08/05/2020 11:56 GMT+7

Tù mù giá thiết bị y tế

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Chuyện thiết bị y tế giá cao, rồi mua về có khi không dùng đến, để lãng phí đang được bàn đến nhiều. Nếu cơ quan làm chính sách vẫn không có quy định để quản lý, tất yếu tình trạng lộn xộn sẽ xảy ra.

Tù mù giá thiết bị y tế - Ảnh 1.

Bảy năm trước, người dân phát sốt khi vụ gian lận xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, Hà Nội bị "lộ sáng". Khi đó, bằng cách gian lận kết quả xét nghiệm để thu phí, đã có nhiều người dân khác nhau đến bệnh viện này nhận được kết quả xét nghiệm… giống nhau.

Sau vụ việc này, những vấn đề xung quanh mảng thiết bị y tế tại bệnh viện được quan tâm, khi người dân biết rằng họ có thể gặp rắc rối với thiết bị y tế do những vấn nạn như chỉ định quá nhiều xét nghiệm không cần thiết, không công nhận xét nghiệm lẫn nhau làm tốn kém thời gian, tiền bạc xét nghiệm, gian lận kết quả xét nghiệm, mua thiết bị y tế giá cao nhưng không dùng hoặc ít dùng…

Lần này vì vụ dịch COVID-19, chuyện thiết bị y tế lại được quan tâm. Ban đầu người ta tự hỏi vì sao cùng một thiết bị xét nghiệm Realtime PCR mà mỗi nơi một giá và giá lại cao hơn giá nhập khẩu nhiều như vậy?

Nhưng nếu hiểu rằng đây mới chỉ là một mảng rất nhỏ trong lĩnh vực thiết bị y tế, bởi thiết bị y tế sử dụng trong bệnh viện mới là mảng rất lớn, giá trị cao, liên tục được đầu tư bởi thời gian "hao mòn" nhanh, mới thấy những kẽ hở chính sách đang dẫn đến thất thoát chi phí mua thiết bị như thế nào.

Do không được xếp vào nhóm mặt hàng Nhà nước quản lý giá, nên "giá thị trường" của thiết bị y tế rất khó xác định. Chỉ thay đổi một chút là thiết bị đó có thể xếp vào nhóm giá khác do thay đổi về cấu hình.

Trong khi đó, cho đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có một địa chỉ công khai giá trúng thầu thiết bị y tế, đơn vị nào đã mua, đời máy năm nào, cấu hình gồm những gì, giá cả bao nhiêu… Nếu có giá công khai thì chắc hẳn không xảy ra tình trạng mỗi nơi một giá (và chênh lệch giữa các đơn vị quá cao) như đã diễn ra.

Quy định hiện hành cũng không cấm các đơn vị mua bán thiết bị y tế lòng vòng, cứ đơn vị A bán cho đơn vị B, rồi B bán tiếp cho C…, khi đến cơ sở y tế, giá đã bị đẩy lên thêm không ít.

Việc mua sắm các tài sản công, cụ thể ở đây là thiết bị y tế, được cho phép dựa trên báo giá của nhà cung cấp, giá của đơn vị thẩm định, giá của các hợp đồng trước đó.

Vì mức giá "cơ sở" này rộng và không quy định chặt chẽ, nên đã có địa phương đưa vào dự toán việc mua thiết bị xét nghiệm (theo báo giá của nhà cung cấp là 17 tỉ đồng), cao hơn rất nhiều lần so với thị trường.

Nếu cơ quan làm chính sách không có quy định để quản lý, tất yếu tình trạng lộn xộn sẽ xảy ra.

Chuyện thiết bị y tế giá cao, rồi mua về có khi không dùng đến, để lãng phí đang được bàn đến nhiều, nhưng nếu những cơ quan quản lý như Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư không sớm có những quy định để "siết" thì rồi vài năm nữa, người ta sẽ lại bàn tiếp và báo chí lại phải tốn giấy mực để nói về câu chuyện này.

Bởi lỗi ở đây là chính sách để hở thì người ta có thể len vào kẽ hở, thế thôi.

Thiết bị y tế 140 tỉ mua xong không xài, Thiết bị y tế 140 tỉ mua xong không xài, 'trùm mền', hư hỏng...

TTO - Trong số 99 thiết bị y tế trị giá 140 tỉ, có những thiết bị mua về đã 1 năm nhưng chưa đủ nhân lực để sử dụng, thậm chí không sử dụng trong suốt 3 năm do chưa có nhu cầu.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên