29/04/2011 09:17 GMT+7

Từ những tín hiệu tích cực

TRẦN HỮU TÁ
TRẦN HỮU TÁ

TT - Cách đây ít ngày báo chí đăng tin: UBND TP.HCM quyết định hoán đổi khu đất khác cho VietinBank để thu hồi khu đất 440m2 ngay trong khuôn viên Trường THPT Lê Quý Đôn phục vụ yêu cầu mở rộng trường.

Bốn ngày sau, một tin vui khác: UBND TP.HCM ban hành chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất cho khoảng 20.000 giáo viên, cán bộ, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước có hệ số lương từ 3.0 trở xuống với mức 200.000 đồng/người/tháng.

Hai quyết định mang tính đạo lý và hợp lòng dân! Về quyết định thứ nhất, điều đáng nói là lãnh đạo chính quyền TP đã nghiêm túc lắng nghe những ý kiến cũng hết sức nghiêm túc của dư luận được chuyển tải trên báo chí và được trình bày trong HĐND TP.HCM. Không chỉ lắng nghe, UBND TP.HCM còn tiếp thu, chỉnh sửa quyết định cũ không thỏa đáng của mình một cách nhanh chóng hiếm thấy.

Với quyết định thứ hai, xin được nói thẳng, chủ yếu mang ý nghĩa tinh thần, tình cảm; còn nếu chi li về giá trị thực tiễn thì mỗi bữa ăn hằng ngày của 20.000 gia đình người lao động nghèo khó chỉ có thêm một hột vịt hoặc một mớ rau, một miếng đậu hũ, một chén tép riu. Nhưng có còn hơn không và bất cứ ai cuối tháng nhận món tiền nghĩa tình này cũng hiểu thêm tấm lòng, sự cố gắng của những người có trách nhiệm.

Điều đáng suy nghĩ: trong hoàn cảnh khó khăn nhiều bề hiện nay, có thể làm gì tốt hơn cho ngành giáo dục TP, chủ yếu về phương diện cơ sở trường lớp? Có thể khẳng định nếu lãnh đạo TP quyết tâm và có những biện pháp đủ mạnh, tình hình sẽ sớm được cải thiện. Muốn mở rộng trường cũ và xây trường mới đương nhiên phải có đất. Đất không chỉ để xây hệ thống lớp học, phòng thí nghiệm mà còn tạo điều kiện cho học sinh có nơi tập thể dục, chơi thể thao, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, có như thế trường học mới không còn giống với chuồng chim câu như nhiều trường hiện nay. HĐND TP nên chỉ đạo công tác kiểm kê quỹ đất của hệ thống trường trong toàn thành.

Chắc chắn chúng ta sẽ đối diện với một thực tế đáng buồn. Đất ở TP hiếm, quý thật nhưng đâu đến nỗi ngành giáo dục phải bó tay: Vì nhiều lý do khác nhau, từ lâu nhiều trường đã bị mất đất. Nhà dân (nhếch nhác), nhà hàng (hoành tráng), ngân hàng (nguy nga), bãi giữ xe (lộn xộn)... ở lẫn trong trường, làm mất đi vẻ tôn nghiêm cần có của những “thánh đường tri thức”.

Báo chí cũng đã phát hiện: chỉ riêng Q.8, trung ương và TP đã có quyết định thu hồi hàng trăm ngàn mét vuông đất bỏ hoang hoặc đang kinh doanh thu lợi không chính đáng cho một số cá nhân, đơn vị nào đó. Thế nhưng các “đại gia” chủ nhà, chủ đất (tổng công ty này, công ty nọ) chây ì không giao trả. Tình hình xấu này không chỉ xảy ra ở quận 8!

Xin nhắc lại: nếu những nhà quản lý (Chính phủ, bộ, ngành, TP) thật sự quan tâm và có chế tài tích cực, tình hình sẽ khác. TP sẽ không chỉ đủ chỗ xây trường mà còn có thể dành một phần quỹ đất dư cho bệnh viện, nhà văn hóa, sân chơi cho thiếu nhi. Chất lượng sống của non 10 triệu người ở TP.HCM sẽ được cải thiện. Trình độ dân trí nhìn chung sẽ được nâng cấp. Giải quyết căn cơ triệt để như thế, chắc chắn sẽ được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

TRẦN HỮU TÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên