đủ.
Mục đích của dịch vụ là làm nhiễu thông tin, trộn thật với giả và bằng nhiều thủ thuật đưa giả lên cao, dìm thật xuống thấp trong kết quả tìm kiếm. BuzzFeedNews cho biết khảo sát của họ cho thấy rất nhiều vụ thao túng kết quả tìm kiếm nhằm chặn thông tin tiêu cực về đủ loại nhân vật, kể cả doanh nhân, bác sĩ, kẻ tội phạm.
Trong một ví dụ khác, kết quả tìm kiếm tên Ian Leaf, kẻ lừa đảo nổi tiếng ở Anh, lại bị nhiễu bởi thông tin về nhân vật Ian Leaf, người tự nhận là chuyên gia chống lừa đảo. Gán cho nhân vật sau chức năng chống lừa đảo là để đánh lừa bộ máy tìm kiếm nếu có ai gõ vào cụm từ "Ian Leaf lừa đảo".
Nhân vật Ian Leaf giả còn thêm mấy cuốn sách tự xuất bản trên Amazon để tăng thêm độ tin cậy và để "tối ưu hóa" bộ máy tìm kiếm, một khái niệm chúng ta thường nghe dưới một từ thường dùng trong ngành - SEO.
Dùng thủ thuật để ngăn chặn kết quả xấu chỉ là một khía cạnh của loại dịch vụ thao túng kết quả tìm kiếm.
Có nhiều thương hiệu nổi tiếng vẫn dùng dịch vụ kiểu này để cạnh tranh. Ví dụ tháng trước, thương hiệu quần áo ấm North Face, cùng đại lý quảng cáo của họ là Leo Burnett Tailor Made, khoe đã "sử dụng" con đường Wikipedia để lừa Google sao cho các hình ảnh người dùng tìm kiếm xuất hiện đầu trang toàn là hình có nhân vật mặc đồ North Face.
Thông thường trước khi đi du lịch, chúng ta dùng Google tìm kiếm thông tin về nơi đến, và có kết quả rồi chúng ta thường bấm vào hình ảnh để xem. Google lại ưu tiên cho thông tin và hình ảnh điểm đến do Wikipedia biên soạn.
Thế là North Face cho người mặc đồ North Face chụp hình thật đẹp ở nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng. Xong rồi họ vào Wikipedia biên tập sửa đổi, thay ảnh nguyên thủy bằng ảnh của họ mới chụp. Thế là mọi kết quả tìm trên Google Images đều bắt đầu bằng hình ảnh quảng cáo không công cho North Face. Sau khi bị phản đối dữ quá, North Face phải xin lỗi.
Google thường tuyên bố đầu tư rất dữ để ngăn chặn các thủ thuật SEO trái phép, nhưng những ai kiên nhẫn và có nhiều tiền bạc vẫn có thể thao túng kết quả tìm kiếm theo ý muốn.
Các công ty tư vấn SEO thường nắm trong tay nhiều website, lại sẵn sàng bỏ tiền mua đường dẫn của các mạng có sẵn uy tín nhằm tăng hạng cho thông tin mình đưa lên. Có nơi bỏ tiền mua các tên miền từng có thời rất được ưa chuộng, thứ hạng cao để sau đó bán đường dẫn cho bất kỳ ai muốn nhờ nâng hạng trong kết quả tìm kiếm.
Một thủ thuật được giới thao túng kết quả tìm kiếm ưa chuộng là tạo ra các học bổng với đủ đường link, liên kết với nhiều trường đại học.
Học bổng thường mang tên người muốn tô đẹp tên tuổi, giá trị nhỏ vài ngàn đôla, nhưng các trường đại học thường dẫn "link" để giúp sinh viên tương lai tìm nguồn tài trợ. Đuôi tên miền.edu là đích nhắm vì Google thường xếp hạng cao các trang web loại này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận