03/05/2017 09:23 GMT+7

Tự học tại nhà, còn sự lựa chọn nào khác?

NGUYỄN MINH HÒA
NGUYỄN MINH HÒA

TTO - Ngay sau khi báo Tuổi Trẻ đăng bài “Nghỉ học phổ thông để tự học ở nhà", đã có hàng ngàn ý kiến bày tỏ thái độ ở các khía cạnh và cung bậc khác nhau, dù đang là ngày cuối của kỳ nghỉ lễ.

Lúc 21h đêm qua, cuộc thăm dò trên Tuổi Trẻ Online đã nhận được 5.056 ý kiến, trong đó số ủng hộ việc để các cháu tự học ở nhà dưới sự hướng dẫn của cha mẹ là 4.282 (84,7%), số không ủng hộ là 469 (9,3%) và số có ý kiến khác là 305 (6%).

Như vậy, số ủng hộ cho sự lựa chọn này của cha mẹ và hai đứa trẻ chiếm đến 84,7%. Tôi cũng đã dành thời gian đọc hết tất cả bình luận, ý kiến của hàng trăm người về câu chuyện này. Tất cả đều nghiêm túc.

Phải rồi, với một câu chuyện như vậy, không ai có thể cười cợt và tôi nghĩ các quan chức của Bộ GD-ĐT, của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng không thể dửng dưng.

Là một trong số 4.282 người đã bấm vào mục ủng hộ, tôi hiểu những người khác sẽ nghĩ như tôi ủng hộ một sự lựa chọn dù không có nghĩa là mình có thể làm được, bởi không phải gia đình nào cũng có những điều kiện thuận lợi như anh Quốc Anh và chị Thanh.

Nhưng rõ ràng con số 84,7% khiến chúng ta phải suy nghĩ, khiến chúng ta phải cùng nhau bày tỏ thái độ về một nền giáo dục đang có vấn đề.

Tôi dám chắc một điều rằng sự lựa chọn này không dễ dàng với anh Quốc Anh và chị Thanh, đó là lựa chọn đau đớn cuối cùng sau những giày vò và bế tắc.

Là nhà giáo, làm sao anh chị lại không hiểu ngoài kiến thức ra, các cháu còn nhận được những thứ khác ở trường học mà gia đình không có được như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, bầu không khí sinh hoạt tập thể và hơn hết là tình đồng môn, nghĩa thầy trò.

Tôi là một giảng viên đại học, có con học lớp 7 và chúng tôi cũng trải qua tất cả cung bậc đau buồn, xót xa, giận dữ, khủng hoảng, căng thẳng, thậm chí “phát khùng” như hai cháu Thái Anh, Nhật Anh cùng cha mẹ phải trải qua.

Hơn thế nữa, là một nhà giáo có thâm niên gần 40 năm đứng lớp, tôi đau đớn vì sự bất lực trước các con tôi và sinh viên của tôi, đến độ nhiều lần phải gào lên: “Tại sao lại ra nông nỗi này?”. Tôi và con vừa cùng nhau trải qua một mùa thi với 9 môn, hai cha con đánh vật ngày đêm để học thuộc lòng từng câu từng chữ, mà môn nào cũng từ 4 đến 6 tờ A4 kín đặc chữ.

Nhưng tôi đoan chắc rằng ngay sau khi ra khỏi phòng thi, không đứa trẻ nào còn nhớ “lời vàng ý ngọc” mà các thầy cô nhồi nhét vào đầu chúng.

Tôi nghĩ giá như ông bộ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ cần làm được một chuyện là cho phép các thầy cô giáo giảng cho học sinh hiểu được nội dung của bài học, còn mỗi em được quyền diễn đạt theo cách mà chúng nó muốn, không phải lặp lại như những con vẹt ngô nghê. Chỉ vậy thôi, tôi tin chắc người dân đã rất biết ơn ông.

Tôi đọc được sự trăn trở và cả hoảng sợ của các bậc phụ huynh về tương lai của con em mình, ai cũng biết nền giáo dục nước nhà đang chứa đựng nhiều bất cập, nhưng họ còn có sự lựa chọn nào khác.

Và 84,7% những người ủng hộ anh Quốc Anh, chị Thanh như một tâm trạng, một phản ứng mạnh mẽ mà lãnh đạo Bộ GD-ĐT không thể không biết, không thấy.

Tôi muốn kết bài viết này bằng một dẫn chứng: có rất nhiều lãnh đạo của các trường, của ngành giáo dục luôn nói rằng giáo dục VN ưu việt, thậm chí có thứ hạng trên thế giới, nhưng rốt cuộc đều gửi con cái mình đi học ở nước ngoài, mà không cho chúng thụ hưởng sự ưu việt đó của nền giáo dục nước nhà (!).

>> Nghỉ học phổ thông, tự học ở nhà

>> Hình thức giáo dục nào cũng có ưu và nhược điểm

>> Thăm dò bạn đọc: Có nên cho con tự học ở nhà?

>> Tôi dành 80% thời gian để dạy con tự học tại nhà

NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên