31/12/2009 06:19 GMT+7

Từ tết tây nghĩ đến tết ta

TRẦN HỮU TÁ
TRẦN HỮU TÁ

TT - Còn một tháng rưỡi nữa đến Tết Nguyên đán. Theo dõi báo chí thấy công đoàn và lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp đã có ý thức lo xa, chuẩn bị khá sớm cho những người lao động - trí óc cũng như chân tay.

Mừng cho những ai đang làm việc trong hàng không, dầu khí, thuế vụ, hải quan, ngân hàng… chắc chắn tết này món tiền thưởng sẽ không thua mọi năm. Càng mừng hơn cho công nhân cao su - những người một nắng hai sương, quanh năm vất vả - nghe nói năm nay quà tết sẽ hơn hẳn năm ngoái. Các ngành khác ít nhiều khác nhau nhưng chắc đều có tết. “Tết chẳng riêng ai, tết mọi nhà”… Nhưng giật mình chợt nghĩ: non 1 triệu giáo viên tết năm nay sẽ được đãi ngộ ra sao?

Một số vị có chức quyền ở một số trường đại học chắc chẳng bận tâm đến việc lo tết. Với mức hưởng thụ trên dưới 90 triệu đồng/tháng, ngày nào đối với họ chẳng là tết, chẳng là cỗ bàn linh đình nếu muốn. Một tỉ lệ khiêm tốn thầy cô ở các thành phố lớn hằng ngày nai lưng “cày cuốc” dạy thêm hẳn cũng không đến nỗi bấn bí khi tết đến xuân về.

Thế nhưng, còn các cô mầm non, các thầy cô tiểu học thường xuyên túng thiếu vì đồng lương quá hẻo? Còn các thầy cô ở vùng sâu, vùng cao vốn quen với măng rừng rau đắng, ngô khoai và mang nỗi đau thường trực vì không cưu mang nổi vợ con? Và năm nay, sau những tai trời ách đất khủng khiếp, rất nhiều đồng nghiệp đáng kính nhưng cũng đáng thương ở miền Trung chưa khôi phục được cuộc sống thanh đạm cố hữu thì làm sao lo được mâm cơm cúng ông bà, manh áo mới cho vợ chồng và tấm bánh chưng, bánh tét cho con thơ?

Nhớ lại năm ngoái, trước Tết Kỷ Sửu năm ngày, ông bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có thư chúc tết giáo viên toàn ngành và kêu gọi chính quyền các cấp, các đoàn thể xã hội, các mạnh thường quân hãy góp phần lo tết cho giáo viên để những ai khó khăn “khỏi nuốt nước mắt vào trong”. Tôi tin vào sự chân thành của người đứng đầu ngành giáo dục. Nhưng lời kêu gọi đưa ra vào thời điểm đó là quá muộn và cũng không nên coi việc lo tết cho giáo viên như một hoạt động từ thiện.

Nhắc lại chuyện cũ để mong việc chăm sóc đến quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của giáo viên từ Tết Canh Dần 2010 này trở đi phải ngày một tốt hơn. Cần có một chính sách hẳn hoi để họ cũng được đàng hoàng nhận tháng lương thứ 13 như những người lao động khác. Trước mắt trích trong ngân sách chăng? Vài năm tới trích một phần trong quỹ học phí của toàn ngành, nghĩa là có điều chuyển bù đắp giữa các vùng giàu nghèo khác nhau của đất nước chăng?

Theo dõi tình hình thời sự, ta thấy các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước thường xuyên bày tỏ sự quan tâm đến ngành giáo dục và thể hiện một thái độ trọng thị đúng đắn đối với người thầy. Đó là một thuận lợi rất cơ bản nếu cần duyệt chi một khoản tiền thưởng tạm gọi là đột xuất này.

Lại nữa, ta thấy ông bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo đồng thời lại là phó thủ tướng - nghĩa là ông có thể đề xuất, trao đổi, thống nhất trực tiếp ngay với những quan chức chủ chốt của bộ máy lãnh đạo cao nhất. Đó là thuận lợi lớn thứ hai.

Rất có thể Chính phủ đã có quyết sách tích cực về vấn đề này và nỗi băn khoăn trăn trở trình bày ở trên trở thành vô nghĩa. Nếu được vậy thì mừng biết mấy! Bằng không, xin coi đây là một kiến nghị tha thiết của một ông giáo già hơn 50 năm gắn bó với bảng đen, phấn trắng vì những đồng nghiệp cả đời sống thanh bạch nhưng vẫn đang tận tụy hết mình cho “sự nghiệp trồng người”. Đừng để họ lại một lần nữa trong phút giao thừa sắp tới phải “nuốt nước mắt vào trong”!

TRẦN HỮU TÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên