01/07/2020 05:34 GMT+7

Từ năm học tới, sẽ không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng 5-9

VĨNH HÀ - NGỌC DIỆP
VĨNH HÀ - NGỌC DIỆP

TTO - Tựu trường và đi học trước khoảng một tháng rồi mới khai giảng là việc diễn ra trong nhiều năm học trước. Từ năm học 2020-2021, việc này sẽ chấm dứt.

Từ năm học tới, sẽ không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng 5-9 - Ảnh 1.

Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT Trần Quang Nam phát biểu tại cuộc họp báo chiều 30-6 - Ảnh: MAI THƯƠNG

Đó là khẳng định của ông Trần Quang Nam - chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ GD-ĐT - tại cuộc họp báo định kỳ ngày 30-6.

Nếu báo chí phát hiện những trường không thực hiện đúng quy định về thời gian học sinh tập trung, thời gian thực học thì có thể thông tin cho Bộ GD-ĐT để kiểm tra, xử lý.

Ông TRẦN QUANG NAM

Thực hiện lâu dài

Ông Trần Quang Nam cho biết Bộ GD-ĐT đang xây dựng dự thảo quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Theo đó, cả nước sẽ thống nhất tổ chức khai giảng năm học vào ngày 5-9 như truyền thống lâu nay. Tuy nhiên, các nhà trường sẽ không dạy học trước ngày khai giảng năm học mới.

Hiện Bộ GD-ĐT đang dự kiến thời điểm học sinh tập trung đến trường có thể vào ngày 1-9. Nhưng trước ngày khai giảng năm học, các nhà trường không tổ chức dạy học mà chỉ tập trung học sinh để chuẩn bị các điều kiện, ổn định nề nếp.

Vậy điều chỉnh này có kéo theo những xáo trộn trong việc triển khai kế hoạch năm học? Liệu cả nước thống nhất một lịch tựu trường có khiến một số địa phương đặc thù gặp khó khăn?

Trả lời câu hỏi này của Tuổi Trẻ tại cuộc họp báo, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học và TS Thái Văn Tài - vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, cho biết tính từ mốc khai giảng năm học (ngày 5-9) đến cuối tháng 5, các nhà trường có 37 tuần (đã trừ một tuần nghỉ tết).

Trong khi đó, chương trình giáo dục tiểu học thiết kế là 35 tuần/năm học. Chương trình giáo dục bậc trung học trước đây thiết kế 37 tuần/năm học nhưng từ năm học tới, Bộ GD-ĐT sẽ tinh giản nội dung, đổi mới cách thức dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh để giảm thời gian thực học chỉ còn 35 tuần/năm học.

Với tính toán này, cả ông Thành và ông Tài đều khẳng định việc lùi thời điểm tựu trường trùng với dịp khai giảng năm học mới không gây xáo trộn kế hoạch thời gian năm học. Các nhà trường có khoảng hai tuần dự phòng để có thể linh hoạt cho học sinh nghỉ học và học bù nếu xảy ra thiên tai, khí hậu khắc nghiệt ở một số địa phương.

"Điều chỉnh này không phải chỉ áp dụng cho năm học tới, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mà sẽ thực hiện lâu dài trong các năm học sau" - ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định.

Theo ông Thành, từ năm học tới Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các trường trung học đổi mới mạnh mẽ việc xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng tinh giản, tích hợp nội dung chương trình theo các chủ đề dạy học, áp dụng linh hoạt các hình thức dạy học theo hướng tăng thực hành, trải nghiệm, mở rộng các hoạt động bên ngoài không gian lớp học.

Theo đó, việc kiểm tra, đánh giá học sinh cũng đa dạng hơn, không nhất thiết chỉ có một hình thức làm bài kiểm tra trên giấy. Đây cũng là một hướng đi có thể giúp các nhà trường tiết kiệm được thời gian, dành thêm quỹ thời gian cho học sinh tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng lực, phẩm chất.

Ông Nguyễn Xuân Thành cũng cho biết Bộ GD-ĐT sẽ ban hành khung thời gian năm học bao gồm thời gian tựu trường và kết thúc năm học. Căn cứ vào đó, UBND các tỉnh, thành phố sẽ ban hành kế hoạch thời gian năm học cụ thể của mỗi địa phương.

Giáo viên lớp 1: không đạt yêu cầu sẽ không bố trí dạy

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1. Nhưng dịch COVID-19 vừa qua khiến việc chuẩn bị, tập huấn giáo viên gặp khó khăn.

Trong cuộc họp báo, nhiều câu hỏi được đặt ra về việc liệu Bộ GD-ĐT có gấp gáp khi giữ nguyên tiến độ triển khai chương trình mới ở lớp 1 không. Có những thông tin được phóng viên cung cấp tại cuộc họp báo cho biết ở một số địa phương giáo viên tiểu học không nắm được tinh thần đổi mới giáo dục.

Về điều này, ông Thái Văn Tài khẳng định: "Nếu giáo viên không tham gia tập huấn hoặc tham gia không đầy đủ, giáo viên có tham gia tập huấn nhưng khi làm bài test để đánh giá kết quả tập huấn không đạt sẽ chưa bố trí dạy lớp 1 trong năm học tới".

Theo ông Tài, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các địa phương bố trí dư số giáo viên tham gia tập huấn để có thể sàng lọc, giữ lại những người đảm bảo yêu cầu, ưu tiên bố trí dạy lớp 1 trong năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục mới này.

Thăm dò ý kiến

Bộ Giáo dục đào tạo đang xây dựng dự thảo quyết định cả nước sẽ thống nhất tổ chức khai giảng năm học vào ngày 5-9, trước đó không dạy học thêm. Theo bạn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Bộ GD-ĐT: Thống nhất cả nước khai giảng ngày 5-9 Bộ GD-ĐT: Thống nhất cả nước khai giảng ngày 5-9

TTO - Thời gian tựu trường, quy định về ngày khai giảng và điều chỉnh thời gian thực học là những nội dung được Bộ GD-ĐT trao đổi tại cuộc họp báo định kì do Bộ GD-ĐT tổ chức vào ngày 30-6.

VĨNH HÀ - NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên